Tin tức khắp nơi dồn dập đưa về Trung tâm thụ tín Trung ương.
Xanh-tơ-ni tuyên bố: “đã đến lúc giải quyết thời cuộc bằng quân sự. Quân đội
Pháp sẵn sàng hành động.”
Ngày 16/12/1946, Đac-giăng-li-ơ ngạo mạn đòi khôi phục lại các Hiệp ước 1883
và 1884 mà triều đình nhà Nguyễn đã ký với Pháp. Y trắng trợn tuyên bố: “Hà Nội,
Hải Phòng, Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp”.
Liên tiếp trong các ngày 15, 16/12/1946 quân Pháp liên tục khiêu khích nổ
súng, ném lựu đạn nhiều nơi ở Hà Nội, làm chết nhiều thường dân, bộ đội và công
an của ta. Bộ chỉ huy quân đội Pháp phổ biến kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và khu
vực phía bắc vĩ tuyến 16.
Trưa ngày 17/12/1946, quân đội Pháp cho xe ủi phá các công sự của ta ở phố Lò
Đúc, đồng thời gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và Yên Ninh.
Trưa ngày 18/12, Pháp gửi tối hậu thư đòi chiếm Sở Tài chính, đòi ta phá bỏ
công sự và vật chướng ngại trên đường phố. Cũng chiều hôm ấy, Pháp lại gửi tối
hậu thư đòi làm nhiệm vụ trị an ở Hà Nội và đe dọa đến sáng 20/12, những điều
nêu trên đây không được thực hiện thì “quân Pháp sẽ chuyển sang hành động.”
Sáng ngày 19/12, thực dân Pháp gửi tiếp cho ta một tối hậu thư nữa, ngang
ngược đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị
kháng chiến, và lần nữa đòi được quyền giữ trật tự trong thành phố. Đây là những
giờ phút mà sức chịu đựng của nhân dân ta trước sự khiêu khích, lấn tới của thực
dân Pháp đã vượt quá giới hạn. Không thể khác, Tạm ước 14/9 là sự nhân nhượng
cuối cùng của Chính phủ và nhân dân ta.
Tuy vậy, Hồ Chủ Tịch vẫn gửi thư cho Xanh-tơ-ni, yêu cầu ông ta gặp đại diện
Chính phủ ta để “tìm một giải pháp cải thiện bầu không khí hiện tại”. Xanh-tơ-ni
khước từ!
Như vậy là vận mệnh dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng. Một lần nữa nhân dân ta
lại đồng lòng nhất trí đứng lên. Dân tộc ta, nhân dân ta không muốn và càng
không thể trở lại chuỗi ngày nô lệ lầm than, nghiệt ngã.
Tất cả sẵn sàng
Trưa ngày 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các Khu và Tỉnh ủy:
Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta.
Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc
chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng”.
Ngay chiều hôm ấy, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội quốc gia
Việt Nam lệnh cho toàn thể lực lượng vũ trang. Nội dung bản mật lệnh như sau:
“Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21/12. Hàng mang mã hiệu A cộng hai, B trừ
hai. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ”. Ta quy ước “chuyến hàng sẽ đến” có
nghĩa là tổng tiến công bắt đầu. A là giờ cộng thêm hai, B là ngày trừ đi hai.
Tức là cuộc Tổng tiến công bắt đầu lúc 20 giờ ngày 19/12/1946. Mệnh lệnh lịch sử
đã được chuyển hỏa tốc đến các chiến khu, đơn vị.
Nhận rõ tác dụng mau lẹ của Đài phát thanh, để bảo đảm khắp nơ