2018 FIFA World Cup Russia: Ngày hội cảm xúc cùng những sắc màu

06/07/2018 - 06:30

 Neymar là cầu thủ đắt giá nhất trong số cầu thủ của các đội dự tứ kết FIFA World Cup 2018.

Neymar là cầu thủ đắt giá nhất trong số cầu thủ của các đội dự tứ kết FIFA World Cup 2018.

Vậy là đội bóng của “quê hương bóng đá” là cái tên cuối cùng được xác định có mặt ở vòng tứ kết Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 21 đang diễn ra tại nước Nga. Đội tuyển Anh xứng đáng tiếp tục thẳng tiến trên con đường chinh phục cúp vàng sau khi loại đội Colombia cũng là vượt qua “nỗi ám ảnh trên chấm phạt đền” đã đè nặng trên đôi chân của các tuyển thủ xứ sương mù suốt hơn 20 năm qua.

Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lung linh sắc màu cùng nhiều cung bậc cảm xúc với quả bóng Telstar 18 trắng đen đang lăn vào giai đoạn quyết liệt...

Tôi rất đồng tình với ý kiến cho rằng World Cup (WC) là ngày hội của những cảm xúc và sắc màu. Có lẽ cụm từ “màu cờ sắc áo” là phù hợp nhất đối với môn thể thao vua. Thấy áo carô trắng đỏ là biết Croatia cũng như thấy áo vàng, quần xanh, vớ trắng thì chắc là đoàn quân Selecao (Brazil). Và trong những màu sắc tưởng chừng như choáng ngợp trên những khán đài chật kín người xem là những sắc màu đặc trưng mà sự vắng mặt của nó ít nhiều mang lại nỗi nuối tiếc. Không được chứng kiến “cơn lốc màu da cam” (Hà Lan) cùng đoàn quân Azzurri (Ý) - sắc màu thiên thanh tung hoành trên sân cỏ mùa hè nước Nga kỳ WC này có lẽ là điều đầu tiên gây hụt hẫng trong lòng nhiều fan hâm mộ trái bóng tròn.

Đội bóng Iceland lần đầu tiên xuất hiện ở WC với “sắc màu” độc đáo: Quốc gia ít dân nhất giành vé dự WC. Chỉ vỏn vẹn trên 300 nghìn dân, gấp rưỡi dân số TP. Bến Tre, các chiến binh băng đảo đã cầm hòa 1-1 trước ứng cử viên chức vô địch Argentina trong trận đầu ra quân. Chứng kiến những giọt nước mắt của những chàng trai Panama lúc làm lễ chào cờ mới hiểu thế nào là cảm xúc tự hào khi là “11 niềm hy vọng” của Tổ quốc. Càng khâm phục hơn khi biết quốc gia sở hữu kênh đào nối liền giữa hai bờ đại dương vùng Concacaf đã loại Hoa Kỳ giàu có và hơn nhiều về đẳng cấp ở vòng loại. Panama tô hồng thêm trang lịch sử bóng đá nước nhà với 2 bàn ghi được trong lần đầu tiên góp mặt ở đấu trường WC.

Ở giải này, có những luật được FIFA lần đầu tiên mang ra áp dụng. Ta thường quen với những ký hiệu bằng tay của trọng tài nhưng dùng hai tay vẽ một hình chữ nhật trên không là khá lạ lẫm. Điều này cho biết trọng tài sẽ dùng “công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video” gọi tắt là VAR (Video Assistant Referee) để đưa ra quyết định sau cùng. Như vậy, mỗi trận đấu có tất cả 4 trợ lý trọng tài, nếu tính luôn trợ lý trọng tài ở phòng VAR. Phạt “nguội” được áp dụng, đang đá đầu này, “lôi” về đầu sân kia phạt đền sau khi xem lại VAR. Còn cổ động viên thì mới cười đó lại khóc đó. Đúng là cảm xúc tận cùng với bóng đá! Trong trận Pháp gặp Australia ở vòng loại bảng C, 3 bàn thắng của hai đội đều có dấu ấn của “trọng tài” VAR phối hợp với công nghệ Goal-line có từ 4 năm trước. Dù có VAR nhưng vẫn có tranh cãi, âu cũng là nét thi vị của bóng đá. Những người lạc quan cho rằng công nghệ VAR sẽ chấm dứt cái gọi là “lỗi nhận định” của trọng tài và mang lại tiếng còi công tâm hơn, người bi quan lại cho rằng công nghệ xơ cứng sẽ giết chết cảm xúc với bóng đá. Quan điểm của tôi nghiêng về ủng hộ cho công nghệ VAR.

Lần đầu tiên tiêu chí “fair play” dùng để chọn đội bóng vào vòng knock-out khi hai đội bằng nhau về điểm, hiệu số bàn thắng thua, tổng số bàn thắng, các chỉ tiêu đối đầu. Nhật Bản vượt qua Senegal khi đá “ít xấu hơn” với 2 thẻ vàng ít hơn đối phương. Điều đáng nói là cái cách “không chịu đá” với Ba Lan để bảo đảm “thua” sát nút 0-1 là không “fair play” chút nào! Dù sao những hình ảnh các fan Nhật Bản vừa khóc vừa nhặt rác khán đài sau khi đội nhà bị loại cay đắng bởi đội Bỉ và một phòng thay đồ sạch sẽ với lời “cảm ơn” gởi lại cho ban tổ chức sau khi đội Nhật Bản rời đi sẽ là những hành động đẹp đáng để các đội khác noi theo. Cũng cần nói thêm, trước đó ở bảng C, trận Pháp hòa 0-0 với Đan Mạch để cả 2 nắm tay vào vòng trong đã bị khán giả phản ứng và bỏ ra về trước khi hết giờ vì lối đá tiêu cực. Hóa ra, việc các đội “thi đấu cao thượng” trong một giải nặng tính ăn thua như WC chỉ mang ý nghĩa lý thuyết.

Những cặp đấu cùng giờ ở lượt cuối vòng bảng cũng mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Các đội Maroc, Peru, Costa Rica, Tunisia, Nigeria, Ba Lan… vẫn chiến đấu ngoan cường trước khi tạm biệt nước Nga về nước. Đội tuyển Iran với những bàn thắng ở những phút 90+ có thể ra về trong tư thế ngẩng cao đầu và xứng đáng được chào đón tại quê nhà như những người hùng.

Sốc nhất có lẽ là lúc các đội bóng mạnh bị loại, cụ thể là đội đương kim vô địch. Trận ra quân thua Mexico 0-1 đã làm các cổ động viên Đức thoáng giật mình nhưng họ vẫn còn tự an ủi rằng “cỗ xe tăng” càng vào sâu đá càng hay. Rồi điều gì đến sẽ đến, khi đối đầu với đội thuộc nhóm 4 khi bắt thăm chia bảng là Hàn Quốc, Toni Kroos cùng đồng đội không thể nào đưa bóng được vào lưới đối phương và cuối cùng đành thúc thủ với tỷ số 2-0 trong một thế trận “được ăn cả, ngã về không”. Đội Đức với 10 trận toàn thắng ở vòng loại chính thức trở thành cựu vương.

Sẽ là thiếu sót nếu không nói về Lionel Messi với lần tham dự WC lần thứ 4 với đội tuyển Argentina. Được đánh giá là một trong những cầu thủ xuất sắc mọi thời đại và là cầu thủ hay nhất thế giới trong thời đại của anh nhưng mơ ước cùng đồng đội nâng cao cúp vàng ở một kỳ WC của M10 sẽ mãi mãi là… ước mơ. Nhìn dáng anh lầm lũi đi vào tầng hầm sau khi thua Pháp của chân sút 19 tuổi Kylian Mbappé với tỷ số 3-4 ở vòng 16 đội tôi chợt nhớ đến tên một bài hát nổi tiếng: Don’t cry for me, Argentina. Nhưng tôi biết chắc một điều, sẽ có nhiều giọt nước mắt tiếc nuối của người hâm mộ dành cho Messi và đội tuyển áo sọc trắng xanh của họ.

Một danh thủ khác cũng thường được giới mộ điệu mong đợi tỏa sáng ở các kỳ WC gần đây chính là Cristiano Ronaldo. CR7 thành công nhiều ở cấp câu lạc bộ và là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá của FIFA nhưng với đội tuyển Bồ Đào Nha tranh tài các kỳ WC đội trưởng Ronaldo đều lỗi hẹn. Thật ra, chỉ là yêu mến tài năng mà hy vọng vậy thôi bởi vì bóng đá là một môn thể thao tập thể và một Ronaldo không thể kéo cả đội về đích.

Một chia tay khác cũng đã để lại những giọt nước mắt trên những khuôn mặt chết lặng trên khán đài. Đó là đội tuyển Tây Ban Nha với lối chơi Tiki-Taka huyền ảo. Mười năm làm mưa làm gió với 2 chức vô địch Euro, 1 chức vô địch WC phải chăng lối chơi đẹp này đã đến lúc cáo chung? Vẫn còn đó Andres Iniesta nhưng đã thấp thoáng gánh nặng tuổi tác trên những bước chạy. Thật là khó khăn khi từ giã đội tuyển cùng với những vinh quang trong quá khứ. Nhưng biết đâu được, thế hệ đàn em của Iniesta sẽ trưởng thành sau khi thua đội chủ nhà Nga bằng những loạt sút penalty định mệnh. Trận này, đội tuyển Nga chơi phòng ngự phản công hiệu quả và chiến thắng xứng đáng. Đội chủ nhà càng vào sâu thì giải đấu càng hấp dẫn, hy vọng những chú gấu Nga vẫn mạnh mẽ bước tới.

Một chi tiết khá thú vị là trong 32 đội đến Nga, lần đầu tiên có 4 quốc gia thuộc thế giới Ả Rập (Ai Cập, Maroc, Saudi Arabia và Tunisia). WC 2022 tổ chức tại Qatar, cũng là một quốc gia Ả Rập, biết đâu người hâm mộ sẽ chứng kiến sự trỗi dậy trong bóng đá của các quốc gia giàu có trong thế giới này.

Thưởng thức một bàn thắng trong bóng đá có lẽ là cảm xúc thăng hoa nhất đối với khán giả. Trên sân các cầu thủ tiền đạo luôn luôn khao khát ghi bàn để lập công cho toàn đội cũng như hy vọng được là người đá lọt lưới đối phương nhiều nhất. Kết thúc vòng 1/8, Harry Kane (Anh) đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới WC 2018 với 6 lần lập công. Hy vọng với sự bám đuổi của Romelu Lukaku (Bỉ) đứng thứ hai với 4 lần tung lưới đối phương sẽ làm cuộc đua tìm chủ nhân của “chiếc giày vàng” WC càng thêm hấp dẫn.

Đêm nay, sau hai ngày tạm nghỉ, vòng tứ kết sẽ được khởi động với các cặp đấu khá ngang tài: Uruguay - Pháp, Brazil - Bỉ, Thụy Điển - Anh và Nga - Croatia. Hai trận đầu là sự đối đầu kinh điển của Châu Âu và Nam Mỹ. Về tình cảm cá nhân, tôi mong đội “những con quỷ đỏ” của Eden Hazard (Bỉ) sẽ lần đầu tiên nâng cao cúp vô địch. Một kỷ nguyên sắc màu mới được bắt đầu.

Bóng đá vốn nhiều bất ngờ khó dự đoán. Có lẽ các bạn cũng có đội bóng yêu thích của riêng mình. Chúc các bạn có những giây phút sống trọn vẹn cùng bóng đá như lời bài hát chính thức của 2018 Fifa World Cup “Live It Up”: One life, live it up, cause we got one life…

Nguyễn Võ Khang Hạ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN