Thêm 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

11/11/2019 - 22:22

BDK.VN - UBND tỉnh có quyết định xếp hạng các di tích đình Phú Thuận (xã Phú Thuận, huyện Bình Đại), đình An Qui (xã An Qui, huyện Thạnh Phú), Thất phủ võ miếu (chùa Ông, Thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri) là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật gắn với tín ngưỡng dân gian và lịch sử cách mạng.

Thất phủ võ miếu (chùa Ông). Ảnh: BQLDT.

Thất phủ võ miếu (chùa Ông). Ảnh: BQLDT

Đình Phú Thuận tọa lạc tại xã Phú Thuận, huyện Bình Đại. Đình được tạo dựng đầu tiên vào năm 1882 bằng cây lá đơn sơ. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình có diện mạo như hôm nay. Đình gồm có bức bình phong, bàn thờ thần nông, 4 ngôi miếu và 6 nóc: Võ ca, Võ qui, Chánh điện, nhà khách, nhà Tiên sư, nhà đãi + bếp. Hệ thống cột kèo Võ qui và Chánh điện bằng gỗ căm xe, kết cấu tứ trụ, vách gạch, cửa gỗ, mái ngói âm dương. Đình còn gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ truyền với các trang trí trên nóc (lưỡng long tranh châu, ngư hóa long,...), cùng với bao lam, hoành phi, liễn đối, long trụ, hương án.. đều được sơn son thếp vàng sắc sảo. Đình có 6 sắc phong được phong vào thời Thiệu Trị ngũ niên (1846) và Tự Đức tam niên (1950).

Đình An Qui tọa lạc tại xã An Qui, huyện Thạnh Phú. Theo truyền tụng, đình An Qui được thành lập năm 1840, do các vị kỳ lão tiền bối xây dựng. Đình là nơi các vị lãnh đạo hoạt động cách mạng qua các thời kỳ. Nơi đây chính là nơi diễn ra cuộc họp đầu tiên của Chi bộ xã An Qui. Đồng thời cũng là nơi ông Đồng Văn Cống chiêu mộ tân binh, mở lớp huấn luyện tăng cường cho Trung đoàn 99 vào những năm 1945. Trải qua hai cuộc kháng chiến, đình đã bị phá hủy. Sau ngày miền Nam giải phóng, nhân dân đã dựng lại ngôi đình trên địa điểm cũ bằng bê-tông cốt thép.

Thất phủ võ miếu tọa lạc tại thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri. Công trình này còn được gọi là chùa Ông, nơi thờ Quan Công. Quan Công tên thật là Quan Vũ (160 - 219), tự Vân Trường, quê ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Ông là một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc (211 - 264) ở Trung Quốc, là người giỏi võ nghệ. Nhìn chung, Quan Công được ca ngợi với các phẩm chất: trung nghĩa, thẳng thắn, hiên ngang, chính trực, có tiết tháo của người quân tử… Ông được thờ với tượng trưng là chữ “Tín” trong buôn bán. Ngoài ra, ông còn được xem là vị tài thần để bảo vệ và mang đến may mắn, tiền bạc cho họ. Tín ngưỡng thờ cúng Quan Công còn có mặt ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, Đài Loan, Úc, Mỹ… Ngoài tên gọi Quan Công, trong dân gian còn gọi ông là Quan Đế, Quan Thánh Đế Quân, Quan Lão gia… Tuy trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, Thất phủ võ miếu ngày nay vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc truyền thống như: mái lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly với nhiều biểu tượng trang trí khác nhau như: lưỡng long tranh châu, luỡng long chầu nguyệt, bát tiên,…

Hiện nay, Bến Tre có 2 di tích quốc gia đặc biệt,16 di tích quốc gia và 51 di tích cấp tỉnh.

                   Trần Hoàng Huấn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN