Tiếp tục xây dựng đô thị văn minh, sinh thái

26/04/2019 - 07:23

Hồ Trúc Giang rợp bóng mát. Ảnh: nhất linh

Hồ Trúc Giang rợp bóng mát. Ảnh: nhất linh

Ngày 9-8-2007, Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại III; ngày 11-8-2009, được Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 34 thành lập TP. Bến Tre với diện tích 6.742,11ha gồm 16 đơn vị hành chính cấp xã gồm 10 phường, 6 xã; ngày 5-4-2013 nhận quyết định điều chỉnh địa giới hành chính nhập xã Mỹ Thành và một phần xã Hữu Định thuộc huyện Châu Thành vào TP. Bến Tre tại Nghị quyết số 49 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích tự nhiên 6742,11ha, có 17 đơn vị hành chính cấp xã gồm 10 phường, 7 xã.

Sau 10 năm thành lập và 12 năm được công nhận đô thị loại III, TP. Bến Tre tiếp tục đầu tư về hạ tầng đô thị, phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội, dịch vụ đô thị và dịch vụ du lịch ngày càng phát triển. Ngày 13-2-2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 174 về việc công nhận TP. Bến Tre là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Qua đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị, rà soát, phân tích, đánh giá, tổng hợp hiện trạng TP. Bến Tre và đối chiếu với 5 tiêu chí và 59 tiêu chuẩn đô thị loại II tại Nghị quyết số 1210 ngày 25-5-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì TP. Bến Tre đạt 87,53 điểm/75 điểm/100 điểm. Tuy nhiên, theo phân loại đô thị, hiện trạng về hạ tầng đô thị của TP. Bến Tre được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn chính như sau:

Nhóm tiêu chuẩn đã đạt bằng và vượt mức tối đa của tiêu chuẩn quy định: Có tổng số 35/59 tiêu chuẩn. Nhóm tiêu chuẩn đạt tối thiểu và trên mức điểm tối thiểu nhưng chưa đạt điểm tối đa: Có tổng số 20/59 tiêu chuẩn. Nhóm tiêu chuẩn chưa đạt điểm (đạt 0 điểm): Có tổng số 4 tiêu chuẩn, bao gồm: Tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thành, nội thị so với đất xây dựng trong khu vực nội thành, nội thị; mật độ đường trong khu vực nội thành, nội thị; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng.

Để TP. Bến Tre tiếp tục phát triển đúng với vị trí, vai trò của thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, UBND TP. Bến Tre và các cơ quan chức năng cần quan tâm đến các vấn đề sau:

Hai chỉ tiêu về hệ thống giao thông đô thị đều không đạt yêu cầu. Đối với tiêu chuẩn này chúng ta có thuận lợi về điều kiện tự nhiên trong phát triển hệ thống giao thông thủy, do vậy cần chú ý kết hợp giữa phương thức vận tải đường bộ với đường thủy nội địa để có thể khai thác lợi thế này làm động lực trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đối với nhóm 4 tiêu chuẩn chưa đạt điểm và 20 tiêu chuẩn đạt thấp. Tiếp tục hoàn thiện đối với nhóm chỉ tiêu chưa đạt được điểm tối đa. Tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để tạo sự đột phá, tạo điểm nhấn ấn tượng và tăng cường sự chuyển biến về chất lượng đô thị theo các tiêu chuẩn. Quan tâm tổ chức triển khai các dự án lớn như: Dự án đầu tư chỉnh trang đô thị khu vực Tây Bắc, TP. Bến Tre; Dự án chỉnh trang khu dân cư đô thị Phú Khương; Dự án khu đô thị phía Nam thành phố... Phấn đấu đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội, đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn đô thị loại II đều đạt và vượt mức tối đa theo các tiêu chuẩn quy định để chuẩn bị tiền đề cho đô thị loại I trong tương lai. Khẩn trương tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống mạng lưới thoát nước thải riêng để tạo sự đồng bộ. TP. Bến Tre nằm trong khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố, chú trọng đội ngũ cán bộ quản lý đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển TP. Bến Tre khi được công nhận là đô thị loại II. Cần bổ sung thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã mà TP. Bến Tre chưa đạt tiêu chí về dân số và diện tích để bảo đảm quy hoạch phát triển của TP. Bến Tre trong tương lai. Lưu ý cần mở rộng thành phố về phía Bắc và phía Nam để đạt chuẩn về diện tích và dân số.

Với mong muốn TP. Bến Tre sánh vai các đô thị khác và trở thành một đô thị văn minh, sinh thái, tôi có đôi lời gửi lại thế hệ sau tiếp tục xây dựng TP. Bến Tre ngày càng đẹp hơn, trở thành thành phố đáng sống hơn.

TP. Bến Tre là đô thị trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bến Tre, cách TP. Hồ Chí Minh 86km, cách TP. Mỹ Tho 15km, cách TP. Cần Thơ 114km, là trung tâm kinh tế quan trọng của tiểu vùng Đông Bắc thuộc đồng bằng sông Cửu Long và nằm trên trục hành lang kinh tế ven Biển Đông. Tỉnh Bến Tre trước đây có tên cũ là Kiến Hòa. Sau năm 1975 đổi tên thành tỉnh Bến Tre và thị xã Bến Tre là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh.

Cao Thành Hiếu - Chủ tịch UBND TP. Bến Tre

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN