BDK - Ngày 26-3-1988, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký Quyết định số 39/NH-TCCB thành lập Chi nhánh Ngân hàng Phát triển nông nghiệp tỉnh Bến Tre - Agribank Bến Tre (tiền thân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Bến Tre ngày nay). Từ một ngân hàng có xuất phát điểm thấp, với nguồn vốn khoảng 3,1 tỷ đồng, dư nợ 15 tỷ đồng, nợ xấu có lúc lên đến 50%, trải qua 35 năm hình thành và phát triển, đến nay, Agribank Bến Tre có sự phát triển vượt bậc, giữ vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Tổng nguồn vốn huy động đạt 18.998 tỷ đồng, tăng gấp 6.333 lần, dư nợ đạt 18.679 tỷ đồng, tăng gấp 1.178 lần với ngày đầu thành lập. Trong đó, dư nợ lĩnh vực NNNT chiếm hơn 94% tổng dư nợ.
Agribank Chi nhánh Bến Tre trao xe cứu thương cho Trung tâm y tế huyện Ba Tri và Giồng Trôm.
Gắn với sứ mệnh “tam nông”
Giám đốc Agribank Bến Tre Vũ Hồng Dụ cho biết: Trong suốt hành trình 35 năm gắn với sứ mệnh “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), Agribank Bến Tre luôn kiên định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính NNNT và tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Chi nhánh tiên phong thực hiện chương trình tín dụng trọng điểm, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương với 4 chương trình tín dụng.
Bám sát chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, chi nhánh đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ xây dựng NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 đến 100% xã. Trong đó, có kế hoạch đầu tư tín dụng cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn liền với định hướng phát triển cho vay theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến ngày 31-12-2022, dư nợ cho vay xây dựng NTM đạt gần 5 ngàn tỷ đồng, với hơn 9.600 khách hàng. Trong đó, dư nợ cho vay chương trình OCOP là 150 tỷ đồng, với 8 khách hàng. Tổng dư nợ cho vay NNNT chiếm tỷ trọng 95%/tổng dư nợ tín dụng toàn chi nhánh.
Agribank Bến Tre đã báo cáo và xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cho vay qua tổ các cấp, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ phía Nhà nước cũng như có được cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động cho vay qua tổ của chi nhánh. Đến ngày 31-12-2022, 100% các huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cho vay qua tổ. Trong đó, phó chủ tịch phụ trách kinh tế UBND các cấp làm trưởng ban chỉ đạo, thành viên là lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Giám đốc Chi nhánh Agribank trên địa bàn. Dư nợ cho vay qua tổ đến cuối năm 2022 đạt trên 6.300 tỷ đồng, với hơn 1.100 tổ, gần 47 ngàn thành viên; chiếm tỷ trọng 34%/tổng dư nợ; 101%/tổng dư nợ cho vay hạn mức quy mô nhỏ và không có tài sản đảm bảo theo Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT.
Agribank Bến Tre đã triển khai chương trình cho vay liên kết theo chuỗi giá trị. Chi nhánh đã triển khai ký kết được chuỗi liên kết dừa với doanh nghiệp (DN) dẫn dắt là Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre và 12 chuỗi đang trong quá trình hình thành, gồm: 1 chuỗi liên kết sản xuất tôm, 8 chuỗi liên kết dừa, 1 chuỗi liên kết lúa gạo và 1 chuỗi liên kết chăn nuôi - thu mua bò, 1 chuỗi nghêu. Dư nợ cho vay chuỗi liên kết đạt 503 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,7%/tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, Agribank Bến Tre còn tích cực trong việc cho vay thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN. Từ năm 2017 đến nay, Agribank đã cho vay 2.900 tỷ đồng, với 2.273 khách hàng còn dư nợ; trong đó dư nợ cho vay đối với khách hàng DN hơn 1.300 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, các chương trình tín dụng trọng điểm đã được triển khai rộng rãi đến tận người dân, DN. Nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ đã góp phần tạo diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp, những tuyến đường bê-tông được mở rộng, trải dài đến từng xóm, ấp. điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa các khu dân cư được đầu tư xây dựng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hiện đại hóa. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, kinh tế số, nông nghiệp sạch, công nghệ cao từng bước được hình thành. Môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Văn hóa “nghĩa tình”
Không dừng lại nhiệm vụ kinh doanh hiệu quả, phục vụ tốt cho tín dụng NNNT, Agribank Bến Tre còn quan tâm việc thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, công tác an sinh xã hội (ASXH). Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Agribank Bến Tre. Trong suốt chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, chi nhánh đã liên tục, tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động xã hội từ thiện giàu ý nghĩa nhân văn, đảm bảo ASXH, vì sự phát triển của cộng đồng trên địa bàn. Agribank Bến Tre trong giai đoạn 2017 - 2022 đã dành hơn 40,2 tỷ đồng để thực hiện công tác ASXH, chủ yếu dành hỗ trợ ASXH trong lĩnh vực: giáo dục (xây trường học, tài trợ thiết bị dạy học…), y tế (tài trợ xe cứu thương, thiết bị y tế), xây nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, hộ nghèo; ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19; mua thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người nghèo… Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, chi nhánh đã thực hiện công tác ASXH với số tiền hơn 79 tỷ đồng…
Ngoài ra, để hỗ trợ người dân, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank Bến Tre đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi như: cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh, với lãi suất ưu đãi; giảm 10% lãi suất đối với dư nợ hiện hữu; chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; chương trình giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; chương trình miễn giảm phí dịch vụ chuyển tiền, thanh toán... Gần như 100% khách hàng có dư nợ đến hạn từ năm 2021 đến nay đều được chi nhánh hỗ trợ, trừ những khách hàng có nợ xấu. Đến ngày 31-12-2022, tổng số tiền lãi đã giảm tại Agribank Bến Tre hơn 90 tỷ đồng.
Truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã được Agribank Bến Tre xây dựng, gìn giữ trong suốt chặng đường 35 năm trưởng thành và phát triển. Qua đó, thể hiện nét đẹp văn hóa “nghĩa tình” của Agribank.
Hiện Agribank có quy mô hoạt động lớn, mạng lưới phủ khắp địa bàn tỉnh, gồm: 1 hội sở tỉnh, 10 chi nhánh loại II và 18 phòng giao dịch; chiếm trên 30% thị phần nguồn vốn và tín dụng. Agribank Bến Tre là một ngân hàng hiện đại, được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất và công nghệ. Chi nhánh có 8 máy CDM, 35 máy ATM, 288 máy POS, với tổng số 612.409 thẻ đã được phát hành. Chi nhánh cũng là ngân hàng đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai hệ thống ngân hàng số.