Ấm nghĩa tình ngày họp mặt

02/05/2016 - 06:56

Vui mừng hàn huyên trong ngày gặp lại đồng đội sau nhiều năm xa cách.

41 năm kể từ ngày giải phóng, đây là lần đầu tiên có một cuộc họp mặt với khá đông đủ những người làm công tác trong Ban Binh vận (BBV) Mỏ Cày Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Xúc động, ý nghĩa và ngời sáng tình đồng chí, đồng đội, cuộc họp BBV Mỏ Cày Nam (ngày 30-4-2016) đã để lại nhiều cảm xúc cho người tham dự.

Đến dự để cùng chia sẻ niềm vui với hơn 50 cô chú nguyên là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ BBV trong ngày họp mặt có ông Võ Văn Kiệt - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam, ông Võ Văn Út - Chủ tịch UBND huyện. Tuy phần đông những cô chú trong BBV hiện sinh sống trong tỉnh nhưng mỗi người mỗi việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau nên hầu hết đều không có điều kiện gặp gỡ. Thời gian đi qua, những mái đầu xanh ngày ấy giờ đã điểm bạc nhưng dường như kỷ niệm, ký ức và tình cảm của những người đã từng gắn bó với nhau trong BBV thì vẫn còn nguyên vẹn.

Chứng kiến những cái ôm thật chặt, những cái siết vai và có cả những giọt nước mắt xúc động của các cô, các chú trong BBV trong phút giây gặp lại nhau, những người trẻ hiện diện nơi đây cũng dâng trào niềm cảm xúc. Hình ảnh ấy đã tôn vinh một điều ý nghĩa: tình cảm đồng đội của các cô chú vẫn còn mãi với thời gian.

Ban binh vận ngày ấy…

Rưng rưng niềm xúc động, ông Nguyễn Tiến Dũng (bí danh Bảy Hùng) - nguyên Phó BBV Mỏ Cày Nam ôn lại truyền thống lịch sử của BBV, từng sự việc, chi tiết được nhắc lại như đưa những người có mặt ngược dòng thời gian trở về ngày trước.

Công tác binh vận là một trong ba mũi giáp công được sử dụng hiệu quả ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. BBV đã đóng góp phần ý nghĩa quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của quê hương. Ông Dũng đã nhấn mạnh từng chi tiết quan trọng như khẳng định rằng, đây là điều không thể nào quên. Ông nêu rõ: Giai đoạn đầu của Việt Nam hóa chiến tranh, phong trào cách mạng địa phương có chiều hướng thoái trào, tưởng chừng như không thể vượt qua được. Nhằm từng bước ổn định tinh thần quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng cách mạng, vào tháng 10-1970, cơ sở nội tuyến của tỉnh kết hợp với lực lượng vũ trang bên ngoài diệt gọn đồn Đầu Tre (xã An Thới). Chiến công này mang tính ngăn chặn, phủ đầu, nhằm hạn chế sự hung hăng của địch. Lúc bấy giờ, địch xác định, mũi binh vận là vô cùng nguy hiểm đối với chúng. Chúng ra sức truy nã, trừng trị, thanh lọc số binh tề mà chúng cho là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”.

Khi ấy, cơ sở hoạt động trong lòng địch ở bối cảnh “trên đe dưới búa” làm cho một số cơ sở co cụm, hoạt động cầm chừng. Nhưng dù hoàn cảnh nào, dù địch có đàn áp, khủng bố dã man đến đâu vẫn không khuất phục được lòng yêu nước, ý chí ngoan cường, dũng cảm của lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân ta. Từ tinh thần đó, BBV huyện Mỏ Cày Nam với 81 người gồm: Ban lãnh đạo, văn phòng, cán bộ phong trào, cán bộ mật giao và đội nghĩa binh đã vượt bao gian nguy, thử thách để tổ chức xây dựng và phát triển, quản lý, chỉ đạo hàng trăm cơ sở trong lòng địch; đảm bảo giữ vững các thành phần: nội tuyến, cảm tình và đồng tình đều có gắn liên lạc mật giao, thoát ly, bán thoát ly hoặc thông qua gia đình.

Với phương châm quân sự kết hợp với binh vận, lực lượng cách mạng của ta đã diệt gọn nhiều đồn, bẻ gãy nhiều trận càn của địch. Ngoài việc kết hợp để diệt đồn, đội ngũ cơ sở bên trong còn chuyển gửi ra địa bàn hàng ngàn vũ khí, quân trang, quân dụng và y cụ, thuốc men phục vụ chiến đấu.

Ký ức sống mãi, nghĩa tình vẹn nguyên

Danh sách những người trong BBV vẫn còn đó những tên gọi, bí danh đã được lưu lại, nhưng giờ đây, những con người trong số ấy đã không còn đủ nữa. Chỉ riêng Ban lãnh đạo BBV gồm 9 người thì hiện giờ chỉ còn vỏn vẹn 2 người (ông Bảy Hùng và ông Hai Xinh). Vì thế, như nhiều cô chú chia sẻ, điều quan trọng bây giờ là sự quan tâm nhau nhiều hơn nữa giữa những đồng đội trong BBV và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo với BBV, đặc biệt là làm thế nào để “truyền lại” những truyền thống lịch sử của BBV, lòng yêu nước, kiên cường trước mọi khó khăn, thách thức của BBV nói riêng, lực lượng cách mạng nói chung đến với thế hệ trẻ.

Cô Huỳnh Thị Phê - cán bộ binh vận mật giao chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm kích trước sự quan tâm của các cấp lãnh đạo dành cho BBV. Chúng tôi cũng rất tự hào khi thành tích của BBV huyện Mỏ Cày Nam đã góp công xứng đáng vào thành tích chung của Binh vận Bến Tre”.

Với những chiến công đã đi vào lịch sử, Binh vận Bến Tre đã trở thành đơn vị điển hình trên chiến trường Trung Nam Bộ, được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. “Mặc dù hơn 40 năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên các đồng chí, đồng đội của mình, càng không quên những kỷ niệm vui buồn trong những năm tháng tham gia công tác mật giao ở tổ chức Binh vận Mỏ Cày Nam” - cô Phê nói.

Nhìn về hiện tại, cô Phê bày tỏ: “Chiến tranh đã đi qua, đến thời kỳ xây dựng để phát triển quê hương, chúng ta bước vào một “trận chiến” mới: chống đói nghèo, lạc hậu. Từng gia đình phải vượt lên khó khăn, ổn định và phát triển kinh tế, góp sức xây dựng làng xóm, quê hương. Tôi mong muốn và tin tưởng những đồng đội còn khó khăn của chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu cùng gia đình làm kinh tế tốt, vượt qua khó khăn và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ phía đồng đội và địa phương. Chúng tôi sẽ động viên nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tham gia tốt các phong trào cách mạng tại địa phương, sống gương mẫu cho con cháu noi theo”.

Buổi họp mặt đã để lại những cảm xúc thật đẹp cho những người tham dự, mang ý nghĩa lan tỏa, động viên và hun đúc mỗi người thêm sự lạc quan, tin tưởng về tình người, tình đoàn kết giữa những người cùng chí hướng luôn luôn sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của đất nước. Họ đã sống thật đẹp và để lại đời những điều thật đẹp!

Được biết, trong thời gian tới, các cô chú trong BBV sẽ xin ý kiến hướng đến việc thành lập Ban liên lạc BBV Mỏ Cày Nam.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN