 |
Đường về ấp An Khương. |
Cầu Rạch Miễu khánh thành không chỉ là mơ ước của hàng triệu người dân xứ dừa, mà còn là điều kiện, là cơ hội lớn để xã An Khánh cất cánh.
Vâng, điều đó là hoàn toàn đúng và có sơ sở thực tế để chính quyền và người dân bàn các phương cách, như thế nào cho phù hợp để mau chóng đi lên làm giàu không chỉ có kinh tế mà còn là văn hóa đời sống. Quả tình, chúng tôi có nhiều điều bất ngờ khi trở lại nơi này. Từ một vùng đất miệt vườn vốn yên bình với vườn cây trái bốn mùa, bỗng chốc trở thành điểm “nóng” của việc phát triển nhanh chóng các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Hàng trăm quán xá lớn nhỏ chen chúc mọc lên. Đi dọc theo ấp An Thới A mới thấy hết sự thay đổi diện mạo của An Khánh. Ấp nằm cách trung tâm xã khoảng 800m về hướng đông-nơi người dân được gọi là “ngã tư vàng”. Quả thật, nói ngã tư vàng thì không ngoa chút nào, bởi nơi đây là điểm tập trung phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ thuận lợi nhất của đầu cầu Rạch Miễu về hướng tây. Chính vì thế mà đất ở đây cũng trở nên đất vàng, giá mỗi mét vuông cũng trên bảy, tám triệu đồng. Trao đổi với ông Tám Quang- một người dân mới mở quán bán đồ tạp hóa và làm đại lý cho một hiệu kẹo dừa - cho rằng mình đã đoán đúng thời cơ. Nói rồi ông tự hào chỉ tay ra cơ ngơi vừa mới hoàn chỉnh và trang trí bày bán khá lớn, quày hàng được trang trí các bảng quảng cáo thật to. Chỉ dừng lại vài phút nhưng tôi thấy khách ghé vào khá đông, người ta chọn mua nhiều vẫn là đặc sản kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa.
Có lẽ cũng có sự chuẩn bị từ rất lâu, biết được địa phương mình sẽ là điểm “nóng” phát triển mọi mặt của kinh tế, đời sống nên Đảng bộ và chính quyền xã An Khánh tập trung dồn sức rất lớn cả kinh tế, văn hóa. Về An Khánh đi trong vườn ca cao xen trong vườn dừa xanh mượt thấy lòng phấn khởi. Chủ tịch UBND xã Trần Văn Nam cũng không giấu được niềm tự hào khi xã có bước phát triển đáng kể. Ông cho biết, kinh tế, đời sống người dân khá ổn định. Hiện toàn xã có 490 hộ giàu, chiếm 20,1%, hộ khá 913 hộ, chiếm tỷ lệ 37,57%, hộ nghèo chỉ còn 10,16%. Nếu so với chỉ tiêu xã văn hóa 90% hộ có đời sống ổn đình thì An Khánh đạt 89%. Có 1.100 hộ đạt mô hình 50 triệu đồng/ha/năm với diện tích 435 ha, tăng 147 mô hình, bình quân thu nhập đầu người 10,51 triệu đồng/năm. Đăỉc biệt, nếu như toàn xã có 825 ha đất nông nghiệp thì có đến 329 ha dừa, 471ha cây ăn trái. Trong đó diện tích trồng xen ca cao trong vườn dừa và vườn cây ăn trái chiếm tới 285 ha, tăng 100ha. Mô hình trồng bưởi da xanh, măng cụt xen cũng đang phát triển mạnh. Nuôi cá lồng bè cặp theo sông Tiền cũng đang mở rộng. Tuy trong nhiều năm qua xã phát triển chủ yếu là nông nghiệp nhưng cũng tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đáng kể. Đã hình thành 21 cơ sở TTCN, 75 cơ sở gia công hàng thủ công mỹ nghệ, 251 hộ chuyên sống nghề thương mại dịch vụ, tăng 100 hộ. Đời sống văn hóa thay đổi lớn từ khi xã có chủ trương xây dựng xã văn hóa. Đến nay có 9 ấp được công nhận ấp văn hóa, 2.417 hộ được cấp bằng văn hóa, đạt 99,8%. Các chương trình y tế quốc gia đều được thực hiện tốt. Môi trường cảnh quang đều khá tốt và là mô hình điểm trong toàn tỉnh về vườn xanh, sạch, đẹp. 95% các tuyến đường đều được phát quang thông thoáng, có 2.430 hộ sử dụng nước sạch. An Khánh phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Các tổ hòa giải, hội đồng hòa giải hoạt động rất hiệu quả. Các phong trào giúp nhau làm kinh tế được thực hiện hiệu quả cao.
Theo đánh giá bước đầu, các tiêu chí lên xã văn hóa của An Khánh đều đạt, song điều băn khoăn của địa phương hiện nay là con đường nối dài qua trung tâm xã chậm thi công, đường đá đỏ, mùa nắng bụi đường mù mịt, mùa mưa ngập lầy, gây trở ngại giao thông, không tạo vẻ mỹ quan cho bộ mặt mới An Khánh. Nếu như ngoài sự tự nỗ lực phấn đấu đi lên của địa phương, có sự hỗ trợ từ nhiều phía khác, An Khánh sẽ mau chóng trở thành trung tâm, đầu mối phát triển kinh tế- văn hóa, xứng đáng là xã cửa ngõ của Châu Thành trong tương lai gần.