Những thắng lợi trong công tác đấu tranh chính trị của đảng bộ, dân và quân tỉnh nhà

18/11/2020 - 06:48

BDK - Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) “Về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà”, chủ trương của Liên Tỉnh ủy Trung Nam Bộ về “Phát động quần chúng nổi dậy đồng loạt, đều khắp; đưa đông đảo quần chúng nhân dân vào cuộc, cố giữ thế hợp pháp, đồng thời sử dụng vũ trang hỗ trợ thật khôn khéo”, ngày 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, chọn 3 xã điểm Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (Mỏ Cày) nhân dân Bến Tre đã đồng loạt nổi dậy làm cuộc Đồng khởi trên toàn tỉnh và giành thắng lợi vang dội. Từ đó, đã mở đầu cho phong trào Đồng khởi trên toàn miền, đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công chiến lược.

Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy. Ảnh tư liệu

Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Đồng khởi 1960 không chỉ là minh chứng cho sự đúng đắn của Nghị quyết số 15 của Trung ương Đảng, tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam, mà còn là sự khẳng định phương thức đấu tranh “hai chân, ba mũi” với sự ra đời của “Đội quân tóc dài” nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp tiến công địch.

Đó là kết hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, bằng ba mũi giáp công là chính trị, quân sự và binh vận. Sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang được đẩy mạnh ngay từ khi đơn vị vũ trang của tỉnh Bến Tre được thành lập, đã tạo thêm sức mạnh, làm “đòn xeo” cho Đồng khởi, chống địch phản kích. Từ diệt ác, phá kìm kẹp đến các trận đánh tiêu diệt quân địch, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân, đấu tranh vũ trang trở thành đòn bẩy thúc đẩy mũi chính trị, binh vận cùng phát triển.

Điển hình và mở đầu có tính sáng tạo độc đáo cho phương thức đấu tranh kết hợp “hai chân”, “ba mũi” là cuộc phản công bẻ gãy cuộc càn quét “Bình trị Kiến Hòa” của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 25-3-1960, địch huy động trên 10 ngàn quân hỗn hợp gồm: Thủy quân lục chiến, lính dù, biệt động, biệt kích, liên quân Bảo an lưu động… có tàu chiến, xe tăng, thiết giáp, máy bay và pháo binh yểm trợ để đánh vào bao vây ba xã điểm Đồng khởi. Đây không chỉ là một thử thách lớn đối với nhân dân ba xã mà còn là sự sống còn của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre. Trong tình thế đó, để bảo vệ thành quả của cuộc Đồng khởi, ngăn chặn tội ác của địch, hạn chế tổn thất của nhân dân, Tỉnh ủy chủ trương kiên quyết bám dân, lãnh đạo chống càn, giữ vững phong trào. Cùng với chỉ đạo cho bộ đội và du kích bám đánh địch bất kể ngày đêm. Đồng thời, Tỉnh ủy chủ trương phát động quần chúng đấu tranh chính trị trực diện với địch tại chỗ. Đến ngày 1-4-1960, Tỉnh ủy đã chỉ đạo huy động trên 5 ngàn người dân, chủ yếu là phụ nữ làm cuộc “tản cư ngược” lũ lượt kéo ra thị trấn Mỏ Cày, tố cáo tội ác giết người, hãm hiếp, cướp của… của bọn lính đang càn quét và đòi địch phải rút quân mới chịu về.

Để tăng cường sức ép, cổ vũ những người đi trước, những ngày sau đó, ta huy động thêm khoảng 5 ngàn người, chủ yếu là phụ nữ từ các xã lân cận kéo ra thị trấn Mỏ Cày. Những ngày cao điểm, lực lượng “tản cư ngược” lên đến 10 ngàn người, nằm lì ngày đêm tại thị trấn, tố cáo tội ác của địch, đồng thời tuyên truyền, vận động binh lính đồng tình ủng hộ, kiên quyết đòi địch phải rút quân.

Địch bị động trước sức ép ngày càng lớn của phong trào đấu tranh và tình hình chuyển biến ngày càng mất kiểm soát. Sau 12 ngày đêm, đại diện chính quyền Sài Gòn và Tỉnh trưởng Kiến Hòa phải đến thị sát tình hình, buộc phải ra lệnh rút quân. Cuộc phản công quy mô lớn của địch vào 3 xã điểm của phong trào Đồng khởi ở huyện Mỏ Cày đã bị thất bại trước tinh thần đấu tranh kiên quyết và khéo léo của quần chúng nhân dân, trong đó có vai trò to lớn của “đội quân tóc dài”. Đây là một đội quân độc đáo, một đội quân mà ở đó không hình thành những phiên hiệu rõ ràng và cũng không được trang bị vũ khí nhưng lại có sức phản công rất mãnh liệt, đã cùng với mũi vũ trang và binh vận có thể bẻ gãy các cuộc càn quét có quy mô lớn của địch. Từ trận đầu ra quân thắng lợi, vai trò đấu tranh chính trị của phụ nữ được phát huy. “Đội quân tóc dài” ra đời và nổi tiếng từ đây.

Như vậy, sự ra đời của “Đội quân tóc dài”, “Đồng khởi” ở tỉnh đã sáng tạo một mô hình hoàn chỉnh của nghệ thuật chiến tranh nhân dân về tiến công và nổi dậy kết hợp ba mũi chính trị, binh vận, vũ trang mà sau này Trung ương đúc kết thành phương châm chỉ đạo chiến lược chung cho toàn miền Nam xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và được đúc kết thành câu ca: “Chính trị - binh vận - vũ trang/ Phối hợp nhịp nhàng, ba mũi giáp công./ Bao vây, bức rút, bức hàng,/ Đứng lại chống càn, giải phóng nông thôn”.

Phong trào Đồng khởi 1960 đã mở đầu và đưa cách mạng tỉnh nhà cùng cả miền Nam bước vào giai đoạn mới. Tình thế cách mạng mới đòi hỏi phải có ngay một tổ chức chính thức, tiêu biểu huy động được sức mạnh đoàn kết và chiến đấu của toàn dân, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên giành thắng lợi mới trong công cuộc kháng chiến. Vì vậy, một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất (MTDTTN) với cấp độ, hình thức và nội dung phù hợp với cách mạng miền Nam ra đời là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Đồng thời, đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm được nêu ra trong Nghị quyết số 15 Trung ương Đảng. Đó là cách mạng miền Nam cần có MTDTTN riêng, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của nó, nhằm tập hợp rộng rãi tất cả các lực lượng chống đế quốc và tay sai; lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân.

Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) miền Nam vào ngày 20-12-1960, tại căn cứ cách mạng thuộc xã Tân Lập, Châu Thành, Tây Ninh là sự kiện chính trị lớn, đánh dấu sự trưởng thành và mở ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam đã đáp ứng yêu cầu tất yếu, cấp thiết đó. Chỉ trong vòng 5 ngày sau, ngày 25-12-1960, tại tỉnh đại hội đại biểu các cấp, các tầng lớp, tôn giáo, đoàn thể chính trị được diễn ra, đã tán thành Tuyên ngôn và Chương trình 10 điểm của Ủy ban Trung ương lâm thời MTDTGP miền Nam Việt Nam, bầu Ủy ban Mặt trận tỉnh gồm 13 thành viên. Một cuộc mít-tinh lớn ra mắt Ủy ban MTDTGP tỉnh được tổ chức vào đêm 28-12-1960, trong vùng giải phóng tại sân banh xã Mỹ Chánh (huyện Ba Tri), có hàng ngàn người dân nô nức tham dự.

Đến cuối năm 1961, Ủy ban MTDTGP các huyện, xã trong tỉnh đều được thành lập, các tổ chức cách mạng được khôi phục và phát triển nhanh. MTDTGP đã trở thành tổ chức như hệ thống chính quyền các cấp và là ngọn cờ hiệu triệu, đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với việc thành lập Ủy ban Mặt trận ở nhiều địa phương trong tỉnh là sự ra đời của các tổ chức chính trị của quần chúng như: Hội Nông dân giải phóng, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Thanh niên giải phóng (tháng 4-1961)... và trở thành thành viên của MTDTGP.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp, các đoàn thể giải phóng ngày càng phát triển, hình thành hệ thống từ tỉnh, huyện, xã. Đảng viên sâu sát lãnh đạo các hội quần chúng, phát triển đến đâu củng cố đến đó. Đồng bào sống trong vùng giải phóng đã từng gia nhập các đoàn thể cứu quốc, nên đều hăng hái gia nhập vào đoàn thể giải phóng. Mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng ngày càng chặt chẽ. Các tổ chức chính trị này đã tập hợp, tuyên truyền, giáo dục đông đảo nhân dân tham gia xây dựng nòng cốt trong các phong trào cách mạng, tạo thành sức mạnh chính trị to lớn... Sự gắn bó giữa nhân dân với cách mạng như “cá với nước” đã làm tăng thêm sức mạnh và niềm tin thắng lợi vào cuộc kháng chiến của nhân dân tỉnh nhà. Uy tín và ảnh hưởng của Mặt trận ngày càng lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân.

Giai đoạn từ năm 1961 - 1965, để cứu vãn tình thế đang trên chiều hướng thất bại, Mỹ - ngụy thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Nội dung cơ bản là càn quét, đánh phá, dồn dân lập ấp chiến lược trên quy mô lớn theo chiến thuật “tát nước bắt cá” để đưa nông dân vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân... Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương: “Chuyển khởi nghĩa từng phần phát triển lên thành chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền Nam. Chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa quần chúng kết hợp chặt chẽ với nhau. Giữ vững và đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang phát triển nhanh lên một bước ngang tầm với đấu tranh chính trị. Kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự song song, đẩy mạnh đánh địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), trên ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng, thành thị). Tập trung nhiệm vụ chống càn quét và phá ấp chiến lược, đẩy lùi và đánh bại chính sách bình định, giành dân của địch”.

Tiếp thu sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy đã họp và xác định nhiệm vụ trong toàn Đảng bộ là: “Tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên và quần chúng hiểu rõ âm mưu của địch, đồng thời ra sức xây dựng và phát triển lực lượng, đẩy mạnh tấn công địch bằng cả ba mặt chính trị, vũ trang và binh vận, ngăn chặn và bẻ gãy ý đồ phản kích của địch, giữ vùng giải phóng”. Trong đó, xác định công tác quan trọng và cấp bách là phải nhanh chóng kiện toàn tổ chức Đảng, các ban ngành chuyên môn, đoàn thể và MTDTGP để tập hợp và đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặt nền tảng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đảng bộ tỉnh ngay sau cuộc Đồng khởi 1960, đi đôi với xây dựng vùng giải phóng, đã chú trọng bồi dưỡng và củng cố lực lượng chính trị của quần chúng gắn liền với việc củng cố và phát triển lực lượng vũ trang. Từ trong thực tiễn đấu tranh trực diện với kẻ thù, đội quân chính trị của quần chúng mà nòng cốt là “Đội quân tóc dài” hình thành, ngày càng được tổ chức chặt chẽ hơn...

Cùng với việc chuyển hướng chiến lược, bố trí lại chiến trường, xây dựng lực lượng, từ đầu năm 1962, tại tỉnh, địch tăng cường càn quét đánh phá vào các vùng giải phóng, thực hiện gom dân lập ấp chiến lược. Có thể nói, với âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược và những thủ đoạn đánh phá tàn bạo kể cả sử dụng những vũ khí hóa học, đế quốc Mỹ đã bộc lộ tính chất ngoan cố, phát-xít của chúng. Phong trào cách mạng ở tỉnh đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt của Đảng bộ là giữ vững và mở rộng quyền làm chủ đã giành được, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Tỉnh ủy khẳng định, phá ấp chiến lược là một nhiệm vụ có tính cấp bách, đồng thời cũng là nhiệm vụ lâu dài, cần phối hợp ba mũi tiến công quân sự, chính trị và binh vận với một kế hoạch tỉ mỉ, toàn diện.

Được sự lãnh đạo trực tiếp của cán bộ Mặt trận, phong trào phá ấp chiến lược diễn ra với quy mô lớn, quyết liệt, một mất một còn giữa ta và địch. Việc phá ấp chiến lược giằng co liên tục nhiều tháng liền, địch kiểm soát gắt gao nên cán bộ bên ngoài không vào được, chủ yếu dựa vào cơ sở bên trong ấp tổ chức vận động nhân dân phá ấp. Từ tình hình trên, Tỉnh ủy rút kinh nghiệm: “Biện pháp và cách thức phá ấp chiến lược trước đây chỉ làm địch khó khăn, ta tiêu hao lực lượng nhưng không phá dứt điểm được” và chủ trương: “Phải khôi phục, xây dựng, phát triển lực lượng ba mặt ngay trong ấp chiến lược; năm ban quản lý ấp chiến lược; xây dựng cơ sở trong thanh niên chiến đấu, trong tề xã, dân vệ, tạo điều kiện để nhân dân và lực lượng cách mạng bên trong ấp chiến lược tự động đứng lên kết hợp với lực lượng bên ngoài và lực lượng vũ trang hỗ trợ. Phải phá cả hình thức nhưng chủ yếu phải phá tổ chức, phá nội dung kìm kẹp, tạo cơ sở và điều kiện, tranh thủ thời cơ đứng lên tấn công bức hàng, bức rút đồn bót, dứt điểm ấp chiến lược của địch”.

(còn tiếp 01 kỳ)

Phan Văn Mãi Bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN