Hiểm họa từ shisha, bóng cười

25/11/2020 - 07:17

BDK - Nếu như trước đây, shisha, khí cười hay còn gọi là bóng cười chỉ có mặt ở các thành phố lớn thì giờ đây đã xuất hiện tại tỉnh. Hút shisha và ngậm bóng cười đang dần trở thành trào lưu ăn chơi của một bộ phận giới trẻ mà không hề hay biết đó là những chất gây nghiện nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người sử dụng.

Bình shisha được cơ quan chức năng thu giữ.

Bình shisha được cơ quan chức năng thu giữ.

Tác hại của Shisha

Rạng sáng 1-11-2020, Công an TP. Bến Tre phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh cafe, ăn uống Comos ở phường Phú Khương, TP. Bến Tre. Tại đây, lực lượng công an phát hiện trên bàn của khách có nhiều dụng cụ sử dụng shisha. Qua kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm trên nên lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ 13 bình hút shisha, 20 ống hút shisha, 2 bình khí cười, 1 bộ dụng cụ sử dụng ma túy; đồng thời phát hiện 15 trường hợp dương tính với chất ma túy. Quá trình làm việc, các đối tượng khai nhận trước đó đã sử dụng trái phép chất ma túy.

Hiện nay, nhiều người vì tò mò muốn thử hút shisha 1 lần nhưng phân vân có gây nghiện hay không. Theo các chuyên gia y tế, shisha có thành phần giống như thuốc lá, chứa nhiều Nicotine độc hại, được ướp các hương vị tạo cảm giác dễ chịu như mật ong, trái cây. Nhiều nghiên cứu trên thế giới về shisha cho thấy, shisha có mức độ độc hại hơn thuốc lá. Lượng khói vào cơ thể khi hút shisha trong 1 giờ tương đương với hút từ 100 - 200 điếu thuốc lá; đồng thời, tỷ lệ lượng Nicotine ngấm vào cơ thể cao hơn thuốc lá 70%. Vì thế, người hút shisha thường xuyên sẽ chịu những rủi ro mắc bệnh cao hơn người hút thuốc lá. Nhiều người dùng chung một vòi hút có thể bị lây nhiễm các bệnh như lao phổi, viêm gan, tim mạch và các bệnh lây nhiễm khác.

Điều đáng nói, do hám lợi nên nhiều người bán đã pha trộn các chất kích thích như rượu mạnh, heroin, ma túy tổng hợp vào shisha để tăng thêm độ phê, làm cho người sử dụng trở nên nghiện nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong nếu lạm dụng.

“Mê hồn hương” bóng cười

Ngoài shisha, bóng cười là một trong những loại “mê hồn hương” gây nghiện nguy hiểm. Bóng cười là quả bóng bay được bơm khí Oxit Nitơ (N2O). Đây là một loại hợp chất ở dạng khí, không màu, có mùi thơm nhẹ, khi hít khí N2O vào cơ thể gây kích thích hệ thần kinh, tạo ảo giác, khoan khoái, hưng phấn, cảm giác cười.

Theo các chuyên gia y tế, khí cười thường được sử dụng trong y học nhưng là một loại thuốc gây mê, an thần, giảm đau, tuy nhiên liều lượng, cách thức sử dụng phải được người có chuyên môn hướng dẫn, nếu sử dụng quá liều sẽ gây nguy hiểm như làm ngạt thở, tê liệt chân tay, trầm cảm, thậm chí có nguy cơ tử vong cao.

Đối tượng tiếp cận chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt là những em còn ngồi trên ghế nhà trường. Trước đây, shisha, bóng cười chỉ có trong các vũ trường, quán bar nhưng hiện nay phổ biến tại nhiều quán karaoke, vỉa hè, quán café, thậm chí được rao bán công khai trên mạng xã hội với rất nhiều những hình ảnh, lời quảng cáo có cánh, khẳng định những thứ họ bán đảm bảo chất lượng, không gây nghiện, không gây hại cho sức khỏe. Chỉ cần gọi điện thoại, mọi nhu cầu của khách sẽ được đáp ứng nhanh chóng.

Shisha, bóng cười là chất gây nghiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản thân người sử dụng, không chỉ hủy hoại sức khỏe mà còn tổn hại đến thần kinh người nghiện, điều này khiến họ mất khả năng lao động, học tập. Ngoài ra, hít shisha, ngậm bóng cười cũng là tiền đề cho công đoạn đầu tiên để khuấy động, tiến tới sử dụng ma túy trong mỗi cuộc vui chơi của người sử dụng. Đồng thời khi đã nghiện, người nghiện luôn có xu hướng tăng liều lượng dùng, chi phí để dùng các chất này ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng bị khánh kiệt về kinh tế, thực hiện các hành vi phạm pháp như lừa đảo, trộm cắp, cướp giật để có tiền sử dụng các chất này.

Thượng tá Hà Văn Ron - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, cho biết: “Sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện các đối tượng, cơ sở kinh doanh shisha, khí cười. Đồng thời, sẽ tăng cường kiểm tra các quán bar, karaoke, cafe… để ngăn ngừa hậu quả do sử dụng bóng cười, shisha gây ra. Kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu sớm đưa shisha và bóng cười vào danh mục cấm kinh doanh”.

Ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì nhà trường và phụ huynh cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục con em tránh xa các chất gây nghiện này. Bản thân các em trong lứa tuổi vị thành niên, nhất là học sinh, sinh viên phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản thông qua báo, đài, mạng internet về tác hại khôn lường của shisha, bóng cười để nâng cao ý thức phòng ngừa, không để bạn bè xấu lôi kéo vào con đường nghiện ngập.

Bài, ảnh: Nguyễn Đăng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN