Phát huy giá trị y đức của người thầy thuốc trên quê hương Đồ Chiểu

26/02/2018 - 14:34

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước (thứ năm, trái qua) chụp hình lưu niệm với Ban Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền. Ảnh: Ph. Hân

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước (thứ năm, trái qua) chụp hình lưu niệm với Ban Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền. Ảnh: Ph. Hân

Bến Tre là nơi yên nghỉ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu theo cách gọi quen thuộc, chứ thực ra cụ Đồ Chiểu không chỉ làm thơ nổi tiếng mà cụ còn là thầy giáo, thầy thuốc. 

Ngược dòng lịch sử, trên quê hương Nguyễn Đình Chiểu có biết bao tấm gương thầy thuốc mà chúng ta vô cùng trân trọng kính nể, y đức đó mãi mãi như những vì sao sáng.

Ông Trần Văn An khi lớn lên vừa theo học chữ Hán, vừa học cả nghề thuốc. Năm 1927, ông gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở xã Tân Xuân, ông vừa làm thầy thuốc đồng thời tham gia hoạt động cách mạng. Lấy tiệm thuốc bắc Chẩn Tế Đông Đại Dược Phòng của cha làm nơi hội họp và liên lạc. Đầu năm 1930, chi bộ đảng đầu tiên của Bến Tre ra đời, ông làm Bí thư Chi bộ, đến tháng 6-1930, người thầy thuốc Trần Văn An được bầu vào liên Tỉnh ủy Mỹ Tho - Bến Tre.

Ông Trần Hữu Nghiệp, sinh ngày 15-3-1911 tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, năm 1931, sau tốt nghiệp tú tài ông sang Pháp thi vào ngành y. Năm 1937, tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Paris. Khi Pháp đánh chiếm Nam Bộ, ông tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu, hoạt động trong ngành y tế. Tháng 3-1946, đang công tác ở mặt trận cù lao An Hóa, ông được gọi về tham gia phái đoàn của các tỉnh miền Trung Nam Bộ, cùng với ông Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc gặp Trung ương và Bác Hồ để báo cáo tình hình cách mạng và xin chi viện vũ khí. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (20-12-1946), ông phụ trách công tác thanh tra thuộc Cục Quân y ở liên khu 4. Tháng 7-1947, ông cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng xây dựng ngành dân y, đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên y tế, được cử làm Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách miền Trung Nam Bộ. Tháng 8-1951, ông được điều về miền Tây Nam Bộ mở các lớp y tế tại xã An Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Năm 1955, được cử làm Trưởng Ban Huấn luyện y tế. Năm 1956, làm Hiệu trưởng Trường Y tế Trung ương. Năm 1964 làm Chủ nhiệm Khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai và là Ủy viên cố vấn Bộ Y tế từ 1958 - 1965. Năm 1965, mặc dù tuổi cao sức yếu, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp xin tình nguyện về Nam và được phân công làm bác sĩ điều trị ở bệnh viện Trung ương Cục, làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ y tế. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông tham gia giảng dạy bộ môn tâm lý y học và y đức học ở các trường y phía Nam, đồng thời ông đã tham gia viết nhiều sách về y học...

Và còn nữa những tên tuổi khó quên như: bác sĩ Bùi Sĩ Hùng, từng giữ chức vụ Trưởng Ban Dân y Khu 8, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Ông Trịnh Kim Ảnh, năm 1951 làm Trưởng Ban Dân y thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1953, ông công tác ở Văn phòng Trung ương Đảng và sau đó giữ các chức: Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Giám đốc Bệnh viện E, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bà Đoàn Thúy Ba, sau Hiệp định Genève tập kết ra Bắc được học Trường Cán bộ y tế Hà Nội. Ra trường, bà về công tác đoàn chuyên gia Liên Xô. Tháng 4-1963, bà vượt Trường Sơn về Nam, được cử làm Giám đốc Bệnh viện Hoàng Lệ Kha (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Sau Hiệp định Paris, bà được ra Bắc bổ túc về chuyên môn, đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà về công tác tại Bệnh viện Thống Nhất. Năm 1986, bà được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y tế. Bà được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động.

Không tự hào sao được khi trên quê hương xứ Dừa luôn gắn liền với những tên tuổi như Trần Thị Trung Chiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Tạ Thị Chung; các anh chị Nguyễn Thế Đoàn, Văn Lộc Sanh, Đoàn Thị E, Văn Anh... là những thầy thuốc được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những chiến sĩ áo trắng ấy đã cống hiến cho đời, tận tụy phục vụ nhân dân, luôn lạc quan, yêu đời, đầy trách nhiệm và tình thương.Xứng đáng những người “chiến sĩ” áo trắng trên quê hương cụ Đồ luôn rạng ngời y đức.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên quê hương Đồng Khởi, đội ngũ thầy thuốc đã có 225 người anh dũng hy sinh. Họ đã dũng cảm xông lên tuyến đầu, lấy thân mình che chở cho đồng đội, nuôi dưỡng thương binh trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt khi bị địch càn quét, bắn phá, đói cơm, thiếu muối. Trong những tấm gương hy sinh ấy quên sao được bác sĩ Trần Ngọc Lang, tên thường gọi là Chín Bích, ông đã anh dũng hy sinh và đã làm kẻ thù khiếp sợ, khi địch bao vây kêu gọi đầu hàng, ông đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hủy bỏ khẩu súng K54 không để địch lấy. Chúng đã chặt đầu ông bêu trụ sắt tại đồn Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú.

Hồng Nga

Hồng Nga

Chia sẻ bài viết
Từ khóa giá trị y đức

BÌNH LUẬN