COVID-19 tới 6 giờ sáng 25-11-2020:

Thế giới vượt 60 triệu ca bệnh, Mỹ - châu Âu rất nghiêm trọng

25/11/2020 - 07:17

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 509.597 trường hợp mắc COVID-19 và 11.362 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt qua mốc 60 triệu người.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 3-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 3-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25-11-2020 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 60.054.810 ca, trong đó có 1.413.444 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 41.474.809 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 17.166.557 ca và 103.569 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 25-11-2020, thế giới có tới 156 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Mỹ tiếp tục là điểm dịch lớn số 1 thế giới.

Người dân di chuyển trên phố ở Leeds, Anh ngày 5-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân di chuyển trên phố ở Leeds, Anh ngày 5-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 265.666 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 12.931.766 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 134.743 ca tử vong trong số 9.221.998 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 170.115 ca tử vong trong số 6.118.708 bệnh nhân.

Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 136 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru (với tỷ lệ 108 người), Tây Ban Nha - 92 người và Italy - 83 người.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Frankfurt, Đức, ngày 23-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Frankfurt, Đức, ngày 23-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 16,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 377.200 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 435.900 ca tử vong trong hơn 12,5 triệu ca nhiễm. Trong khi đó, Bắc Mỹ có hơn 269.200 ca tử vong trong hơn 12,7 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 189.100 ca tử vong trong hơn 11,9 triệu ca nhiễm.

Ngày 24-11-2020, Nga thông báo ghi nhận 491 ca tử vong mới do dịch COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay ở nước này, nâng tổng số ca tử vong lên 37.031 ca. Nga cũng có thêm 24.326 ca nhiễm mới, trong đó có 5.838 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 2.138.828 ca. Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cảnh báo tình hình dịch bệnh ở nước này đang ngày càng trở nên phức tạp hơn khi bắt đầu bước vào giai đoạn Thu - Đông.

Cùng ngày, Bulgaria cũng ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất trong 24 giờ qua, với 189 ca, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 3.069 ca. Theo Bộ Y tế Bulgaria, số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 124.966 ca sau khi có thêm 3.146 ca trong 24 giờ qua.

Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Bulgaria đã tăng hơn gấp đôi. Bộ trưởng Y tế Kostadin Angelov ngày 23-11-2020 đã đề nghị siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Trong khi đó, Vua Felipe VI của Tây Ban Nha buộc phải cách ly trong 10 ngày tới sau khi ông có tiếp xúc gần với Tướng Andre Lanata - người sau đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo nước này ghi nhận thêm gần 26.000 ca mắc và 512 ca tử vong do COVID-19 kể từ ngày 20-11-2020.

Tỷ lệ mắc bệnh trong 14 ngày qua tại quốc gia này đã giảm xuống 374 ca/100.000 dân, từ mức 530 ca trong tuần đầu tiên của tháng 11. Đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận hơn 1,58 triệu ca mắc COVID-19 và 43.131 ca tử vong, theo đó là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao thứ hai ở Tây Âu, sau Pháp.

Đường phố tại Paris, Pháp, được trang hoàng rực rỡ đón Giáng sinh, ngày 22-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Đường phố tại Paris, Pháp, được trang hoàng rực rỡ đón Giáng sinh, ngày 22-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Pháp đang có những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19. Cơ quan y tế Pháp ngày 24-11-2020 thông báo nước này có thêm 4.452 ca mắc mới trong 24 giờ qua, giảm so với con số 13.157 ca một ngày trước đó. Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới tại nước này giảm.

Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày ở Pháp hiện là 21.918 ca, lần đầu tiên kể từ ngày 17-10 vừa qua giảm xuống dưới ngưỡng 22.000 ca. Số ca mắc mới hằng ngày tại Pháp từng lên mức đỉnh điểm 54.440 ca ghi nhận ngày 7-11 vừa qua. Cũng trong 24 giờ qua, Pháp có thêm 501 ca tử vong, so với 214 ca ngày 22-11-2020, theo đó nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này đến nay lên 49.233 ca trong tổng số 2.144.660 ca mắc.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ. Tuần qua Mỹ đã ghi nhận số ca tử vong trung bình 1.500 ca/ngày, tăng 32% so với tuần trước đó và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 8 vừa qua. Số ca mắc mới trung bình hằng ngày trong tuần kết thúc vào ngày 22-11-2020 là 168.000 ca/ngày, tăng 13% so với tuần trước đó.

Người dân đợi xét nghiệm COVID-19 tại điểm xét nghiệm di động ở quận Dongjak, Seoul, Hàn Quốc ngày 22-11-2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Người dân đợi xét nghiệm COVID-19 tại điểm xét nghiệm di động ở quận Dongjak, Seoul, Hàn Quốc ngày 22-11-2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Tại châu Á, hơn 500 chuyến bay tại Sân bay quốc tế Phố Đông (Pudong) ở Thượng Hải, một trong những sân bay đông đúc nhất của Trung Quốc, đã phải hủy lịch trình trong ngày 24-11-2020 khi thành phố này gấp rút triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Các nhân viên y tế đã tiến hành xét nghiệm cho hàng nghìn nhân viên tại sân bay sau khi chính quyền thành phố Thượng Hải ghi nhận 7 ca mắc COVID-19 có liên quan đến một số nhân viên thuộc bộ phận giao vận của sân bay.

Tương tự, sân bay quốc tế tại thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc cũng phải hủy gần 50% số chuyến bay trong ngày 24-11-2020. Khoảng 2,6 triệu người dân tại Thiên Tân đã được xét nghiệm virus nhằm kiểm soát cục bộ và loại trừ nguy cơ lây nhiễm. Trước đó, ngày 21-11-2020, thành phố Thiên Tân đã ghi nhận 5 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và ngày 24-11-2020, thêm một ca được xác nhận.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 21-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 21-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 24-11-2020, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận thêm 80 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Hiện 10 trong số 69 ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa rõ nguồn lây.

Tính đến nay, đặc khu này ghi nhận 5.782 ca mắc COVID-19, trong đó có 108 người không qua khỏi. Một loạt các địa điểm giải trí từ quán bar đến các địa điểm tổ chức tiệc và hộp đêm đã phải đóng cửa trong vòng 7 ngày, từ ngày 24-11-2020 và số người được phép tham dự tiệc được giới hạn còn 40 người.

Ngoài ra, chính quyền Hong Kong cũng cấm biểu diễn nhạc sống, nhảy tại tất cả nhà hàng và hạn chế số người ở cùng trong một phòng khách sạn. Đây là lần thứ 3 trong năm 2020, chính quyền Hong Kong đóng cửa các quán bar, hộp đêm cũng như các địa điểm như karaoke và vũ trường.

Binh sĩ Hàn Quốc phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Seoul. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ Hàn Quốc phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Seoul. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng trở lại ngưỡng hơn 300 ca/ngày bất chấp việc cơ quan chức năng nâng mức giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Số liệu do Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 24-11-2020 cho thấy đã có thêm 349 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc lên 31.353 ca.

KCDA chính thức đưa ra cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ ba đang diễn ra do các ổ lây nhiễm tập thể, xuất phát từ các địa điểm tư nhân, cơ sở công cộng, bệnh viện và doanh trại quân đội; đồng thời kêu gọi người dân Hàn Quốc cần hành động mạnh mẽ hơn trong bối cảnh chuẩn bị diễn ra kỳ thi đại học trên toàn quốc vào ngày 3/12 tới.

Số liệu thống kê của KCDA cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tập thể sau các cuộc tụ họp mang tính riêng tư (của gia đình và bạn bè) chiếm khoảng 60% tổng số ca nhiễm mới trong thời gian qua.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia, ngày 19-10-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia, ngày 19-10-2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Đại dương, giới chức Australia thông báo sẽ dỡ bỏ biện pháp hạn chế tại khu vực biên giới giữa các bang vào ngày 1-12 tới nhằm thúc đẩy ngành du lịch khi mà lô vaccine đầu tiên ngừa sẽ có vào tháng 3-2021. Hai bang đông dân là New South Wales (NSW) và Victoria đã mở cửa biên giới vào ngày 23-11-2020, trong khi bang South Australia và Victoria sẽ mở lại biên giới vào tuần tới.

Đây được xem là thông tin tích cực với các công ty hàng không địa phương trong đó có Qantas Airways và Virgin Australia. Qantas cho biết sẽ thực hiện hơn 1.200 chuyến bay từ Victoria và NSW tới Queensland trong giai đoạn từ nay tới Giáng sinh. Australia hiện ghi nhận hơn 27.800 ca nhiễm và 907 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.

Vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer (Mỹ) phát triển. Ảnh: Reuter/TTXVN
Vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer (Mỹ) phát triển. Ảnh: Reuter/TTXVN

Liên quan công tác phát triển vaccine, kết quả phân tích lần thứ hai những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Sputnik V của Nga cho hiệu quả lên tới 95%. Bộ Y tế Nga, Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya và Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) ngày 24-11-2020 cho biết đánh giá trên được đưa ra dựa vào những cơ sở dữ liệu sơ bộ có được 42 ngày sau khi liều vaccine Sputnik V đầu tiên được tiến hành thử nghiệm.

Giám đốc điều hành RDIF, ông Kirill Dmitriev cho biết Nga sẽ bán vaccine Sputnik V thấp hơn các nước khác, trong bối cảnh Moskva đặt mục tiêu sản xuất hơn 1 tỷ liều trong và ngoài nước vào năm 2021.

Ngày 24-11-2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt một thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ về việc cung cấp 160 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mà công ty này đang thử nghiệm. Tuần trước, Moderna cho biết vaccine của hãng đã đạt hiệu quả tới 94,5% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24-11-2020, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.254 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 26.540 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 2.188 ca bệnh phát sinh và 4 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.731 ca bệnh mới và 19 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 26.547 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 144 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.133.503 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 980.722 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có chỉ có Timor Leste, Lào và Campuchia là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 24-11-2020.  

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN