Văn hóa ứng xử trong cộng đồng từ góc độ an ninh trật tự

26/09/2018 - 07:09

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, khoa học kỹ thuật thì văn hóa giao tiếp, ứng xử của con người cũng có sự thay đổi; trong đó, số đông là thay đổi theo hướng tích cực để phù hợp với cách ứng xử hiện đại nhưng vẫn dung hòa với văn hóa truyền thống của dân tộc, số còn lại có khuynh hướng không hòa hợp với cách giao tiếp ứng xử theo văn hóa truyền thống. Hay nói cách khác, đã có sự xuống cấp về văn hóa ứng xử.

Học sinh Trường tiểu học Bến Tre ôn bài môn Đạo đức. Ảnh: Lê Uyên

Học sinh Trường tiểu học Bến Tre ôn bài môn Đạo đức. Ảnh: Lê Uyên

Chính sự xuống cấp ấy đang gây nên những xáo trộn không nhỏ các chuẩn mực văn hóa trong xã hội. Một câu hỏi lớn đang đặt ra là chúng ta, trong đó có trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa - giáo dục, phải làm gì để có thể kịp thời điều chỉnh và xây dựng hệ giá trị văn hóa ứng xử mới, phù hợp hơn với xã hội hiện đại.

Cùng nỗi lo chung     

Có lẽ chưa bao giờ, văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Việt lại trở thành mối lo lắng, quan ngại thường trực của mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội như hiện nay. Bất cứ ở đâu, đô thị hay nông thôn, không khó để bắt gặp những hành vi “chướng tai gai mắt” được người dân vô tư thể hiện. Nói tục, chửi bậy hay xả rác nơi công cộng... Cướp hoa, bẻ cành trong các lễ hội, hay chen lấn, xô đẩy bất kể trẻ em, người già dường như đã trở thành chuyện thường ngày.

Văn hóa giao thông thật sự trở thành một mối nguy, với quyền chiếm ưu thế thuộc về những kẻ bất chấp luật lệ, khiến những người hiền lành luôn phải mang tâm lý chấp nhận thua thiệt để được yên thân và tự nhủ “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Đáng sợ hơn, chỉ vì vài lời nói trái tai hay một ánh nhìn bị cho là không thiện cảm mà một số thanh niên đã nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của người khác. Hoặc chỉ vì đồng tiền mà người ta có thể đánh đổi với tình cảm thiêng liêng: vợ giết chồng, cha giết con, anh em ruột thịt đâm chém nhau để tranh lợi về mình… Đây là những biểu hiện rõ nhất về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử.

Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của các phim bạo lực, phim hành động được đăng phát rất nhiều trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng. Thêm vào đó, giá trị vật chất có xu hướng ngày càng được xem trọng hơn. Theo dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, thì: “Nền tảng của văn hóa ứng xử chính là những giá trị và chúng ta đang bị khủng hoảng về giá trị thực sự, trước hết là sự xung đột giữa những giá trị cổ truyền với vai trò quan trọng của Nho giáo, với một xã hội hội nhập hiện nay. Nếu không chọn được những giá trị nền tảng, mà để cho những giá trị hoang dã như quyền lực, tiền bạc, hưởng thụ và danh vọng ảo thống trị thì dần dần chúng sẽ phá đi những nền tảng văn hóa tốt đẹp của xã hội”.

Điều chỉnh từ thế hệ trẻ

Khi hệ thống giá trị cũ bị lỗi thời, giá trị mới chưa xác định được nên nhiều người đành phải bám vào cái mà người ta cho là cụ thể nhất, dễ cảm nhận nhất là đồng tiền. Nhưng khi đồng tiền được tôn vinh, lấn át mọi giá trị khác thì khái niệm “có tiền” và “có văn hóa” không còn song hành. Điều nguy hiểm nhất là càng có nhiều tiền, người ta càng dễ trở thành người của công chúng, có tầm ảnh hưởng đối với xã hội, những biểu hiện thiếu văn hóa của họ sẽ lan truyền rất nhanh, gây ảnh hưởng hết sức tai hại với cộng đồng, làm văn hóa xã hội càng xuống cấp.

Để nâng cao văn hóa ứng xử trong xã hội, cần bắt đầu điều chỉnh từ thế hệ trẻ và gốc rễ phải là từ gia đình, vì đây mới là nơi trẻ học được những giá trị sống thật sự và những kỹ năng sống trong cuộc đời. Các bậc cha mẹ trước hết phải làm gương cho con, không dạy con những cách ứng xử thiếu văn hóa mà nên dạy con hành xử theo chuẩn mực đạo đức truyền thống. Thực tế cho thấy, dù hoàn cảnh xã hội có tha hóa đến đâu, nếu giữ được nếp nhà thì người trẻ sẽ có bản lĩnh đối phó với cái xấu. Có thể nói, ứng xử văn hóa trong gia đình chính là nét đẹp lâu đời, một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam: Sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu thảo với cha mẹ, anh em. Nhiều gia đình luôn biết cách tạo dựng, giữ gìn những nét văn hóa ứng xử ấy tạo nên nền nếp gia phong.

Nhà trường cũng cần định hình những phong cách văn hóa ứng xử phù hợp và đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh các cấp thông qua những hình ảnh, tình huống, câu chuyện cụ thể để hướng dẫn các em cách ăn mặc, ứng xử trong giao tiếp như: Thế nào là trang phục phù hợp khi đi học, đi dã ngoại, đi nhà hát; cách ăn uống, chào hỏi, cư xử khi đến nhà bạn, khi đến nơi công cộng…

  Văn Thỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN