Nhân cách và tầm vóc danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

03/07/2020 - 07:02

BDK - Trong khuôn khổ buổi tọa đàm “Hướng tới kỷ niệm 200 năm Ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2020)”, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật (VH-NT) Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Trường Đại học VH TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đưa ra những cứ liệu khẳng định giá trị thơ văn, nhân cách và tầm vóc danh nhân VH Nguyễn Đình Chiểu. Đây là cơ sở quan trọng tiến tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân VH thế giới.

Biểu diễn tái hiện về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Biểu diễn tái hiện về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Giá trị về nhân cách

Theo GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện VH-NT Quốc gia Việt Nam, người đã có nhiều nghiên cứu về các danh nhân VH, lịch sử của đất nước, Nguyễn Đình Chiểu có một ý chí, nghị lực phi thường. Ông đã vượt qua những biến cố trong cuộc đời và ngời sáng những giá trị về nhân cách. Điểm nổi bật khác người bình thường khi cụ là thầy thuốc, thầy giáo mù lòa nhưng đã vượt lên số mệnh. Cụ không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn trong lòng quần chúng nhân dân mà cụ đã trở thành nhà thơ lớn, nhà thơ yêu nước với những tác phẩm văn chương bất hủ, những áng hùng văn về anh hùng chống Pháp (như: Thơ điếu Trương Công Định, Văn tế Trương Công Định, Thơ điếu Phan Công Tòng, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…). Từ đây, lần đầu tiên người nông dân/nghĩa sĩ quanh năm “côi cút làm ăn; chỉ biết ruộng trâu” bước lên vũ đài lịch sử văn chương Việt Nam.

“Có thể nói, lịch sử văn chương nhân loại ít có trường hợp nào như Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi sao có ánh sáng khác thường - nhà thơ mù lòa mà tác phẩm mang tầm vóc lớn lao, kỳ vĩ; một tâm hồn trong sáng, đau đáu vì vận nước. Cụ đã sáng tác những áng văn chân thực, dựng lên những nhân vật có tên và vô danh mà hiện chân thực trong mắt người thường. Những nội dung trong các tác phẩm và nhân cách của cụ Đồ Chiểu thể hiện một phẩm chất VH được đề cao ở Nam Bộ. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu minh chứng sinh động về sự nhất quán tư tưởng và hành động theo triết lý VH mà cụ đã khẳng định”, GS.TS. Nguyễn Chí Bền nhận định.

 GS.TS. Bùi Quang Thanh - Viện VH-NT Quốc gia Việt Nam cho rằng, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ đơn thuần là vượt qua số mệnh mà còn vượt qua sự cay đắng, vì cụ gặp biến cố rồi mù lòa chứ không bị mù bẩm sinh. Với các thế hệ, không chỉ là nhân cách sống nổi bật hơn người mà chỉ tính riêng phần thơ văn của cụ thôi, Nguyễn Đình Chiểu cũng đã xứng đáng là một tượng đài.

“Cụ là người thầy trong lòng người dân Nam Bộ, với biểu tượng về ý chí, nhân cách và tình cảm nhân văn đối với quần chúng nhân dân. Qua các tác phẩm văn thơ của cụ cho thấy mối quan hệ con người đậm chất nhân văn, nương tựa vào nhau giữa sự nghiệp, cuộc đời của cụ Nguyễn Đình Chiểu với cộng đồng. Những nội dung về cụ đã được lan tỏa rất sâu rộng thông qua học đường và các phương tiện truyền thông từ Bắc vào Nam. Cụ hoàn toàn xứng đáng là một biểu tượng VH nhân văn của dân tộc và xa hơn”, GS.TS. Bùi Quang Thanh khẳng định.

PGS.TS. Lâm Nhân - Phó hiệu trưởng Trường Đại học VH TP. Hồ Chí Minh đã nêu: Việt Nam là một đất nước văn minh, có nhiều nhân tài. Riêng Bến Tre - vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều hiền tài trong lịch sử, trong đó có Nguyễn Đình Chiểu, là một trong những nhân vật nổi trội của vùng đất Nam Bộ. Những nội dung của buổi tọa đàm nhằm làm sáng tỏ những giá trị cống hiến của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu trong cả quá khứ và hiện tại.

Tấm gương y đức

Trong dịp kỷ niệm 198 năm ngày sinh (1-7-1822 - 1-7-2020) và 132 năm ngày mất (3-7-1888- 3-7-2020) của nhà thơ, nhà giáo, thầy thuốc yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu có buổi sinh hoạt chuyên đề nội dung về tấm gương y đức Nguyễn Đình Chiểu.

Chủ tịch Công đoàn ngành y tế Nguyễn Chí Đông nhận định, Nguyễn Đình Chiểu là một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam. Cả về y thuật và y đức của Nguyễn Đình Chiểu chính là đạo cứu người lồng trong nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Trong đó, có thể kể đến tác phẩm “Ngư tiều y thuật vấn đáp” mà cụ đã để lại cho hậu thế, nói lên một đường hướng y học chân chính, cả về đạo đức và chuyên môn. Cụ chỉ ra những bài thuốc cụ thể. Theo đó, “cây cỏ đều có chất độc - lành khác nhau, chưa rõ tính chớ nên dùng”.

Thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu cũng đã lên án các việc làm bất chính hại đến tính mạng con người. Cụ luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, như cụ đã viết: “Thấy người đau giống mình đau/ Phương nào cứu đặng mau mau trị lành/ Đứa ăn mày cũng trời sinh/ Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không”.

“Sống cách chúng ta hơn một thế kỷ nhưng những quan điểm và cơ sở y thuật Á Đông của Nguyễn Đình Chiểu vẫn rất mới, rất phù hợp với quan niệm hiện nay. Tư tưởng y đức học của cụ Đồ Chiểu thật toàn diện. Cụ khuyên người thầy thuốc cần phải trau dồi cả tài năng và đức độ trong suốt cuộc đời, nghề nghiệp của mình. Với niềm tự hào của ngành y nói chung, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu nói riêng, ngành y và bệnh viện sẽ không ngừng phát triển toàn diện, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”, ông Nguyễn Chí Đông nói.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng, từ các cứ liệu của các nhà khoa học cho thấy, Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương vượt lên số phận nghiệt ngã, một tấm gương “trung với nước, hiếu với dân”. Nguyễn Đình Chiểu sinh ra, lớn lên và mất đi trong giai đoạn đất nước đầy biến loạn; 66 tuổi đời nhưng đã trải qua nhiều biến cố gia đình, tình duyên trắc trở, bị mù lòa khi còn rất trẻ (26 tuổi), nhưng cụ không nhụt chí, luôn nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã của mình. Cụ sáng tác thơ văn chống Pháp, mở trường dạy học, hốt thuốc cứu người… Sự độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu là sáng tác thơ văn trong điều kiện bị mù lòa, cho thấy trí nhớ của cụ rất đặc biệt. Với những tác phẩm để đời và nhân cách sống, cụ đã được tôn vinh là một nhà thơ, nhà VH lớn. Có nhiều hoạt động nghiên cứu cấp Trung ương, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã đánh giá cao về Nguyễn Đình Chiểu. Nhân cách của cụ được nhân dân yêu mến, kẻ thù nể phục”.

Sau khi ghi nhận các cứ liệu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ngành có liên quan sẽ tham mưu Tỉnh ủy có văn bản đề xuất với Ban Bí thư cho chủ trương tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cấp quốc gia vào năm 2022. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đề nghị Tổ chức UNESCO xem xét công nhận Nguyễn Đình Chiểu là danh nhân VH thế giới nhân dịp 200 năm Ngày sinh của cụ.

(Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng)

Bài, ảnh: Nguyệt Ánh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN