Sau một năm nhìn lại, phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu, xã An Thuận (Thạnh Phú) đều đạt và vượt so với nghị quyết HĐND xã đề ra.
Trong năm qua, với sự nỗ lực không ngừng, xã đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu quan trọng, nhất là về kinh tế, văn hóa, xã hội. Thu nhập bình quân đầu người là 8 triệu đồng/năm. Hiện tại, Đảng bộ và nhân dân An Thuận đang nỗ lực và quyết tâm xây dựng xã đạt chuẩn xã văn hóa trong năm 2009.
Nhìn lại chặng đường đã qua, đời sống của phần đông người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn; chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, mà cây lúa là nguồn thu chính. Xác định được đây là cây kinh tế mũi nhọn của xã, khó khăn hay thuận lợi cũng từ đấy mà đi lên; nên trong nghị quyết hằng năm xã ưu tiên đầu tư phát triển sao cho đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn xã có trên 400 ha đất trồng lúa và phấn đấu tăng hơn 100 ha nữa trong năm 2009, trong đó diện tích lúa trung vụ phải đạt từ 100 ha trở lên. Trên diện tích đất trồng lúa, người dân đã biết nâng thu nhập lên gấp rưỡi, gấp đôi bằng cách luân canh một vụ lúa, một vụ tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ thoát nghèo, ăn nên làm ra từ những mô hình này như hộ anh Nguyễn Văn Bầu ở ấp An Hội A, hộ anh Phạm Văn Cường ở ấp An Hòa… Bên cạnh đó, xã cũng đã xây dựng được 2 mô hình kinh tế trang trại ở ấp An Khương và ấp An Ninh, chăn nuôi chủ yếu là bò, heo, 360 hộ áp dụng mô hình kinh tế tổng hợp VACR đạt trên 50 triệu đồng/ha.
Trong năm qua, mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản không nhiều, nhưng sản lượng hằng năm vẫn rất cao vì xã có hơn 170 tàu đánh bắt tập trung ở khu vực Bến Găng, Bến Trại. Hằng năm đã mang về cho xã nguồn thu nhập đáng kể, tổng sản lượng trong năm trên 560 tấn, tăng gần 30 tấn so với năm 2007.
Cùng với phát triển về kinh tế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được xã quan tâm. Tổng số vốn mà xã đầu tư xây dựng các công trình là trên 4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng. Riêng trong năm 2008, xã đã lắp mới trên 100 điện kế, nâng tổng số đến nay toàn xã có gần 2.000 hộ có điện sử dụng, đạt 96%. Tiếp đến, xã đã bê-tông trên 2.700m đường giao thông nông thôn liên xóm ấp, xây mới 3 cây cầu. Ngoài ra, xã cũng đã đưa vào sử dụng một số công trình khác như: trường THCS, nâng cấp 4 phòng tiểu học, sửa chữa hội trường và xây dựng hàng rào UBND xã…
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo cũng được các ban ngành, đoàn thể xã quan tâm đúng lúc. Từ nguồn vận động tài trợ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, xã đã xây dựng được 1 căn nhà tình nghĩa, 6 căn nhà tình thương, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết. Ngoài ra, xã cũng đã trao tặng 1 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Song song đó, xã tạo mọi điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo. Năm 2008 có 760 hộ vay hơn 19 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng NN-PTNT.
Từ những chương trình được chuyển thành hành động, xã An Thuận đã kéo giảm gần 6% tỷ lệ hộ nghèo (hiện còn hơn 300 hộ nghèo). Hiện số hộ được công nhận đạt gia đình văn hóa chiếm 95%, tỷ lệ người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan cũng đạt trên 90%. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, nơi thờ tự trên địa bàn xã đều được công nhận cơ quan văn hóa và nơi thờ tự văn minh, 100% hộ đều có cột cờ, 93% hộ có hàng rào trước nhà… Về giải pháp cũng như những định hướng sao cho phù hợp trong thời gian tới, ông Phạm Văn Dẫn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đảng bộ tập trung đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong toàn hệ thống chính trị. Tiếp tục nâng cao các tiêu chí văn hóa bằng việc vận động nhân dân trồng mới hàng rào cây xanh; tiến tới xóa bỏ cầu trên ao cá để nâng chất và tạo vẻ mỹ quan, vệ sinh môi trường… Mặt khác, sẽ tiếp tục xây dựng mạng lưới giao thông trong xã, phấn đấu đầu quý II năm nay An Thuận được công nhận xã văn hóa.