5 câu không nên nói trong buổi phỏng vấn xin việc

05/07/2022 - 15:34

BDK.VN - Phỏng vấn xin việc là quá trình giao tiếp hai chiều mà ở đó nhà tuyển dụng sẽ đặt ra nhiều thử thách cho ứng viên. Điều quan trọng không phải là ứng viên nói nhiều, nói liên tục để thuyết phục nhà tuyển dụng, mà quan trọng là chất lượng của những ngôn từ ấy. Đôi khi do áp lực tâm lý khiến ứng viên kiểm soát không tốt ngôn ngữ của mình và “buột miệng” nói ra điều không nên nói. Dưới đây là những điều như thế.

“Tôi biết bằng cấp, kinh nghiệm của mình chưa phù hợp”

Theo các chuyên gia từ các công ty tuyển dụng việc làm thì đây là câu nói mà nhiều ứng viên đặc biệt là ứng viên thiếu kinh nghiệm thường mắc phải. Họ cho rằng khi thừa nhận sự yếu kém của bản thân sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao ở tính trung thực và chân thành. Tuy nhiên ở vị trí tuyển dụng, rất khó để họ lựa chọn ứng viên tự hạ thấp năng lực, thiếu hoặc không tự tin vào bản thân. 

Bởi có thể bằng cấp, kinh nghiệm bạn còn non nớt hay trái chuyên ngành nhưng thay vì tự khai điều đó ra thì bạn nên ưu tiên thể hiện khả năng học hỏi, sự cầu thị cũng như năng lực nổi bật khác để nhà tuyển dụng nhìn nhận.

“Sếp cũ của tôi thật tồi tệ, doanh nghiệp đó sớm phá sản thôi”

Thực tế, nhiều môi trường doanh nghiệp không tốt khiến ứng viên chủ động xin nghỉ việc. Thậm chí mâu thuẫn với sếp cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến. Tuy nhiên đây lại là nội dung “cấm kỵ” bạn không nên nói với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.

Bởi việc “sếp cũ” tồi tệ hay không hoàn toàn là đánh giá chủ quan của bạn. Nhà tuyển dụng rất khó xác định được sự trung thực trong câu chuyện đó. Chưa kể nội dung này mang đến cảm xúc tiêu cực cho buổi phỏng vấn. Hơn nữa, bạn càng không nên nói rằng doanh nghiệp cũ phá sản. Câu nói này rất dễ khiến bạn bị loại ngay lập tức. Nó chứng tỏ bạn là một nhân sự xấu tính, thích đổ lỗi cho người khác, hiếu thắng thậm chí là thù hằn cá nhân cao. Thay vào đó khi được hỏi về doanh nghiệp cũ bạn chỉ cần khéo léo chia sẻ do không phù hợp và muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho sự nghiệp là đủ.

Xem ảnh nguồn

“Công ty này hoạt động ở lĩnh vực nào và công việc tại vị trí tôi ứng tuyển là gì”

Đặt câu hỏi tìm hiểu sâu hơn về vị trí công việc cũng như doanh nghiệp là tốt nhưng nội dung trên lại khiến bạn mất điểm trầm trọng. Câu hỏi đó khác nào bạn “thừa nhận” chưa có sự chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn, chưa hiểu gì về vị trí ứng tuyển. Nhà tuyển dụng đánh giá bạn không nghiêm túc với buổi phỏng vấn xin việc, thậm chí là coi thường họ.

Thay vào đó, bạn có thể yêu cầu nhà tuyển dụng làm rõ một trong nhiều nội dung được mô tả ở tin tuyển dụng.

“Tôi không biết/không chắc làm được” 

Khi trao đổi chi tiết về công việc, bạn thể hiện sự mơ hồ, thiếu sẵn sàng kiểu như “Tôi không chắc làm được việc này” “Tôi rất khó để có thể làm thêm giờ”... thì điều này sẽ khiến bạn gặp khó khăn.

Nhà tuyển dụng sẽ không lựa chọn những ứng viên như vậy. Bạn nên khẳng định mình luôn biết cách sắp xếp thời gian, nếu có việc phát sinh thì sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành đúng tiến độ. Kể cả công việc vượt ra ngoài bảng mô tả thì bạn cũng sẵn sàng hỗ trợ phòng ban hay doanh nghiệp.

Xem ảnh nguồn

“Mục tiêu của tôi là kiếm tiền”

Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ có câu hỏi về kế hoạch tương lai, mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Những câu trả lời bạn nên tránh là “Tôi chưa rõ” “Tôi chưa nghĩ nhiều về tương lai” hay “Mục tiêu của tôi đơn giản chỉ là kiếm tiền”. Bởi câu trả lời này chỉ thể hiện bạn là người không có kế hoạch cho công việc, sự nghiệp. 

Đúng là nhân sự nào đi làm cũng cần “kiếm tiền” nhưng câu trả lời không nên “ngắn ngủn” và “trần trụi” như vậy. Bạn nên lồng ghép thêm những giá trị khác như nâng cấp bản thân, đóng góp giá trị nhỏ cho ngành nghề, doanh nghiệp hay xã hội.

Để lựa chọn được nhân sự xuất sắc, nhà tuyển dụng sẽ giăng rất nhiều “bẫy”. Bạn nên tỉnh táo và tự tin để vượt qua buổi phỏng vấn xin việc. Trong đó đừng quên lưu ý những câu nói “cấm kỵ” trên để không buột miệng trong buổi phỏng vấn. Chúc bạn thành công!

Nguyễn Lý

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích