Thạnh Phú Đông

Xã điểm về công tác giảm nghèo

07/12/2020 - 06:52

BDK - Thạnh Phú Đông là một xã vùng sâu của huyện Giồng Trôm. Toàn xã có 3.010 hộ dân, với gần 9.568 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Năm 2016, toàn xã có 537 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19%, đến năm 2020 xã còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,39%. Năm 2017, Thạnh Phú Đông là một trong hai xã của huyện Giồng Trôm được công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh theo Quyết định số 131 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyền Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phúc Linh trao quà cho hộ nghèo xã Thạnh Phú Đông.

Quyền Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phúc Linh trao quà cho hộ nghèo xã Thạnh Phú Đông.

Từ khi được phê duyệt xã bãi ngang, Thạnh Phú Đông được đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ đó, kinh tế - xã hội của xã từng bước được nâng lên, giao thông thuận tiện hơn. Năm 2018, xã được chọn là một trong 18 xã điểm thực hiện Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững của tỉnh. Xã đã vận động 141 hộ tham gia thực hiện đề án giai đoạn 2016 - 2020.

Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã quan tâm công tác vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã ủng hộ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; vận động quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn trong các dịp lễ, Tết. Hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, giới thiệu đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra còn hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để chăn nuôi, trồng trọt cho 47 hộ với tổng số vốn trên 1,4 tỷ đồng. Năm 2018, hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò cho 9 hộ, với tổng số vốn 170 triệu đồng; mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 12 hộ với tổng số vốn 113,5 triệu đồng.

Năm 2019, xã tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi bò cho 7 hộ với tổng số vốn 132 triệu đồng; mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 11 hộ với tổng số vốn 190 triệu đồng. Trong hỗ trợ hộ phát triển sinh kế thông qua hoạt động phi nông nghiệp, xã tập trung khuyến khích, vận động các hộ nghèo, cận nghèo thông qua các hình thức may gia công, lao động ở các khu công nghiệp. Tổ chức 9 lớp dạy nghề, có 186 học viên. Hỗ trợ hộ vay vốn từ NHCSXH để tham gia xuất khẩu lao động 3 trường hợp là hộ nghèo, số tiền 150 triệu đồng. Qua 5 năm, xã có 17 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo đi xuất khẩu lao động. Thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp, khởi nghiệp thoát nghèo, đã vận động 4 hộ tham gia, đến nay có 4 hộ đã thoát nghèo bền vững, chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt kết hợp hoạt động tiểu thủ công nghiệp.

Kết quả hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về bảo hiểm y tế. 100% con em của hộ nghèo, cận nghèo tham gia đề án sinh kế được xét miễn giảm học phí theo quy định. Vận động học bổng, tập vở, dụng cụ học tập cho các em được 189 trường hợp, số tiền là 103 triệu đồng. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở 68 hộ với số tiền 2,5 tỷ đồng. Hỗ trợ 13 hộ vay vốn NHCSXH với tổng số tiền 128 triệu đồng để xây dựng nhà tắm, hố xí tự hoại. Dự án WOBA của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ hỗ trợ 96 hộ xây dựng hố xí tự hoại với tổng kinh phí 91,2 triệu đồng. Đến nay, 141 hộ tham gia thực hiện Đề án sinh kế giai đoạn 2016 - 2020 đã thoát nghèo, trong đó, có 98 hộ thoát nghèo bền vững, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 3,39% vào cuối năm 2019.

Trong thời gian tới, xã Thạnh Phú Đông tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể. Tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội. Kịp thời phát hiện các mô hình hay, cách làm mới, các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua, từ đó kịp thời biểu dương, khen thưởng và bồi dưỡng, nhân rộng…

  Bài, ảnh: Thiên Kim

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN