An toàn giao thông cho thanh thiếu niên

28/05/2018 - 07:05

BDK - Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh, trong năm 2017, có 67 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người dưới 18 tuổi, trong đó có 22 vụ tai nạn liên quan đến trẻ em. Trang bị kỹ năng để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho trẻ em cũng chính là một trong những điều mà người lớn cần quan tâm.

Thanh thiếu niên chạy xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm và đùa giỡn trên đường.

Thanh thiếu niên chạy xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm và đùa giỡn trên đường.

Khi trẻ em là nguyên nhân tai nạn

Tháng 9-2017, trên địa bàn thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam đã xảy ra một vụ TNGT đường bộ làm 1 người tử vong. Điều đáng chú ý là người gây ra tai nạn lại là một em học sinh lớp 8. Sự việc xảy ra do em điều khiển xe đạp điện nhưng thiếu chú ý quan sát, đụng vào một ông cụ đang đi bộ cùng chiều phía trước, khiến ông cụ tử vong do chấn thương sọ não.

Một trường hợp khác là vụ TNGT vào tháng 12-2017 trên đường xã An Hiệp, thuộc ấp Giồng Lớn, xã An Hiệp, huyện Ba Tri giữa xe đạp điện và xe máy kéo. Trong tai nạn này, phần lỗi thuộc về em D.P.Q, sinh năm 2008, điều khiển xe đạp điện vượt không đảm bảo an toàn gây ra tai nạn. May mắn, em Q. chỉ bị thương. Đây là hai trong số nhiều vụ TNGT xảy ra mà nguyên nhân thuộc về lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông không an toàn của các em dưới 18 tuổi.

Xe máy điện, xe đạp điện ngày nay là phương tiện giao thông được sử dụng rất phổ biến. Người sử dụng phần lớn là các em học sinh, nhiều phụ huynh mua xe đạp điện cho con để đi học thay thế xe đạp. Một phụ huynh ở Phường 6, TP. Bến Tre cho biết: “Xe đạp điện tiện lợi, đi nhanh, khỏi phải đạp mệt mỏi. Mua cho con chạy đi học cũng khỏe”. Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng nắm được những nguyên lý an toàn khi cho con sử dụng xe đạp điện. Xe đạp điện là xe đạp hai bánh được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h. “Do chạy bằng động cơ điện nên xe chạy rất êm, không nghe âm thanh của máy xe. Cũng vì vậy, nếu chạy với vận tốc cao thì rất dễ gây ra TNGT, nhất là các xe chạy từ phía sau tới”, Đại úy Nguyễn Đặng Hữu Trí - Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết.

Theo quy định tại Điều 30, 31, Luật Giao thông đường bộ thì “người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông” để đảm bảo an toàn. Thế nhưng hiện nay, nhiều em học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm lại là hình ảnh rất dễ bắt gặp, nhất là ở những tuyến đường nông thôn.

Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông của các em thanh thiếu niên còn nhiều điều đáng lo ngại. Đó là tình trạng chạy xe dàn hàng hai, hàng ba, vừa đi vừa nói chuyện, thậm chí đùa giỡn. “Lúc trước, khi chưa có xe đạp điện, đi xe đạp dàn hàng hai, hàng ba cản trở giao thông đã được nhắc nhở nhiều lần. Ngày nay, xe đạp điện dàn hàng ngang trên đường, các em còn chạy vận tốc nhanh thì nguy cơ gây TNGT còn nhiều hơn”, một người dân ở xã Phú Nhuận (TP. Bến Tre) nhận xét.

Không chỉ điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa an toàn, việc lưu thông trên đường, đi bộ không đảm bảo an toàn cũng cần được quan tâm lưu ý. Đó là những trường hợp như đi bộ băng ngang qua đường thiếu quan sát, không đúng nơi quy định, chạy giỡn trên đường phố gây cản trở giao thông. Một thời gian trước đây, trên địa bàn TP. Bến Tre từng có tình trạng một số thanh thiếu niên đi giày trượt patin băng băng trên đường. Các em băng qua đường ngang nhiên, lại xem đó như là một trò chơi mạo hiểm. Sau phản ánh của báo chí và các kênh truyền thông, hoạt động này đã được kiểm soát.

Trang bị kỹ năng giao thông an toàn

Năm 2018 tiếp tục được Ban ATGT quốc gia chọn làm Năm ATGT với chủ đề “ATGT cho trẻ em”, mục tiêu giảm từ 5 - 10% trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; giảm tỷ lệ thương vong do TNGT đối với trẻ em 10% so với năm 2017.

Nhằm nâng cao ý thức của thành phần là học sinh trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đã phối hợp với Phòng Chính trị, tư tưởng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền ATGT cho học sinh. Tiến hành thực hiện 20 cuộc tuyên truyền trực quan, 1 cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, 2 buổi tọa đàm “Văn hóa giao thông trong học đường”, 1 phóng sự phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật và TNGT liên quan đến học sinh.

Các ngành chức năng sẽ chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến trẻ em như: chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia giao thông… Đại úy Nguyễn Đặng Hữu Trí thông tin: Đối với các em là trẻ em, thời gian qua, chúng tôi tập trung tuyên truyền và xử lý một số lỗi như: người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, kè đẩy xe khác, chạy xe lạng lách, đánh võng, các quy tắc giao thông liên quan đến xe thô sơ, người đi bộ khi tham gia giao thông… nhằm trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản an toàn khi tham gia giao thông.

“Thông qua công tác điều tra giải quyết TNGT cho thấy, phần lớn các vụ TNGT có liên quan đến trẻ em, thì chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các em chưa cao. Đó là điều mà chúng ta cần lưu tâm, hậu quả gây ra rất lớn cho gia đình và xã hội. Các em gây tai nạn thì đã rõ nhưng nguyên nhân sâu xa là lỗi do chính phụ huynh, nhà trường, trách nhiệm của người lớn chưa giáo dục, quản lý chặt chẽ giúp các em có được kiến thức cơ bản về luật giao thông khi tham gia giao thông”, Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh nhận xét.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN