Phát triển chuỗi giá trị dừa thích ứng biến đổi khí hậu

30/03/2020 - 06:53

BDK - Phát triển chuỗi giá trị dừa được xác định là một trong hai chuỗi giá trị giữ vai trò đột phá, là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, trong bối cảnh tỉnh đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH), hạn mặn kéo dài như hiện nay thì việc tìm ra các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa tỉnh là nhiệm vụ rất quan trọng.

Dừa xiêm xanh là một trong những cây trồng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Dừa xiêm xanh là một trong những cây trồng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Xây dựng chuỗi dừa

Từ năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020, với mục tiêu gia tăng năng suất, sản lượng dừa và thu nhập của người trồng dừa; đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; nâng cao chuỗi giá trị trong chế biến dừa, góp phần thúc đẩy ngành dừa phát triển nhanh và bền vững.

Bến Tre đã xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy; hỗ trợ hình thành các mô hình hợp tác để giúp người dân liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa. Các chuỗi liên kết đang hướng tới các chỉ tiêu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất an toàn, bền vững.

Các sản phẩm dừa của tỉnh đã xuất khẩu tới 60 - 70 quốc gia. Xuất khẩu dưới hình thức nguyên liệu thô (dừa hột); xuất khẩu dưới hình thức sản phẩm đã chế biến: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa thô, than gáo dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, mụn dừa, dầu dừa, mặt nạ dừa... đứng đầu là các nước châu Á, với tỷ trọng trên 60%; kế đến là khu vực châu Mỹ gần 20%, châu Âu 12%, châu Phi 5% và các nước khu vực châu Đại Dương 3%.

Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa xứ Dừa, các lễ hội dừa đã được lồng ghép vào kế hoạch hoạt động thường xuyên của ngành du lịch tỉnh.

Tỉnh đã thiết lập 1 cụm công nghiệp chế biến dừa với mục tiêu thiết lập một hệ thống thu mua - sơ chế - chế biến các sản phẩm từ dừa liên hoàn. Cụm công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, tổng diện tích 41,94ha; có 7 dự án đăng ký đầu tư, diện tích cho thuê 31ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.943 tỷ đồng.

Chuỗi giá trị dừa Bến Tre được hình thành dựa trên sự gắn kết giữa các nhóm tác nhân có chức năng sản xuất trực tiếp bao gồm: các nhà cung cấp vật tư đầu vào cho trồng dừa, người trồng dừa, hệ thống thương lái, các cơ sở sơ chế và các cơ sở, doanh nghiệp (DN) chế biến sản phẩm dừa.

Phát triển chuỗi dừa bền vững

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, chuỗi giá trị dừa tỉnh đang được mở rộng, trong đó chú trọng về phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ của Mỹ, Nhật và EU để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị. Đến tháng 10-2019, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các địa phương, DN thành lập 48 tổ hợp tác, 17 hợp tác xã có 4.111 thành viên với quy mô 2.964,75ha.

Vườn dừa xiêm xanh ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành.

Vườn dừa xiêm xanh ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành.

Ngoài ra, có 5.981,9ha dừa hữu cơ được DN liên kết sản xuất và tiêu thụ nhưng chưa có liên kết ngang. Có 5 DN đã và đang tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa, gồm: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty CP XNK Bến Tre, Công ty CP Chế biến dừa Á Châu, Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre, Công ty TNHH dừa Hào Quang.

Bến Tre là một trong 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp của BĐKH. Hiện nay, hạn mặn xảy ra khốc liệt nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Tác động của hạn mặn ở mức trên 8%o đã và sẽ gây nên những thiệt hại về năng suất, sản lượng dừa kéo dài trong hai năm tới. Tuy nhiên, so với nhiều loại cây trồng khác, cây dừa là loại cây trồng có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của BĐKH.

Về giải pháp phát triển chuỗi giá trị dừa trong bối cảnh BĐKH, TS. Nguyễn Đức Lộc - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, Bến Tre cần tiếp tục nghiên cứu, chọn các giống dừa mới thích ứng với BĐKH. Khuyến khích nông dân tuyển chọn cây giống tốt, năng suất cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Xây dựng chuỗi liên kết giữa người trồng, thu mua, DN chế biến dừa với những hình thức linh hoạt thích hợp. DN và người trồng dừa phải chia sẻ hài hòa về lợi ích. Người nông dân trồng dừa khi đã thực hiện ký kết hợp đồng và tuân thủ nguyên tắc hợp đồng. Cùng với chính sách của Nhà nước, DN xây dựng cơ chế riêng để gắn bó chặt chẽ với người trồng dừa.

Từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây dừa bằng cách tăng cường phát triển thêm các sản phẩm mới có giá trị cao từ cơm dừa, nước dừa, dầu dừa, mật hoa dừa, chỉ xơ dừa, than gáo dừa. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ cho cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường trong nước và từng bước vươn ra đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài.

“Đẩy mạnh liên kết với các đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển dừa Bến Tre. Tích cực nghiên cứu tạo ra các giống mới, các quy trình canh tác, bảo vệ thực vật hiệu quả, đặt nền tảng các mô hình canh tác bền vững. Đặc biệt, tập trung triển khai và mở rộng chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết các tỉnh trong vùng để xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ gắn với sơ chế và tiêu thụ sản phẩm; chia sẻ thông tin thị trường...”, TS. Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.

Bến Tre hiện có trên 73 ngàn hét-ta dừa. Sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dừa khoảng 210 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích