Ông Đoàn Trọng Xê với bộ “Tập tranh sử”

06/11/2020 - 06:57

BDK - Ông Đoàn Trọng Xê (người dân địa phương vẫn trìu mến gọi ông là Tư Xê) hiện cư ngụ tại Tổ nhân dân tự quản số 12, ấp Thạnh Đông, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam. Ở tuổi 83, ông Xê còn khá minh mẫn và nhớ rất rõ việc ông thực hiện bộ sưu tập. Hơn 40 năm sưu tập, ông đã có quyển sưu tập tư liệu mà ông gọi là “Tập tranh sử” với hơn 200 hình ảnh, tư liệu lịch sử về cụ Tổ Lê Khánh Hòa, chùa Tuyên Linh và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Ông Đoàn Trọng Xê với bức ảnh Bác Hồ do Nữ tướng Nguyễn Thị Định trao tặng cho ông.

Ông Đoàn Trọng Xê với bức ảnh Bác Hồ do Nữ tướng Nguyễn Thị Định trao tặng cho ông.

Xuất phát từ tấm lòng

Ông Tư Xê sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha ông là liệt sĩ, vợ ông cũng là chiến sĩ bị địch bắt tù đày, bản thân ông từng là nghệ nhân đờn tham gia hoạt động ở Đoàn Văn công giải phóng Trung ương, sau đó về Đoàn Văn công giải phóng tỉnh biểu diễn và tham gia hoạt động cách mạng với bí danh Lê Trương. Ông được Tổng cục II Bộ Quốc phòng tặng kỷ niệm chương trong hoạt động quốc phòng (năm 2006) và nhiều giấy khen, giấy biểu dương của UBND huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, UBND xã trong hoạt động đờn ca phục vụ văn nghệ tại địa phương.

Nói về “cơ duyên” gặp cụ Tổ Lê Khánh Hòa - cụ Tổ chùa Tuyên Linh, ông Xê cho biết, đầu năm 1947 (khi ấy ông Tư mới 10 tuổi), trong quá trình đi công tác, cụ Tổ Lê Khánh Hòa có đến nhà ông ngoại của ông - cũng là người hoạt động cách mạng tại địa phương (tức vị trí nhà của ông hiện giờ). Qua tiếp xúc, cụ Tổ mến thương và nhận ông làm đệ tử tại gia (học trò ngoài chùa). Tuy nhiên không lâu sau đó, cụ Tổ qua đời (tháng 6-1947). Từ đó đến khi trưởng thành, dù hoạt động hay làm việc ở đâu, ông cũng luôn hướng lòng về thầy Tổ Lê Khánh Hòa với lòng tôn kính. Sau ngày giải phóng, ông bắt đầu nảy sinh ý tưởng và thực hiện bộ sưu tập tư liệu, hình ảnh cụ Tổ Lê Khánh Hòa, về chùa Tuyên Linh, cụ Nguyễn Sinh Sắc, hình ảnh Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Do điều kiện những năm tháng trước còn khó khăn, ông chỉ thực hiện bộ sưu tập hoàn toàn bằng “thủ công”, nghĩa là ông chép lại bằng tay những nội dung tư liệu quan trọng liên quan đến các nhân vật vừa nêu, hoặc các sự kiện lịch sử nổi bật. Với hình ảnh, ông chọn lọc và cắt ra từ các tờ báo, tạp chí hoặc của người khác tặng ông, sau đó ông cẩn thận dán vào trong quyển tập bằng giấy carton khổ lớn, được sắp xếp theo trình tự của chủ đề hoặc hình ảnh nhân vật để người xem phần nào dễ hình dung hơn.

Nhiều hình ảnh, tư liệu quý

Ngay trong trang đầu tiên của Bộ sưu tập, ông bố trí trang trọng hình ảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc với ghi chú: “Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác Hồ) - Ảnh kỷ niệm từ khu di tích tại Cao Lãnh - Đồng Tháp năm 1982, do Nguyễn Hữu Hiếu mang về”. Ngay phía dưới là hình ảnh ngôi nhà Bác Hồ tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An và bài chép tay về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Gần như ông không bỏ qua bất kỳ tư liệu lịch sử nào về cụ Tổ Lê Khánh Hòa và cụ Nguyễn Sinh Sắc khi ông có cơ hội được tiếp cận. Có những tư liệu ông không có điều kiện nhận lấy thì ông dùng ngòi bút và sự chân thành của mình để viết lại. Trong đó có bài Điếu văn của cụ Tổ Lê Khánh Hòa đã đọc lễ cầu siêu cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi cụ Phó bảng qua đời (sau này ông mới biết đến và cẩn thận chép lại). Điếu văn có đoạn “… Công cuộc chấn hưng Phật giáo, mở trường đào tạo tăng tài sẽ làm lực lượng cứu nước mới chớm nở, Cụ lại ra đi. Từ buổi ấu thơ cho đến ngày nhắm mắt là một chuỗi dài năm tháng chìm nổi thăng trầm, nhục vinh buồn tủi, cay đắng gian truân, mang hoài bão lớn lẫn trong tâm sự riêng chung…”.

Ưu tiên trong bộ sưu tập của ông là tài liệu, hình ảnh về cụ Tổ Lê Khánh Hòa và cụ Nguyễn Sinh Sắc. Bên cạnh đó, ông còn mở rộng sưu tập nhiều hình ảnh, tư liệu các nhân vật, sự kiện lịch sử nổi bật khác. Trong đó có nhiều hình ảnh Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ông kể, lúc cô Ba Định còn công tác, ông đã nhiều lần vinh hạnh được gặp gỡ, trò chuyện cùng cô. Đặc biệt, có một lần gặp sau giải phóng (ông không nhớ rõ năm nào), cô Ba đã tặng ông một bức ảnh Bác Hồ đang ngồi đọc báo, bức ảnh nhỏ gọn bằng lòng bàn tay nhưng ông rất vui xem như bảo vật, gìn giữ cẩn thận cho đến hôm nay.

Ngoài ra, ông còn lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử quý được chọn lọc cắt ra hoặc chép lại từ các nguồn tư liệu, sách báo như: “Chép lại nguyên văn Bài tường thuật của Hòa thượng Thành Lệ lúc cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về chùa Tuyên Linh”, “Bản di chúc của cụ Tổ Lê Khánh Hòa”, “Lời hiệu triệu đồng bào trong Đồng khởi 17-1-1960 của Huyện ủy Mỏ Cày với danh nghĩa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam - Tiểu đoàn 509”…

 “Tôi đặt nhiều tâm huyết, tất cả lòng kính trọng của tôi với vị thầy - cụ Tổ Lê Khánh Hòa, cũng như tôn kính cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và các nhân vật lịch sử của quê hương vào quyển tập này. Trước kia, có vài lần, tôi cho UBND xã mượn trưng bày để giới thiệu. Nay, các anh em ở Ban Quản lý di tích tỉnh mong muốn được nhận quyển tập này để làm tư liệu trưng bày, tôi đều sẵn lòng. Tôi chỉ mong rằng, bộ phận tiếp nhận quyển tập này gìn giữ cẩn thận để trưng bày được lâu dài” - ông Tư bộc bạch.

Đầu tháng 11-2020, đoàn công tác của Ban Quản lý di tích tỉnh và Bảo tàng tỉnh có chuyến khảo sát, tìm hiểu về bộ sưu tập hình ảnh, tư liệu lịch sử của ông Đoàn Trọng Xê. Xác định ban đầu, đây là một tập tư liệu có giá trị, thể hiện sự tôn kính với các bậc hiền nhân, các vị anh hùng cách mạng quê hương của người thực hiện. Qua trao đổi, thống nhất giữa các bên, hiện bộ sưu tập đã được chuyển về Ban Quản lý di tích tỉnh quản lý để các bộ phận chuyên môn tiếp tục nghiên cứu. Dự kiến, bộ sưu tập sẽ được trưng bày tại Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc (trong khuôn viên Di tích chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam) vào dịp công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN