Thảo luận dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

18/06/2020 - 14:47

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đề nghị xem xét một số nội dung sau:

Tại Điều 27, trong trường hợp tranh chấp, nếu người lao động (NLĐ) vi phạm hợp đồng thì ngân hàng sẽ dùng tiền ký quỹ của NLĐ thanh toán cho doanh nghiệp. Ngược lại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ yêu cầu doanh nghiệp trả cho NLĐ khi có khiếu nại của NLĐ. Dự thảo luật chưa được quy định việc doanh nghiệp có trả hay không, khi nào trả và nếu không trả thì xử lý như thế nào.

NLĐ phải trả trước tất cả các chi phí đào tạo, kể cả tiền môi giới lao động nhưng không có cơ chế để đánh giá về chất lượng dịch vụ đào tạo do mình bỏ tiền ra. Sau khi được đào tạo, NLĐ chưa chắc chắn được tiếp nhận làm việc, cũng như không kiểm soát được mình đã trả tiền môi giới cho đúng thị trường mà mình được đưa đi lao động hay không.

NLĐ bắt buộc phải đóng góp quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nhưng phải trả chi phí để người quản lý và sử dụng tiền của mình do người khác thuê mà không có cơ chế đảm bảo, không được quyết định nội dung chi, mức chi và không được nhận báo cáo của việc sử dụng quỹ. Việc thu các loại phí trả trước của NLĐ cũng trái với các tiêu chí của ILO, nên cần được xem xét thỏa đáng.

So với lao động trong nước, lao động đi làm việc ở nước ngoài bị hạn chế quyền được từ chối làm việc hoặc quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trong những trường hợp có nguy cơ bị đe dọa tính mạng, sức khỏe vì NLĐ không ký kết hợp đồng trực tiếp với người sử dụng lao động. Dự thảo luật cũng chưa quy định về quyền tổ chức và tham gia các nghiệp đoàn ở nước ngoài đúng pháp luật mà NLĐ có thể tự bảo vệ quyền lợi cho mình.

Dự thảo luật quy định trách nhiệm của khá nhiều cá nhân, tổ chức như doanh nghiệp, dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cơ quan đại diện ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng thứ tự, trình tự, cách tiếp cận và phạm vi trợ giúp của từng tổ chức như thế nào thì dự thảo luật chưa được quy định cụ thể. Trong trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của mình thì không có chế tài xử lý.

Tin, ảnh: Hồng Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN