Phòng chống cháy nổ trong mùa khô

04/03/2020 - 07:23

BDK - Các tỉnh, thành phía Nam đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô. Bên cạnh ứng phó tình trạng khô hạn và nước mặn xâm nhập sâu, các địa phương đang đứng trước nguy cơ cháy nổ do nắng nóng kéo dài. Tại tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 4 vụ cháy, thiệt hại tài sản khoảng 640 triệu đồng.

Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại cơ sở sản xuất.

Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại cơ sở sản xuất.

Cháy do sự cố về điện

Sáng ngày 2-2-2020, nhiều hộ dân ở hẻm số 15, Tổ 1, Phường 1, TP. Bến Tre (nay là Khu phố 4, phường An Hội) hoảng sợ khi ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại nhà bà Lê Thị Liên. Nhà bà Liên được xây bằng gỗ nên bén lửa rất nhanh, sau đó cháy lan sang nhà các hộ xung quanh. Mặc dù vụ cháy đã được dập tắt, không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi tài sản của nhà bà Liên và một số hộ dân gần đó trị giá khoảng 120 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do sự cố chập điện.

Thời gian gần đây, nhiều vụ hỏa hoạn đã liên tiếp xảy ra tại các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa trên địa bàn tỉnh, bởi vì đây là chất liệu rất dễ bắt lửa, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì hỏa hoạn sẽ bùng phát. Điển hình như vụ cháy tại cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa tại xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại, do ông Nguyễn Thế Hệ làm chủ xảy ra vào đêm 18-2-2020. Toàn bộ hàng hóa trong nhà kho rộng hàng trăm mét vuông trị giá trên 450 triệu đồng đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là do bất cẩn trong sử dụng điện.

Một vụ cháy khác vừa xảy ra vào trưa 27-2-2020, mà nguyên nhân cũng do chập điện tại Công ty TNHH sản xuất chỉ xơ dừa Thành Đạt ở xã Sơn Phú do ông Nguyễn Chí Thành, ngụ TP. Hồ Chí Minh làm chủ. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng toàn bộ hàng hóa trong kho đã bị thiêu rụi.

Để chủ động phòng ngừa “giặc lửa”, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Công an tỉnh đã phối hợp với công an các địa phương tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại các doanh nghiệp, chợ và địa bàn dân cư trong tỉnh. Qua đó, phát hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại về công tác đề phòng “giặc lửa”. Các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa, doanh nghiệp còn chủ quan trong thực hiện các biện pháp PCCC. Tại đây, không khó để bắt gặp tình trạng câu mắc điện chằng chịt không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy. Thêm vào đó, nhiều thiết bị điện đã cũ, ít được làm vệ sinh, dẫn đến tình trạng bụi bặm bao phủ, chỉ xơ dừa bám đầy trên các ổ điện, mối nối dây dẫn điện rất dễ bắt lửa một khi xảy ra việc phóng tia lửa điện. Có cơ sở còn xảy ra tình trạng thắp hương thờ cúng ngay trong kho hàng, đây là hành vi bị nghiêm cấm trong quy định về PCCC...

Chủ quan trong phòng cháy

Hiện nay nguy cơ xảy ra cháy đang hiện hữu tại các chợ, nhất là các chợ nông thôn. Một số chợ, các hộ tiểu thương còn chủ quan trong việc đề phòng hỏa hoạn. Nhiều chủ ki-ốt câu mắc điện sai quy cách, không đảm bảo an toàn về PCCC như: dây điện còn để tiếp xúc trực tiếp với các vật liệu dễ cháy như vải, túi nylon; táp-lô điện để rất gần với nơi treo quần áo. Trong quá trình sử dụng điện, chỉ cần xảy ra sự phóng điện từ ổ cắm do tiếp xúc không tốt, hoặc chập dây dẫn điện thì sẽ gây cháy hàng hóa bày bán xung quanh, dẫn đến đám cháy lớn chỉ trong tích tắc.

Đối với các hộ gia đình, sự cố cháy nổ cũng có thể xảy ra từ việc câu mắc điện tùy tiện và thiếu an toàn. Tại một số khu dân cư trên địa bàn TP. Bến Tre, tình trạng sử dụng điện mất an toàn khá phổ biến. Ngoài đường dây điện câu mắc dày đặc tùy tiện như mạng nhện, còn trong nhà thì nhiều hộ gia đình vô tư cho dây điện đã cũ đi qua mái lá, vách gỗ mà không có một biện pháp bảo vệ an toàn. Nhiều đoạn dây điện đã quá cũ, vỏ bọc cách điện bị nứt, bong tróc nhưng chưa được thay mới. Nhiều hộ còn đặt bàn lư hương thắp nhang ngay cạnh vách gỗ. Điều này là rất nguy hiểm vì rất dễ bắt lửa dẫn đến cháy lan ra cả khu dân cư.

Trung tá Vũ Ngọc Nam - Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và nhân dân cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình. Các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy tại các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để từng bước nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng đề phòng hỏa hoạn. Chủ động lập kế hoạch kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, nguy cơ xảy ra cháy nổ; có biện pháp đảm bảo an toàn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sinh hoạt và sản xuất, trang bị các thiết bị chữa cháy tại chỗ để kịp thời xử lý ngay khi có tình huống cháy xảy ra.

“Phòng cháy hơn chữa cháy” không chỉ là khẩu hiệu mà còn là lời cảnh báo, nhắc nhở mọi người tự giác chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, bởi vì chỉ cần một sơ suất nhỏ thì rất có thể gây ra các vụ cháy lớn, để lại hậu quả khôn lường cho chính bản thân và những người xung quanh.

Bài, ảnh: Quang Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN