Tình hình dịch bệnh và vắcxin COVID-19 tại các nước Đông Nam Á

14/01/2021 - 20:11

Trong bối cảnh hệ thống y tế ở nước này đang ở điểm giới hạn vì số ca mắc COVID-19 tăng mạnh mỗi ngày, Bộ Y tế Malaysia đã điều chỉnh quy định về truy vết và ưu tiên xét nghiệm COVID-19.

Một trạm kiểm soát tại Kuala Lumpur, ngày 13-1-2021, sau khi Malaysia tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO). (Ảnh: THX/TTXVN)

Một trạm kiểm soát tại Kuala Lumpur, ngày 13-1-2021, sau khi Malaysia tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 14-1-2021, theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, trong bối cảnh hệ thống y tế ở nước này đang ở điểm giới hạn vì số ca mắc COVID-19 tăng mạnh mỗi ngày, Bộ Y tế Malaysia đã điều chỉnh quy định về truy vết và ưu tiên xét nghiệm COVID-19.

Theo Bộ Y tế Malaysia, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ không phải tiến hành xét nghiệm. Thay vào đó, từ nay, chỉ những người tiếp xúc gần và có triệu chứng mắc COVID-19 mới phải xét nghiệm.

Tuy vậy, do việc truy vết và cách ly những người tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2 rất quan trọng đối với nỗ lực chặt đứt nguồn lây nhiễm, nên nhà chức trách sẽ vẫn theo dõi tất cả những người tiếp xúc gần với người nhiễm và yêu cầu họ cách ly tại nơi ở.

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp việc truy vết có liên quan đến ổ lây nhiễm, việc lấy bao nhiêu mẫu xét nghiệm phụ thuộc vào số lượng của ổ dịch. Đơn cử, nếu ổ dịch có dưới 50 người thì chỉ cần lấy 20 mẫu thử, còn trên 50 người thì cần lấy 30 mẫu thử hoặc 10%.

Nếu cho kết quả âm tính, những người tiếp xúc gần phải cách ly tập trung tại nơi ở trong 10 ngày kể từ khi tiếp xúc với người mắc COVID-19 và đánh giá tình hình sức khỏe bản thân.

Nếu người nào trong số này xuất hiện triệu chứng, họ sẽ phải cách ly và xét nghiệm. Nếu cho kết quả dương tính, những người còn lại tiếp tục cách ly 10 ngày nữa.

Indonesia ngày 14-1 thông báo đã ghi nhận thêm 11.557 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay. 

Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này có thêm 295 ca tử vong do mắc COVID-19. Như vậy, tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 869.600 ca nhiễm, trong đó có 25.246 trường hợp không qua khỏi. 

Vắcxin ngừa COVID-19 của Sinovac được giới thiệu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24-9-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vắcxin ngừa COVID-19 của Sinovac được giới thiệu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 24-9-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Indonesia bắt đầu tiến hành chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19 quy mô lớn, trong đó các nhân viên y tế là nhóm ưu tiên chính.

Chương trình này được triển khai một ngày sau khi Tổng thống Joko Widodo được tiêm mũi đầu tiên loại vắcxin do công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển.  

Tại bệnh viện công Cipto Mangunkusumo ở trung tâm Jakarta sáng 14-1, có ít nhất 25 nhân viên y tế tại bệnh viện này đã được tiêm vắcxin Sinovac. Dự kiến, khoảng 6.000 nhân viên y tế và các bệnh nhân không nhiễm COVID-19 tại bệnh viện này sẽ được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 lần lượt theo nhóm. 

Thứ trưởng Y tế Dante Saksono, người cũng được tiêm vắcxin ngày 14-1, cho biết khoảng 1,4 triệu nhân viên y tế trên cả nước sẽ dần được tiêm chủng, sau đó đến giới công chức.

Theo ông Saksono, vắcxin sẽ tạo miễn dịch sau 2-6 tuần kể từ khi tiêm mũi thứ 2. Tuy nhiên, những người đã được tiêm chủng vẫn cần phải thực hiện những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng chương trình tiêm chủng đại trà này sẽ giúp Indonesia đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi 70% trong tổng số 270 triệu dân nước này được chủng ngừa.

Hiện tại Indonesia đặt mục tiêu tiêm củng cho khoảng 180 triệu người, tương đương 2/3 dân số, trong vòng 15 tháng. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này dự định chi 20.900 tỷ rupiah (1,49 tỷ USD) để mua vắcxin Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Hiện Indonesia đã nhận được 3 triệu liều vắcxin Sinovac và đã phân phối tới 34 tỉnh thành trong cả nước.

Dự kiến Indonesia sẽ nhận được thêm khoảng 122,5 triệu liệu nữa. Chính phủ nước này ước tính chiến dịch tiêm chủng đại trà có thể tiêu tốn từ 66 triệu đến 75.000 tỷ rupiah. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 1.912 ca mắc COVID-19 và 40 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 494.605 ca và 9.739 ca. 

Giới chức y tế Philippines đã đề nghị người dân tăng cường cảnh giác sau khi ngày 13-1, Philippines đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh.  

Trong 24 giờ qua, Thái Lan cũng ghi nhận 271 ca nhiễm mới, trong đó có 259 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 11.262 ca mắc COVID-19, trong đó có 69 trường hợp không qua khỏi.

Về tình hình vắcxin, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đánh giá cao các loại vắcxin ngừa COVID-19 của Trung Quốc, cụ thể là vắcxin của Sinovac và Sinopharm. Tổng Giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Philippines Enrique Domingo ngày 14-1 cho biết công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech đang xin FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho loại vắcxin mà công ty này bào chế. 

Hiện Philippines đã đặt mua trước 25 triệu liều vắcxin Sinovac, trong đó nước này dự kiến sẽ nhận được 50.000 liều đầu tiên vào tháng 2 tới. Số còn lại sẽ được giao theo đợt từ tháng 3 đến tháng 12 năm nay. 

Philippines hiện đang đàm phán với ít nhất 7 hãng phát triển vắcxin để có thể mua được 148 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong năm nay. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Philippines cần tiêm chủng cho khoảng 50-70 triệu người hoặc hơn 60% dân số nước này trong năm nay.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN