Nông dân Giồng Trôm “xé rào” xuống giống vụ lúa Đông Xuân

03/03/2021 - 07:03

BDK - Phớt lờ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, hàng trăm nông dân ở huyện Giồng Trôm đã tự ý “xé rào” xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2020-2021. Trong khi đó, tình hình hạn mặn trên địa bàn diễn biến phức tạp nên nguy cơ lúa bị mất mùa, thiệt hại rất lớn.

Nông dân “xé rào” xuống giống. Ảnh: Thành Châu

Nông dân “xé rào” xuống giống. Ảnh: Thành Châu

Gia đình ông Đỗ Văn Đực, ngụ xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, đang chăm sóc 7.000m2 lúa khoảng 40 ngày tuổi. Hiện, nước trên đồng đã mặn trên 1%o nhưng ông vẫn tự tin vì xung quanh có hệ thống cống trữ nước ngọt. Ông Đực cho biết: “Năm rồi, gia đình tôi làm vụ lúa Đông Xuân bị mất trắng do nước mặn. Nhưng năm nay, có hệ thống cống trữ ngọt nên chấp nhận rủi ro xuống giống. Đến thời điểm này, tình hình hạn mặn không gay gắt như năm rồi. Lúa đang phát triển tốt nên tạm an tâm”.

Hầu hết những nông dân sản xuất lúa vụ Đông Xuân tại địa phương đều chăn nuôi bò nên có tâm lý nếu nước mặn gây thiệt hại lúa thì cắt lấy rơm làm thức ăn cho bò. Một số khác cho rằng, giá lúa khá cao nên mạo hiểm xuống giống, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương. Gia đình ông Lê Văn Hùng đã xuống giống 2.000m2, trên tổng diện tích 1,2ha chuyên sản xuất lúa. Ông Hùng cho biết: “Diện tích này đã thu hoạch lúa Thu Đông sớm nên tranh thủ gieo sạ giống nếp (nguồn gốc từ An Giang) có khả năng chịu độ mặn 3%o, chủ yếu để thử nghiệm”. Theo ông Hùng, lúc mới sạ, lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, gần đây khi nước mặn lên khoảng 2%o thì lúa khựng lại, chậm phát triển.

Tại xã Bình Thành, nông dân sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông, với diện tích từ 350ha đến hơn 400ha và được khuyến cáo bỏ vụ lúa Đông Xuân để “né mặn”. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại theo thống kê của địa phương thì nông dân đã “xé rào” tự ý xuống giống khoảng 46ha. Chủ tịch UBND xã Bình Thành Lê Hồng Minh cho biết: “Mặc dù địa phương đã khuyến cáo, vận động nhưng những hộ dân ở vùng trũng thấp, có điều kiện nước tưới đã tự ý xuống giống vụ Đông Xuân. May mắn năm nay trên địa bàn đã hoàn thành cống Trung Nhuận và đập Xẻo Rắn nên đã góp phần ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nước bơm lên ruộng lúa. Hiện tại, số diện tích đã xuống giống, địa phương thường xuyên cử cán bộ xuống thăm đồng, đo độ mặn để giúp người dân lấy nước ở thời điểm hợp lý”.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Hiện tại, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống trên 100ha lúa Đông Xuân, dù ngành nông nghiệp đã tập trung khuyến cáo, tuyên truyền, vận động không sản xuất vì nguy cơ thiệt hại do hạn mặn rất lớn. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các xã đóng cống, điều tiết nước ngọt hợp lý và đo độ mặn tại các kênh nội đồng để khuyến cáo thời gian bơm nước lên ruộng, tránh thiệt hại...”. 

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Võ Văn Nam cho biết: “Ngành nông nghiệp đã có công văn gửi các địa phương, phòng nông nghiệp và phát triển các huyện, khuyến cáo người dân không nên xuống giống vụ lúa Đông Xuân năm 2020-2021 để tránh thiệt hại do hạn mặn. Tuy nhiên, người dân vẫn tự ý xuống giống dù diện tích ít hơn so với cùng kỳ năm rồi. Đến nay, ngành nông nghiệp, các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân ngưng xuống giống. Đối với diện tích đã xuống giống thì trữ nước ngọt ở các kênh nội đồng, giúp người dân có nước cung ứng cho cây lúa và hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật sản xuất tiết kiệm nước, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại”.

Vụ lúa Đông Xuân năm 2019-2020, toàn tỉnh bị mất trắng 100%, với hơn 5.300ha do hạn mặn khốc liệt. Năm nay, nhiều nông dân ở huyện Giồng Trôm vẫn bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, tự ý xuống giống, với diện tích trên 100ha. Trong thời gian tới, dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn rất gay gắt nên nguy cơ nông dân bị thiệt hại do mất mùa là rất lớn.

Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN