An Đức làm gì để tận dụng lợi thế kinh tế hai vùng đất mặn, ngọt

05/08/2012 - 14:53
Mô hình trồng màu cho hiệu quả kinh tế cao ở xã An Đức.

Xã An Đức (Ba Tri) có điều kiện tự nhiên khá đặc biệt, diện tích đất nông nghiệp được chia đều cho cả hai vùng đất mặn, ngọt. Những năm 2000, kinh tế của xã phát triển không đồng đều, bấp bênh. Bên ngọt, chỉ trồng được lúa một vụ. Bên mặn dường như chẳng có gì. Bởi thế, An Đức được biết đến là một trong những xã nghèo nhất nhì của huyện, tỉnh.

Tôi nhớ rất rõ, trong một lần về làm việc với xã, lãnh đạo tỉnh nhận định: Nếu An Đức tận dụng được lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế thì mới mong địa phương thoát khỏi diện xã nghèo. Năm 2007, tỉnh có chương trình hỗ trợ để An Đức thoát nghèo bằng Dự án trồng mía - khoảng 10ha, tập trung ở hai ấp Giồng Xoài và Giồng Cốc, với tổng số vốn hơn 1 tỷ đồng. Dự án “bị đổ vỡ” do thiếu cơ sở hạ tầng, trồng nhỏ lẻ, phía bên B không thực hiện đúng theo cam kết…. An Đức vẫn nghèo!

Những tín hiệu vui

Từ sau năm 2007, kinh tế xã An Đức có những dấu hiệu lạc quan, nhiều dự án đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi của tỉnh, huyện đã giúp An Đức phục hồi nhanh về kinh tế. Thủy sản được “vực dậy” mạnh mẽ khoảng 3 năm gần đây trên diện tích 305ha, từ nuôi cá da trơn, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến. Hiện nay là tôm công nghiệp, tập trung ở các ấp Giồng Ké, Giồng Cả, Giồng Xoài, sản lượng đạt 4 đến 5 tấn/ha/vụ (6 tháng đầu năm 2012 sản lượng đạt gần 1.300 tấn, dù diện tích nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh trên tôm là hơn 80ha). Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã tâm sự: Sở dĩ kinh tế thủy sản phát triển được là do những năm gần đây, hệ thống đê bao, các tuyến kênh nội đồng được đầu tư xây dựng, nạo vét thông thoáng. Để phát huy hết lợi thế kinh tế của vùng đất mặn này, hướng sắp tới, huyện dự kiến sẽ đầu tư hệ thống đê bao từ thị trấn Ba Tri đến xã An Thủy, nếu khép kín được, bà con ba ấp nêu trên cũng được hưởng lợi rất lớn (tôm công nghiệp sẽ nuôi được 2 vụ/năm, tôm thẻ chân trắng nuôi 3 vụ/năm). Riêng về công tác thủy lợi, 6 tháng đầu năm nay, bằng nhiều nguồn vốn, xã đã nạo vét xong 4/8 tuyến kênh phục vụ cho nuôi trồng thủy sản (sắp tới, 4 tuyến kênh còn lại cũng được nạo vét). Phía bên vùng đất ngọt - trồng lúa, hệ thống thủy lợi được đảm bảo khá tốt, 13 tuyến kênh tẻ, kênh nhánh chạy sâu vào đồng ruộng, cơ bản đảm bảo đủ nước cho tưới tiêu (đồng thời cũng để cải tạo vùng đất vốn nhiễm phèn, mặn). Đặc biệt, An Đức hưởng lợi rất lớn từ Dự án 418 - Dự án thủy lợi Cầu Sập (nối tuyến kênh trục của xã với Giồng Trôm) đang phát huy tốt trên cánh đồng An Đức. Mặt khác, huyện lộ 14 (đê quốc phòng) sắp tới cũng sẽ được nâng cấp cao hơn, sẽ ngăn được mặn, cánh đồng lúa của xã chắc chắn làm được lúa ba vụ, sẽ cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế cho bà con bên vùng ngọt - trồng lúa.

Về chiến lược phát triển kinh tế của xã, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, địa phương cũng định hướng là phát triển kinh tế toàn diện, đồng đều giữa hai vùng mặn - ngọt. Nhưng phía bên ngọt - trồng lúa, sẽ được “ưu ái” hơn bởi đây vẫn là mũi nhọn kinh tế của địa phương, của huyện và có tính bền vững. Hiện dù chưa làm được lúa ba vụ như mong đợi nhưng việc trồng xen với phong trào “đưa cây màu xuống ruộng” sau vụ Đông Xuân, đã và đang được bà con áp dụng rộng rãi, lợi ích kinh tế khá lớn. Xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện để bà con áp dụng, nhân rộng phong trào. Cụ thể nhiều mô hình trồng dưa leo, bắp, khổ qua… của bà con ấp 6 và ấp 7 cho kết quả tốt. Như để tiếp sức cho bà con nông dân, hàng năm, xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện mở từ 4-5 lớp về kỹ thuật trồng màu, về chăn nuôi… Ông Dũng cho biết thêm, ý định là đầu năm 2013, nếu được huyện hỗ trợ, địa phương cũng mong muốn triển khai và áp dụng mô hình “cánh đồng mẫu” trên cánh đồng An Đức (theo thông tin từ anh Trần Vũ Thanh - cán bộ kỹ thuật của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, cánh đồng An Đức có điều kiện triển khai được mô hình). Với sự “vực dậy” từ kinh tế, những năm gần đây, đời sống của bà con trong xã có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm xuống còn 30,46% (kéo giảm được 4% so với năm 2011). Song song đó, nhiều chương trình, mục tiêu giúp An Đức thoát nghèo cũng được trên ưu ái, hỗ trợ và thật sự mang lại hiệu quả rất lớn, góp phần để An Đức thoát nghèo như các nguồn vốn từ IFAD để mở lớp đan đát cho 30 lao động, một mô hình nuôi gà công nghiệp từ chương trình 1956, vốn gần 50 triệu đồng, Dự án hỗ trợ, cải tạo chất lượng đàn bò của xã.

Nông thôn mới “hãy còn quá xa”

Hiệu quả trong phát triển kinh tế đã thể hiện khá rõ, nhưng trên bình diện chung về văn hóa - xã hội, An Đức vẫn chưa “thay da, đổi thịt”. Ông Nguyễn Văn Dũng trăn trở: Năm 2013, cả hệ thống chính trị xã dồn sức để phấn đấu đạt chuẩn xã văn hóa, nhưng thú thật, nhiều thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng nông thôn… của địa phương vẫn đang gặp khó. Hiện nay, giao thông nông thôn trong xã đã hư hỏng, cụ thể là đường về xã (Huyện lộ 14) cũng chưa hoàn chỉnh và đang xuống cấp, cần phải đầu tư xây dựng, các tuyến đường liên ấp, xóm được đánh giá là “còn quá ọp ẹp”. Cơ sở vật chất văn hóa đều thiếu trầm trọng: trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, môi trường, cảnh quan… Do đó, mục tiêu lớn về xây dựng nông thôn mới, trong tầm nhìn 2020, còn quá xa đối với An Đức.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN