Quyết tâm thực hiện chuyển đổi số

21/10/2020 - 06:48

BDK - Công nghệ số hay chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Để chuyển đổi số thành công, tất cả các cơ quan, sở, ban, ngành phải quyết tâm thay đổi từ quy trình làm việc đến mô hình hoạt động mới để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới.

Thay đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin

Đến nay, toàn tỉnh đã đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), gồm: các khối Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã có mạng nội bộ và kết nối Internet băng thông rộng.

Hầu hết cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ công việc chuyên môn. Duy trì tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử được lãnh đạo tỉnh quan tâm, thúc đẩy triển khai tại các cơ quan, đơn vị. Việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, giao thông... trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo được sự chính xác, kịp thời trong quá trình xử lý, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp (DN). Số lượng doanh nghiệp ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngày một nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế như hạ tầng viễn thông đạt thấp hơn mức trung bình của cả nước (phủ sóng di động 4G đạt 91,07%/95,72%. Tỷ lệ người dân sử dụng smartphone chỉ đạt 46% dân số; tỷ lệ gia đình có dùng băng thông rộng cố định 42,2%/58% cả nước). Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đạt 51,34%,  tăng cao so với năm 2019 (26,24%) nhưng vẫn còn thấp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 hiện vẫn ở mức thấp so với mục tiêu đặt ra là 30% trong năm 2020 theo Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ.

Các hạ tầng kỹ thuật bảo vệ hệ thống thông tin còn yếu và thiếu, chưa đầy đủ cho các phân lớp kỹ thuật. Công tác xây dựng mạng lưới điều phối, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố cũng chưa được quan tâm thực hiện. Hoạt động công nghiệp CNTT của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động dịch vụ lắp ráp và kinh doanh phân phối sản phẩm CNTT. Các hoạt động chủ chốt của công nghiệp CNTT như sản xuất phần cứng, phần mềm, nội dung số chưa phát triển. Quy mô đào tạo CNTT còn hạn chế và nhân lực CNTT còn thiếu.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu cho biết: Việc tiếp cận chuyển đổi số sẽ làm đòn bẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Để triển khai thực hiện thành công chuyển đổi số, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cần đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. Theo đó, người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và DN về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đối số.

Cần gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm các ứng dụng, dịch vụ chuyển đổi số, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, gồm: các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Đối với sự thay đổi về phát triển hạ tầng cho chuyển đổi số sẽ nhắm tới 3 mũi nhọn: Hạ tầng CNTT sẽ chuyển dịch sang hướng tận dụng đám mây (Cloud) và kiến trúc siêu hội tụ (Hyperconvergence). Mạng di động 4G sẽ trở thành phổ biến với định hướng dừng cung cấp 2G và 3G trong thời gian tới của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thử nghiệm 5G sẽ sớm có kết quả tốt để đưa vào trong cuộc sống, trở thành một nền tảng truyền thông quan trọng của kỷ nguyên số. Hạ tầng IoT, cùng với sự phát triển của 5G, sẽ có nhiều thay đổi lớn. Theo một khảo sát gần đây, 89% người được hỏi tin rằng đến năm 2025 sẽ có khoảng 1 ngàn tỷ cảm biến kết nối với Internet. Hạ tầng IoT của tỉnh cũng sẽ không nằm ngoài xu thế chung này.

Đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng chính quyền số phục vụ người dân và DN, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Muốn vậy, phải xây dựng hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; xây dựng kho dữ liệu dùng chung gồm: cơ sở dữ liệu DN, cơ sở dữ liệu về người dân, cơ sở dữ liệu nền địa chính. Số hóa là một trong những việc đầu tiên cần làm của công cuộc chuyển đổi số. Về lâu dài, các loại thực thể khác nhau của nền kinh tế, của chính quyền, của xã hội đều cần được số hóa, sử dụng và khai thác.

Do số hóa và chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, nên việc số hóa cần gắn với các nhiệm vụ chuyển đổi số của tổ chức, được triển khai thực hiện theo kế hoạch, nhiều giai đoạn với các bước cơ bản như lựa chọn đối tượng số hóa, thực hiện số hóa, lưu trữ dữ liệu được số hóa, tổ chức dữ liệu số hóa phù hợp với các nhu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu...

Cùng với việc quyết tâm chuyển đổi số là cần phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đây là nhiệm vụ mà tỉnh cần đặc biệt quan tâm và triển khai để quá trình chuyển đổi số có thể giảm thiểu các nguy cơ về tính riêng tư, hay tính an toàn, an ninh thông tin.

(Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trịnh Minh Châu)

 Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN