Tôn tạo giữ gìn những di tích

21/03/2014 - 07:56
Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy (thứ hai từ phải sang) cùng đoàn cán bộ lãnh đạo huyện Chợ Lách thăm bia tưởng niệm Trương Vĩnh Ký.

Theo kế hoạch, năm 2014, Ban Quản lý di tích (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ trình UBND tỉnh 13 di tích để được công nhận là di tích cấp tỉnh nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di tích, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau.

Sự kiện Chiến thắng Lộ Thơ ở Thành Triệu (Châu Thành)

Đây là di tích vừa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trên đường dẫn vào xã Thành Triệu, tượng đài lưu niệm Sự kiện Chiến thắng Lộ Thơ như một chứng tích lưu dấu thời kỳ đấu tranh quả cảm của Tiểu đoàn 516 và người dân xã anh hùng.

Năm 1964, để lập thành tích kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tỉnh chỉ đạo Tiểu đoàn 516 đánh địch để mở rộng vùng giải phóng Châu Thành. Công việc nghiên cứu thực địa và chuẩn bị chiến trường chu đáo, Tiểu đoàn 516 điều một bộ phận tấn công đồn Phú Túc.

Phán đoán bọn ngụy sẽ đổ quân tiếp viện, ta tổ chức trận địa phục kích đánh địch khi chúng trở về, chọn Lộ Thơ làm trận địa. Trong thời điểm này, chi bộ, xã đội được Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 516 cùng bàn bạc giao cho địa phương góp sức trong việc dẫn đường chọn địa điểm ém quân lo hậu cần, tải thương…

Đúng như dự kiến của ta, khi đồn Phú Túc thất thủ, địch đã tập trung lực lượng tiếp cận càn quét. Những đơn vị chủ lực ngụy gồm: 1 tiểu đoàn lính dù đổ quân bằng tàu, tiểu đoàn 1, trung đoàn 10, sư đoàn 7 đổ quân bằng trực thăng, tiểu đoàn biệt động quân số 41 “Cọp đen” kéo quân từ Tường Đa sang Phú Túc. Tiểu đoàn 1 sư đoàn 7 và tiểu đoàn biệt động quân số 41 gặp nhau và được lệnh rút về qua Lộ Thơ. Đúng 16 giờ 50 ngày 20-8-1964, địch hành quân trở về chia làm hai cánh, một đi trên Lộ Thơ và một cặp bờ kênh ra lộ 27. Sau 65 phút đụng độ với quân ta, tiểu đoàn “Cọp đen” bị tiêu diệt gọn, tiểu đoàn chủ lực của sư đoàn 7 bị thiệt hại nặng chạy về đồn Thành Triệu. Dân vệ trong các đồn bót hoang mang cao độ, đào, rã ngũ liên tiếp.

Di tích sự kiện Chiến thắng Lộ Thơ (xã Thành Triệu - Châu Thành).

Kết quả trận đánh Lộ Thơ, địch chết và bị thương hơn 500 tên, trong đó có 4 cố vấn quân sự Mỹ, ta thu hàng trăm súng các loại và nhiều phương tiện thông tin. Trong quá trình chiến đấu, nhiều bà mẹ, chị em phụ nữ đã không sợ bom đạn, ra mặt trận tiếp tế cơm nước, chuyển thương binh về nơi an toàn. Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 25-8-1964 đã bình luận: “Đây là một trận thảm hại của cả người Mỹ và Sài Gòn. Điều đáng chú ý là việc vận dụng tài tình sáng tạo chiến thuật công đồn đả viện của quân giải phóng”.

Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Lộ Thơ, được biết trong năm 2014 sẽ khởi công nâng cấp, sửa chữa khu di tích. Theo Hội Cựu chiến binh xã Thành Triệu, hàng năm, nhiều trường học tổ chức đưa học sinh đến khu di tích để nghe kể lại sự kiện Chiến thắng Lộ Thơ.

Nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Ông Trương Vĩnh Ký - người Việt Nam đầu tiên được vinh danh là một trong 18 nhà bác học trên thế giới trong cuộc bình chọn “Toàn cầu thập bát văn hào” năm 1874, lúc ông 37 tuổi. Là một nhân vật tài ba xuất chúng nhưng ông rất khiêm tốn, có lối sống thanh bạch.

Ông sinh ngày 6-12-1837 tại làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Lên 5 tuổi, Trương Vĩnh Ký bắt đầu học tiếng Hán; 9 tuổi đã tiếp thu và hiểu rõ những đạo lý thánh hiền trong sách của Khổng Tử, Mạnh Tử. Thấy được tư chất thông minh của ông, một vị linh mục đã dạy ông chữ quốc ngữ tại chủng viện Cái Nhum, sau ông còn học chữ La-tinh với một linh mục người Pháp. Năm 12 tuổi, Trương Vĩnh Ký sang học tại trường Pinhalu ở Phnom Penh (Campuchia), rồi nhận được học bổng sang Malaysia tại chủng viện Penang. Những năm tháng học ở đây, ông đã tỏ ra là một tài năng thiên bẩm đối với ngôn ngữ, tiếp thu nhạy bén nhiều ngôn ngữ: Pháp, Anh, La-tinh, Hi Lạp, Ấn Độ…

Gần như cả cuộc đời, ông đều đặt hết tâm huyết trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là cống hiến to lớn của ông cho ngôn ngữ, báo chí, dịch thuật và lịch sử. Tác phẩm của ông hết sức đa dạng và phong phú: thơ ca, truyện các loại, sách giáo khoa, sách nghiên cứu Lịch sử và Địa lý. Nổi bật nhất trong sự nghiệp cầm bút của ông vẫn là kho sách dạy ngôn ngữ, ngữ pháp, văn phạm, đặc biệt là những bộ từ điển. Ông còn có công truyền bá chữ quốc ngữ vào mọi tầng lớp nhân dân thông qua tờ Gia Định báo, ra đời tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh). Trương Vĩnh Ký cùng với Gia Định báo đã tạo nên bước ngoặt mới cho ngành báo chí cũng như việc nâng cao trình độ dân trí thời bấy giờ.

Theo người dân sống quanh khu vực Nhà bia và Bia tưởng niệm Trương Vĩnh Ký tại xã Vĩnh Thành, hàng năm lượng du khách mà chủ yếu là học sinh, sinh viên từ các trường đại học đổ về khá nhiều để thăm Bia tưởng niệm - nơi Trương Vĩnh Ký đã trải qua thời thơ ấu và là nơi đặt nền tảng đầu tiên cho con đường học vấn của ông.

Bài, ảnh: T.THẢO

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN