100 ngày cầm quyền của Tổng thống Mỹ

28/04/2009 - 15:49

Ngày mai (29/4), Tổng thống Mỹ B.Obama sẽ tổ chức một buổi họp báo đặc biệt để đánh dấu 100 ngày cầm quyền.

Theo kết quả nhiều cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông B.Obama vẫn giành được sự ủng hộ cao của dân chúng. Tín hiệu này cho thấy, Tổng thống B.Obama đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy niềm hy vọng của nước Mỹ về một tương lai tốt hơn, về sự “thay đổi” mà ông hứa khi tranh cử.

Kết quả thăm dò của Pew Research Center, AP, Gallup Poll và GfK Roper Public Affairs & Media đều cho thấy, hơn 63% người được khảo sát tán thành cách thức xử lý công việc của ông Obama trên cương vị tổng thống. Tổng thống B.Obama được ủng hộ cao trong chính sách đối ngoại (61%) và chống khủng bố (57%), tuy nhiên, các chính sách chăm sóc sức khỏe và thuế lại ít được tán thành hơn (với tỷ lệ lần lượt là 51 và 50%).

Kết quả này cho thấy, ông B.Obama đã bước đầu thành công cả về mặt đối nội cũng như đối ngoại, ít ra là trong giai đoạn nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ suy thoái kinh tế đến 2 cuộc chiến hao người tốn của ở Iraq và Afghanistan, sự rạn nứt quan hệ Đông - Tây, vấn đề biến đổi khí hậu.

Về đối nội, ông B.Obama đã thành công trong việc thuyết phục Hạ viện và Thượng viện thông qua gói kích cầu kinh tế 787 tỉ USD, cũng như ban hành các biện pháp tăng cường vai trò giám sát của chính phủ đối với các tổ chức tài chính. Mặc dù sự suy thoái kéo dài của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa ngừng lại, với hơn 6 triệu người mất việc làm đến quí I năm 2009 - con số kỷ lục trong vòng 40 năm qua; thâm hụt ngân sách trong 6 tháng đầu tài khóa 2009 (kể từ ngày 1/10/2008) là 953 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ tài khóa 2008, nhưng việc ông Barack Obama tuyên bố sẽ sớm cắt giảm hàng chục chương trình không hiệu quả hoặc gây lãng phí của chính phủ như một phần trong nỗ lực lớn nhằm khôi phục trách nhiệm tài chính đối với ngân sách liên bang, cũng như hỗ trợ hàng chục tỷ USD cho các dự án giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, mang ý nghĩa cơ bản lâu dài nhằm chấn hưng nền kinh tế, ổn định xã hội.

Về mặt đối ngoại, Tổng thống B.Obama đã thực hiện một chính sách mềm mỏng hơn so với người tiền nhiệm. Đó là chính sách ngoại giao dựa trên nền tảng là các quan hệ đối tác và cách tiếp cận mới đối với các vấn đề cũ mà không thay đổi mục tiêu chiến lược.

Với Châu Âu, trong chuyến thăm 8 ngày hồi đầu tháng 4 vừa qua, Tổng thống B.Obama đã bước đầu hàn gắn được sự rạn nứt của quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Đối với Châu Mỹ, ông Obama mang tới khu vực vốn lâu nay “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Mỹ một không khí hoà dịu.

Trước và trong Hội nghị Thượng đỉnh Châu Mỹ vừa qua, Tổng thống B.Obama đã đưa ra những đề nghị và quyết định tích cực, trong đó có sáng kiến thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực Caribe, quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận chống Cuba hay cái bắt tay hoà giải với Venezuela.

Tại Trung Đông và Nam Á, ông B.Obama đã đưa ra những thông điệp có tính đột phá, đó là “ngoại giao thay cho ngăn chặn, đối thoại thay cho loại trừ” khi triển khai cách tiếp cận mới trong vấn đề hạt nhân của Iran.

Ngay cả trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, mặc dù Bình Nhưỡng có những tuyên bố và động thái cứng rắn, nhưng có vẻ như ông B.Obama chưa đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn như người tiền nhiệm, bởi lẽ Mỹ đang tính tới mối quan hệ lớn mang tính xây dựng với các nước liên quan là Trung Quốc và Nga.

Trong chiến lược quốc phòng mới, ông B.Obama chuyển trọng tâm cuộc chiến chống khủng bố từ Iraq sang Afghanistan, trong đó có sự can dự của các quốc gia láng giềng đặc biệt là Pakistan. Chính sự điều chỉnh chiến lược này đã giúp Washington thành công trong việc tổ chức hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Hague - Hà Lan và hội nghị các nhà tài trợ cho Pakistan với sự tham dự của hơn 80 nước và tổ chức.

100 ngày là khoảng thời gian ngắn trong nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống B.Obama. Nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi ông B.Obama, tuy nhiên, bước đầu, ông B.Obama đã thành công trong việc tạo dựng một hình ảnh mới của nước Mỹ biết lắng nghe và cởi mở hơn, biết tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề song phương, khu vực cũng như toàn cầu./.

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN