Giúp đỡ kịp thời người bị nạn

03/04/2019 - 06:59

BDK - Tai nạn giao thông (TNGT) là tai họa không ai mong muốn, khi tai nạn xảy ra, nạn nhân đều rất cần sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Đặc biệt, trong trường hợp nạn nhân bị chấn thương nặng thì sự giúp đỡ kịp thời, sơ cứu đúng cách chính là cơ hội để cứu sống họ.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên cầu Hàm Luông. Ảnh:Văn Thỉnh

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên cầu Hàm Luông. Ảnh:Văn Thỉnh

Hành động nhân văn

Thời gian gần đây, dư luận thường lên án thái độ thờ ơ, lãng tránh, sợ liên lụy đến bản thân của người đi đường khi gặp người bị TNGT. Thay vì cứu người, thì có người lại dửng dưng quay phim, chụp ảnh trong sự đau đớn của người bị nạn. Hành vi trên không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm mà còn trái pháp luật. Luật Giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm như sau: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan thẩm quyền có yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu… Đối với người có mặt tại hiện trường, người tham gia giao thông đi qua nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn, báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế, bảo vệ tài sản người bị nạn.

Giúp đỡ người gặp nạn nói chung, người bị TNGT nói riêng là một hành động đẹp, thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, nhân văn giữa người với người. Anh Châu Quốc Tuấn, ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành làm nghề chạy xe ôm, anh được biết đến là người thường xuyên tham gia cứu giúp người bị TNGT. Khi tham gia giao thông trên đường nếu gặp người bị TNGT bất cứ nơi nào, lúc nào, bị thương nặng hay nhẹ anh đều giúp đỡ. Anh Tuấn cho biết: “Thấy người bị tai nạn mình giúp được gì thì giúp, đặt mình vào hoản cảnh của họ lúc đó không giúp không được, bỏ mặc thấy ray rứt lương tâm lắm!”.

Gặp người bị TNGT, cho dù nạn nhân chỉ bị thương nhẹ nhưng sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh là rất cần thiết vì lúc đó tâm lý nạn nhân rất hoang mang, lo sợ. Đối với người bị thương nặng, tính mạng đang bị đe dọa thì càng cần được giúp đỡ và sơ cấp cứu ban đầu. Bước sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, nếu nạn nhân không được sơ cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, kịp thời cứu giúp người bị TNGT là một hành động tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa, đó là cứu được tính mạng quý báu của người bị nạn.

Thao tác sơ cứu cần thiết

Để hành động mang tính nhân văn ấy đạt hiệu quả cao nhất, ngoài lòng tốt, sự nhiệt tình, chúng ta cần phải nắm được kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho người bị nạn. Nếu nạn nhân không được sơ cấp cứu đúng cách sẽ gây khó khăn cho bước cấp cứu về sau.

Khi sơ cấp cứu người bị TNGT, việc đầu tiên là phải kiểm soát được đường hô hấp của bệnh nhân. Nếu quan sát thấy mũi, miệng nạn nhân bị tắt nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi… chúng ta phải nhanh chóng dùng tay móc ngay những dị vật đó ra ngoài để nạn nhân dễ thở. Sau đó, tùy theo mức độ chấn thương của nạn nhân mà có cách sơ cấp cứu khác nhau. Thứ nhất, khi nạn nhân bị thương ở mức độ nhẹ như: vết thương không chảy máu; nạn nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể đi lại được bình thường, chúng ta cần cho nạn nhân nằm nghỉ ngơi, sau đó đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra. Trường hợp vết thương chảy máu, phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương, sau đó đưa thẳng đến bệnh viện.

Với người bị gãy xương tay, chân, trước khi đưa đến bệnh viện, xương bị gãy phải được giữ cố định. Nếu gãy xương tay thì dùng khăn làm máng treo tay, nếu gãy xương chân phải dùng cây nẹp chân. Người bị thương nặng là khi họ rơi vào tình trạng hôn mê, ngừng thở. Trong trường hợp này, chúng ta phải hết sức bình tĩnh, tìm cách thông đường thở cho nạn nhân như hà hơi, hồi sức, xoa bóp lồng ngực và chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế. Lưu ý, trong trường hợp nạn nhân ngất xỉu hoặc tỉnh mà không thể cử động chân, tay, rất có thể bị chấn thương tủy sống, khi đó không được bế xốc hay bế gập người, hãy cho nạn nhân nằm thẳng trên tấm ván cứng, chuyển hoặc gọi cho cơ sở y tế nơi gần nhất. Với nạn nhân bị chấn thương sọ não có biểu hiện mất tri giác, lơ mơ, chúng ta phải tranh thủ “thời gian vàng”, đưa tới bệnh viện càng nhanh càng tốt.

Khi gặp người bị TNGT, chúng ta hãy mạnh dạn giúp đỡ họ vì tính mạng con người là trên hết. Cứu giúp người bị TNGT không đơn thuần là việc chấp hành pháp luật mà trên hết là tình yêu thương, tương thân tương ái trong cộng đồng.

Hành vi không cứu giúp người bị TNGT bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự quy định, có điều kiện mà không cứu người dẫn đến người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Thanh Trúc 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN