Những gương mặt đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia

04/03/2012 - 14:59

Tại kỳ thi Học sinh giỏi cấp quốc gia (HSGQG) năm học 2011-2012, Bến Tre có 18 học sinh đoạt giải. Xin giới thiệu hai gương mặt xuất sắc trong số các học sinh đoạt giải lần này.

“Lịch sử là cội nguồn của dân tộc”

Những ngày này, thầy trò Trường THPT Chuyên Bến Tre rạng rỡ nụ cười cho niềm vinh dự lần đầu tiên tỉnh Bến Tre có học sinh đoạt giải nhất kỳ thi (HSGQG) ở môn Sử. Đó là em Lê Thiện Anh, học sinh lớp 12 chuyên Văn - Sử - Địa của trường. Chia sẻ cùng chúng tôi bí quyết học tốt môn Sử - một môn thường được xem là “khó nuốt”, nhất là đối với các bạn học sinh nam hiện nay, Thiện Anh giãi bày, nhiều bạn thường nghĩ Sử là môn học thuộc lòng nhưng thật ra muốn học giỏi thì phải đọc và hiểu sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Nhưng quan trọng nhất, người học Sử phải biết hệ thống hóa các nội dung lịch sử bằng những sơ đồ nhánh, biểu đồ thống kê tư duy theo từng sự kiện, mốc thời gian. Từ đó, ta mới có thể dễ dàng ghi nhớ nội dung và dữ liệu của môn học. Bởi, môn Sử là một môn khoa học biện chứng. Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - giáo viên dạy Sử nhận xét: “Để đánh giá một học sinh thật sự giỏi môn Sử là một điều rất khó. Bởi không phải chỉ cần tính siêng học bài mà là phải có khả năng lập luận, thông minh, trí nhớ tốt. Đặc biệt là phải có niềm đam mê, yêu thích Sử học. Thiện Anh là một trong những học sinh hiếm hoi đáp ứng đủ những điều đó”.

Lê Thiện Anh.

Không chỉ học bài trên lớp, mỗi ngày, Thiện Anh dành khoảng hai tiếng đồng hồ đến thư viện, nhà sách để tìm đọc một cuốn sách lịch sử. Cứ như thế, trung bình mỗi tuần, Thiện Anh đã đọc xong từ một đến hai cuốn sách. Không chỉ đọc đơn thuần, Thiện Anh còn đối chiếu nội dung từng sự kiện lịch sử, tiểu sử nhân vật giữa các cuốn sách với nhau. Nếu cảm thấy mâu thuẫn, bằng mọi cách, Thiện Anh quyết tâm phải tìm ra đâu mới là sự thật chính xác. Bởi em quan niệm “Lịch sử là cội nguồn của dân tộc, cái gì có thể sai chứ Sử thì phải được phản ánh chính xác, khách quan, trung thực”. Có lần, vì muốn đi đến ngọn nguồn sự việc, em đã dành hàng tháng trời để tìm hiểu, phân tích đối chiếu các sự kiện, nguyên nhân, luận chứng cho vấn đề Nhà Hồ mất nước là tất yếu hay không tất yếu. Trước thực trạng nhiều bạn học sinh không hứng thú, thậm chí là “coi thường” môn Sử, Thiện Anh thẳng thắn trải lòng: “Thông qua những kiến thức lịch sử, vận dụng vào cuộc sống, ta rèn giũa được đạo đức, cách đối nhân xử thế, nguyên tắc sống và làm việc. Học Sử là học làm người”. Thiện Anh mơ ước sẽ trở thành một luật sư giỏi giúp đỡ người dân nghèo, bảo vệ công lý; đem sức trẻ, lòng nhiệt huyết, tri thức cống hiến cho quê hương.

Tình cờ “bén duyên” với môn Văn

Em Phan Bảo Trân, học sinh lớp 12 tự nhiên Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại) kể về con đường đến với văn học của mình: “Đó là sự tình cờ. Trong một lần làm bài kiểm tra Văn lớp 8, sau khi đọc bài làm văn của em, cô giáo bảo em có khiếu học Văn nên đầu tư cho môn này hơn”. Lời nhận xét của cô như đã đánh thức suy nghĩ của Bảo Trân, giúp em nhìn nhận đúng năng lực và khả năng của bản thân. Bắt đầu từ đó, Bảo Trân không còn xem phim hay la cà cùng bạn bè. Thay vào đó, em dành thời gian đọc sách, rèn cách viết, luyện nét chữ… Hễ trong chương trình sách giáo khoa có tác giả nào là Bảo Trân tìm đọc cho bằng hết những tác phẩm khác của tác giả. Thông qua đó, Bảo Trân hiểu được phong cách sáng tác, ý tứ, bút pháp cũng như quan niệm sống của nhà văn, nhà thơ. Từ đó, tạo thành vốn kiến thức giúp em vững vàng trước các đề tập làm văn. Không những lời văn phải mượt mà, Bảo Trân còn rất “chăm chút” ở khoản chữ đẹp, trình bày sạch sẽ, đúng chính tả, ngữ pháp. Trong tất cả nhà văn của Việt Nam, Bảo Trân thích nhất là nhà văn Nam Cao với những tác phẩm đầy tính nhân văn như: Lão Hạc, Đôi mắt… Còn đối với văn học nước ngoài, tác phẩm Ông già và biển cả của đại văn hào Ernest Hemingway được Bảo Trân tâm đắc nhất. Em chia sẻ: “Thông qua nhân vật chính, em thấy được khát vọng sống, khát vọng chiến thắng bản thân, chiến thắng thiên nhiên của con người”.

Phan Bảo Trân. 

Đó cũng là phương châm sống: Miễn là đã nỗ lực hết sức thì dù kết quả không như mong muốn cũng không hối tiếc. Quan trọng là ta có nắm bắt được cơ hội hay không. Và Bảo Trân đã “nắm bắt” rất tốt với một thành tích học tập “đáng nể” nào là giải nhất môn Văn vòng tỉnh; giải khuyến khích kỳ thi HSGQG môn Văn; 11 năm liền là học sinh giỏi, xuất sắc… Ở trường, ngoài việc học, Bảo Trân còn tham gia sôi nổi các phong trào của Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên. Đặc biệt, Bảo Trân cũng có khả năng sáng tác và biểu diễn kịch. Những vở kịch của Bảo Trân gắn liền với tâm tư tình cảm, đời sống tuổi học trò, lại vô cùng dí dỏm nên được các bạn đón nhận nhiệt tình. Các hoạt động ngày chủ nhật xanh, bảo vệ môi trường, tình nguyện vì cộng đồng, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… ở đâu cũng đều có Bảo Trân tham gia, như là “thường trực”. Thầy Phạm Hữu Toại - Hiệu trưởng Trường cho biết, Bảo Trân là một học sinh tiêu biểu của trường. Trường đang tạo mọi điều kiện để em phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN