An Đức: Nhiều nơi trồng rau màu đạt hiệu quả

02/08/2013 - 07:52

Từ khi hệ thống thủy lợi Cầu Sập được đưa vào sử dụng, hầu hết diện tích đất trồng rau màu ở xã An Đức (Ba Tri) đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình trong phong trào chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp và đất giồng cát tạp kém hiệu quả sang trồng rau màu là hộ anh Đặng Văn Thảo (ngụ tại ấp Giồng Cóc). Từ 500m2 đất giồng cát tạp, anh đã đầu tư chuyển sang đất trồng rau màu, với hai loại rau màu chủ lực là đậu bún và khổ qua, đem lại hiệu quả khá cao.

Phương pháp cải tạo đất giồng cát tạp của hộ anh Thảo khá đơn giản. Anh sử dụng phân hữu cơ và phân chuồng (sẵn có tại địa phương) được ủ với nấm để trộn vào lớp đất mặt. Sau đó, anh Thảo sử dụng vôi để xử lý mầm bệnh trước khi lên liếp trồng rau. Các liếp đều được phủ bạt nông nghiệp để hạn chế cỏ và sâu, bọ cũng như mầm bệnh từ đất có thể gây hại cho cây trồng.

Vụ rau màu này, anh Thảo trồng đậu bún; mỗi ngày anh thu được từ 30 đến 40kg. Nếu được chăm sóc tốt, đậu bún sẽ cho năng suất ổn định liên tục trên 30 ngày. Với giá đậu bún từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, anh có nguồn thu mỗi ngày tương đối khá.

Hiện nay, nhiều hộ nông dân tại xã An Đức đã mạnh dạn chuyển từ diện tích giồng tạp hay đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu với tổng diện tích lên đến 36 hecta. Việc trồng rau màu mang lại lợi nhuận cao từ 5 đến 6 lần so với trồng lúa. Điều này cho thấy, việc vận động nhân dân chuyển diện tích lúa và đất giồng cát kém hiệu quả sang trồng rau màu là hướng đi đúng của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là việc quy hoạch và định hướng vùng trồng, chủng loại rau màu trồng từng vụ để việc trồng màu của người dân đạt hiệu quả.

MINH ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN