Thay mới xe buýt hết niên hạn sử dụng

18/03/2019 - 07:01

BDK - Thời hạn cuối phải nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng đối với xe buýt đã đến (năm 2019 và 2020), sau hơn 10 năm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nhiều hành khách tự hỏi chất lượng xe buýt Bến Tre đi lên hay đi xuống?

Một chiếc xe buýt chết máy khi đang leo dốc cầu Bến Tre chiều tối 14-3-2019.

Một chiếc xe buýt chết máy khi đang leo dốc cầu Bến Tre chiều tối 14-3-2019.

Nỗi lo xe cũ

Gần 19 giờ tối 14-3-2019, một chiếc xe buýt chết máy khi đang lên dốc cầu Bến Tre hướng về xã Mỹ Thạnh An, chiếc xe buýt này có lộ trình TP. Bến Tre - Tân Xuân đến xã Phú Ngãi (Ba Tri). Chiếc xe buýt nằm “cheo leo” giữa dốc cầu, chiếm trọn một làn đường trên cầu khiến ùn tắc giao thông xảy ra, lực lượng công an địa phương và dân phòng phải đến hỗ trợ, giải quyết. Trên xe có khoảng 6 - 7 hành khách, trong đó có một phụ nữ đang bế theo con nhỏ, dưới ánh đèn đường, bà mẹ một tay khệ nệ ôm đứa con nhỏ bước xuống đường, một tay gọi điện thoại liên tục… Vài người dân qua lại cầu Bến Tre hơi lo lắng, vì nếu chiếc xe buýt gài thắng không tốt rất dễ trượt ngược lại gây nguy hiểm cho các phương tiện khác đang lên dốc cầu.

Sự thiếu tiện nghi trên xe buýt như rèm che nắng, xe chạy ì ạch... nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay rất dễ làm hành khách khó chịu, mệt mỏi. Đó là chưa nói đến việc xe chết máy, ảnh hưởng đến lộ trình của khách; khí thải không đạt tiêu chuẩn Euro 4, gây ô nhiễm môi trường của nhiều xe buýt hiện nay.

Theo kế hoạch và chủ trương của UBND tỉnh về lộ trình nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng đối với xe buýt:

Năm 2019: Trước 1-7-2019 phải thay thế xe buýt mới đủ tiêu chuẩn đối với tất cả các xe trên hai tuyến TP. Bến Tre - Khâu Băng, Thạnh Phú và TP. Bến Tre - Tiệm Tôm.

Năm 2020: Trước 1-7-2020 thay thế toàn bộ xe buýt mới ở các tuyến còn lại.

Đồng thời, UBND tỉnh ưu tiên cho các đơn vị kinh doanh đang khai thác tuyến - đầu tư xe mới - vô khai thác.

Thời hạn đổi mới xe buýt phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng của tỉnh đã đến, nhưng nhiều xã viên một số hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách công cộng đã gửi đơn “kêu cứu” nhiều nơi từ tỉnh đến trung ương, chủ yếu với nội dung “cho phương tiện của chúng tôi tiếp tục hoạt động cho đến khi hết niên hạn sử dụng theo quy định mới thực hiện việc đổi mới phương tiện”. Và một số lý do khác như kinh phí đổi mới phương tiện rất lớn, khoảng 1,3 tỷ đồng/chiếc xe, nên các chủ xe không có đủ kinh phí.

Đến lúc tân trang

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2/110  chiếc xe buýt được thay mới (1 chiếc ở HTX vận tải thủy bộ Châu Thành và 1 chiếc ở HTX vận tải thủy bộ Mỏ Cày Nam). Trước khi tỉnh có chủ trương chuyển đổi phương tiện, năm 2016, anh Nguyễn Tấn Sơn (tên thường gọi là Lập), chủ phương tiện khai thác tuyến TP. Bến Tre - chợ Đê Đông (huyện Bình Đại) đã mạnh dạn bỏ ra số tiền hơn 1,3 tỷ đồng mua xe mới hiệu Samco Isuzu, anh Lập cho biết: “Tôi nghe phong phanh việc sẽ phải chuyển đổi phương tiện mới, nên quyết định lấy tiền nhà và vay thêm khoảng 30% từ ngân hàng với thời hạn 2 năm để mua xe mới. Số tiền vay ngân hàng được hỗ trợ lãi suất 0,8%/tháng, đỡ được phần nào chi phí lãi suất”.

Hành khách thấy thoải mái khi đi một trong hai chiếc xe buýt “xịn” nhất tỉnh (hiệu Samco) với giá hơn 1,3 tỷ đồng.

Hành khách thấy thoải mái khi đi một trong hai chiếc xe buýt “xịn” nhất tỉnh (hiệu Samco) với giá hơn 1,3 tỷ đồng. 

Sau 3 năm sử dụng xe mới, so sánh lợi ích giữa xe cũ và xe mới, anh Lập nói: “Xe mới chạy rất khỏe, hành khách thấy thoải mái, gặp xe mình thì họ mừng, xe chạy êm, có máy lạnh, tiết kiệm nhiên liệu khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Xe cũ thường hư hao dọc đường, phải thường xuyên bỏ tài, vừa phải tốn tiền sửa chữa, vừa mất thu nhập hàng ngày của gia đình”. Cũng cần nói thêm, anh Lập vừa là chủ xe vừa là lái xe, người thân làm lơ xe, nên mỗi tháng không tốn chi phí gần 20 triệu đồng thuê tài xế và lơ.

Tán thành chủ trương nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, ông Phùng Văn Hận - Giám đốc HTX vận tải thủy bộ Châu Thành cho biết: “Xe buýt chất lượng sẽ  phục vụ người dân hiệu quả hơn, phục vụ tuyến ổn định, HTX hiện tại có 19 xe, trong đó rất nhiều xe xuống cấp, nhiều chủ xe tính chạy cho đến khi “hết đời xe”, còn đầu tư mới thì phải tốn kém nên họ không muốn đổi xe. Vì là phương tiện vận tải hành khách công cộng, thế nên nếu xe cũ, tù túng thì người dân vẫn buộc phải đi, họ bị đi chứ không được lựa chọn, đó là thiệt thòi cho hành khách… Do đó, chủ trương nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng của tỉnh theo tôi là đúng”.

Quan điểm của UBND tỉnh về vấn đề này được nêu rõ tại văn bản số 5546/UBND-KT, tháng 11-2018 về việc trả lời Thời báo Mê Kông và đơn kêu cứu của ông Lê Thanh Phong, Phường 7, TP. Bến Tre. Theo đó, mặc dù phương tiện (xe buýt) đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để hoạt động, nhưng do tần suất hoạt động cao, liên tục cộng với thiếu quan tâm công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên dẫn đến phương tiện xuống cấp, hư hỏng, giảm chất lượng phục vụ hành khách đi xe. Đối với trường hợp phương tiện của xã viên nếu đáp ứng được các yêu cầu về nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và được hợp tác xã/doanh nghiệp lựa chọn, phân công, bố trí cho đưa phương tiện vào hoạt động thì vẫn hoạt động bình thường theo quy định.

Tháng 2-2019, Sở Giao thông vận tải đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp dự thảo “Quy định về đấu thầu hoặc đặt hàng cung cấp dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bến Tre” theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo được gửi đến 9 cơ quan cấp tỉnh, 1 cơ quan cấp huyện và các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng bằng xe buýt. Sở Giao thông vận tải đang tổng hợp ý kiến đóng góp của các đơn vị để trình thông qua thành viên UBND tỉnh trong tháng 4-2019.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN