Xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh

08/01/2021 - 06:57

BDK - Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng nông nghiệp thông minh, số hóa, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bền vững và tổ chức nhân rộng cho các sản phẩm nông nghiệp khác.

Sơ chế bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh: H. Hiệp

Sơ chế bưởi da xanh xuất khẩu. Ảnh: H. Hiệp

Kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, đạt được một số kết quả khả quan. Từ đó, đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Qua đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chủ động hơn trong việc tham gia các liên kết ngang - dọc trong chuỗi. Mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng sản phẩm của tỉnh thông qua các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, mã vùng truy xuất nguồn gốc... tạo được thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ đã bắt đầu có hướng phát triển, sự xuất hiện của các hợp đồng mang tính ràng buộc kinh tế giữa tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp đã thúc đẩy sự liên kết ngang và liên kết dọc trong cùng một chuỗi giá trị, đó là yếu tố nền tảng và quyết định cho sự phát triển bền vững của cả chuỗi giá trị. Liên kết chuỗi dừa đã góp phần hình thành nên vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gần 10 ngàn héc-ta. Từ đó, tạo ra các dòng sản phẩm hữu cơ từ dừa thâm nhập các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Hiện nay, một số chuỗi như: dừa, bưởi, ngoài hợp đồng tiêu thụ, doanh nghiệp hỗ trợ vật tư, sơ chế và có chính sách bảo đảm giá sàn như Hương Miền Tây nếu sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn GAP, bảo đảm giá sàn 20 ngàn đồng/kg; các doanh nghiệp dừa: Lương Quới, Á Châu, Betrimex... nếu sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, bảo đảm giá sàn 50 ngàn đồng/chục (12 trái).

Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn từ năm 2021 - 2025: Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương đạt 20%; được thực hiện liên kết đạt 30% và tốc độ tăng thu nhập sản phẩm từ chế biến ≥ 5%, tương đương đạt 20%; được thực hiện liên kết đạt 30% (theo Kết luận số 359-KL/TU của Tỉnh ủy).

Xây dựng thí điểm các vùng nguyên liệu tập trung với quy mô 20 - 22 ngàn héc-ta nhóm sản phẩm dừa; 1,5 - 2,2 ngàn héc-ta nhóm sản phẩm quả; 300ha nhóm sản phẩm cây giống - hoa kiểng và 450ha nhóm sản phẩm tôm (trong 4.000ha diện tích nuôi tôm công nghệ cao), gắn với tổ chức lại dân cư nông thôn; trong đó, có 80% diện tích sản xuất theo GAP hoặc tương đương. Thành lập Trung tâm cây giống, hoa kiểng quy mô quốc gia. Phát triển hoàn chỉnh các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực nhóm sản phẩm con heo, con bò đạt trên 5% tổng đàn toàn tỉnh. Phát triển ít nhất 43 HTX nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, nâng tổng số HTX tham gia chuỗi đến năm 2025 là 91 HTX (trong đó tỷ lệ HTX loại khá, tốt chiếm 80%). Xây dựng, phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề theo hướng sạch, an toàn và công nghệ cao.

Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng nông nghiệp thông minh, số hóa, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bền vững và tổ chức nhân rộng cho các sản phẩm nông nghiệp khác. Nông nghiệp thông minh, số hóa: Đang bắt đầu triển khai đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý chuỗi giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre” để làm mô hình và nền tảng.

Nhiệm vụ và giải pháp

Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với thực hiện truy xuất nguồn gốc: Quan tâm cấp mới, quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng và cấp mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện, bảo đảm tính bền vững của việc cấp mã số, truy xuất nguồn gốc. Quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ.

Mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói: Hiện nay, ngành nông nghiệp phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các doanh nghiệp tạo ra 17 mã số vùng trồng và 27 mã cơ sở đóng gói và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: Phát huy tốt vai trò của nhà khoa học trong việc nghiên cứu, hỗ trợ ứng dụng khoa học vào sản xuất. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh; xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP... tại các HTX nông nghiệp nhằm tạo vùng nguyên liệu sạch, đạt chứng nhận nhằm mục đích phục vụ cho thị trường xuất khẩu như: dừa hữu cơ, bưởi da xanh...

Đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu như Khu đô thị nông nghiệp thông minh - công nghiệp sạch và dịch vụ du lịch tổng hợp ở huyện Châu Thành, với diện tích là 5.300ha.

Xây dựng hoàn chỉnh chuỗi nông sản chủ lực gắn với chế biến sâu: Tập trung, rà soát, tổ chức nhân rộng mô hình có hiệu quả để làm mô hình điểm, dẫn đầu chuỗi đảm bảo việc tổ chức lại sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; duy trì đối thoại hàng năm giữa doanh nghiệp với các cơ quan hành chính nhà nước để tìm giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản.

Tăng cường hoạt động khuyến công, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ chế biến nông sản, thủy sản có giá trị gia tăng cao; xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ chế biến nông sản.

Phát triển các HTX kiểu mới theo chuỗi: Hiện nay, HTX bưởi da xanh Bến Tre (do Tổ chức Socodevi - Canada tài trợ) đang làm khá tốt theo hướng này, đi từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra (bán nội địa, xuất khẩu, chế biến).

Tăng cường quản lý nhà nước về HTX, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của các sở, ngành tỉnh, phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp quản lý về phát triển HTX.

Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, điều hành về phát triển kinh tế hợp tác, nhất là HTX; thực hiện tốt công tác thu hút nguồn nhân lực cho các HTX tiến tới hình thành các Liên hiệp HTX.

Kết nối sản xuất với doanh nghiệp và thị trường: Tập trung rà soát, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã ban hành, nhất là thúc đẩy phát triển cơ giới hóa, phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản. Đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP) và chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Nghị định số 98/2018/NĐ-CP). 

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, gia tăng năng lực sản xuất mới; kết hợp nghiên cứu thị trường; xúc tiến thương mại, kết nối và định hướng thị trường cho từng sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhằm đưa các sản phẩm của chuỗi giá trị nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm của Quốc gia và toàn cầu.

 Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường; xúc tiến thương mại, kết nối và định hướng thị trường cho từng sản phẩm: dừa, trái cây, thủy sản…; từng bước đưa sản xuất nông sản lên quy mô lớn, tiếp cận ngày càng nhiều thị trường trên thế giới.

Thành lập Trung tâm cây giống, hoa kiểng quy mô cấp quốc gia: Từ cơ sở vật chất hiện có của các đơn vị Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu thực nghiệm Công nghệ sinh học Cái Mơn và Trung tâm thực nghiệm dừa Đồng Gò, tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện đề án thành lập Trung tâm cây giống, hoa kiểng quy mô cấp quốc gia. Về lâu dài, từng bước hình thành Viện Nghiên cứu phát triển giống nông nghiệp của tỉnh.

Phát triển giống nông nghiệp: Công tác giống của Bến Tre sẽ phát triển theo hướng kết hợp công nghệ cao: ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ sinh học, sinh học phân tử trong chọn, tạo giống (vi ghép trên cây có múi, nuôi cấy mô trên dừa).

Thu Huyền (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN