 |
Bộ đội Biên phòng diễn tập cứu nạn trên biển Ba Tri. Ảnh: P.Y |
An Thủy là xã ven biển của huyện Ba Tri, có địa thế trọng yếu trong việc phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương. Nhằm phát huy lợi thế trong việc phát triển ngành thủy sản và góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Huyện ủy trong nhiệm kỳ qua trên lĩnh vực phát triển kinh tế biển, Đảng bộ xã An Thủy đã xây dựng chương trình hành động, nhằm tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng và chế biến.
Trong những năm qua, hoạt động khai thác thủy sản của An Thủy tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả. Tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy sản ven bờ trên địa bàn xã đang có xu hướng giảm dần, thay vào đó là tăng nhanh tàu khai thác xa bờ, ngư cụ đánh bắt được cải hoán, sản lượng khai thác tăng lên theo từng năm. Đến nay, toàn xã có 923 tàu (có 558 tàu đánh bắt xa bờ), tổng công suất 152.062 CV. Bình quân hàng năm, ngư dân đóng mới khoảng 20 tàu, kích cỡ đúng quy định và có thể đánh bắt xa bờ. Sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm đạt trên 26 ngàn tấn.
Bí thư Đảng ủy xã An Thủy Trần Văn Hoàng cho biết trong nhiệm kỳ qua: Kinh tế thủy sản của xã có bước vươn lên đáng kể, nghề khai thác đánh bắt không ngừng được phát triển, sản lượng đánh bắt ngày càng tăng. Đồng thời, ngành nuôi trồng thủy sản cũng không ngừng được mở rộng, các dịch vụ chế biến, hậu cần nghề cá từng bước được phát triển cả về quy mô lẫn số lượng.
Xã đã quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản, mạnh dạn chuyển đổi diện tích 125,7ha lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thâm canh. Đến nay, diện tích nuôi thâm canh toàn xã lên đến 142,5ha. Đồng thời, từ mô hình nuôi quảng canh trước đây, người dân cũng mạnh dạn đầu tư vốn, con giống để nuôi quảng canh theo mô hình cải tiến. Hiện, toàn xã có 10 cơ sở sản xuất tôm sú giống; hàng năm, mỗi cơ sở sản xuất khoảng 6,5 triệu con giống, đáp ứng được phần lớn nhu cầu con giống cho nghề nuôi quảng canh trên địa bàn và các huyện lân cận.
Ngoài ra, hoạt động của hợp tác xã (HTX) Thủy sản trên địa bàn khá ổn định. Các HTX đã quản lý tốt nguồn nghêu sinh sản; giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho 1.750 lượt người, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của xã. Gắn với khai thác, nuôi trồng, lĩnh vực chế biến thủy sản từng bước phát triển, Công ty Cổ phần chế biến thủy sản đóng trên địa bàn hàng năm làm ra khoảng 1.500 tấn thành phẩm. Có khoảng 300 hộ tham gia chế biến các sản phẩm cá khô, cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 1.400 tấn.
Trong quá trình phát triển ngành kinh tế thủy sản, An Thủy đã kết hợp giải quyết tốt các vấn đề xã hội và quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào việc bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, vùng bờ biển và khu vực biên giới biển. Đảng ủy xã An Thủy chủ động phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ an ninh bờ biển. Các loại tàu thuyền ra-vào cửa sông và cập Cảng cá Ba Tri được kiểm soát chặt chẽ. Trong 558 tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn xã An Thủy, có 116 tàu được trang bị máy liên lạc đường dài, giữ được thông tin liên lạc với gia đình và tần số của Đồn Biên phòng 598. Từ đó, thông tin liên lạc giữa ngư dân với chính quyền địa phương luôn được thông suốt, phục vụ tốt cho việc tìm kiếm ngư trường khai thác, phòng tránh bão, cứu nạn, cứu hộ trên biển, đặc biệt là công tác giữ gìn an ninh trên biển.
Đảng ủy xã còn quan tâm xây dựng và củng cố lực lượng dân quân tự vệ về số lượng và chất lượng hoạt động, đặc biệt là lực lượng dân quân biển, duy trì tốt công tác phối hợp giữa 3 lực lượng: Công an - Quân sự - Biên phòng. Chính từ việc làm này đã góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị trên biển và trên địa bàn. Trong nhiệm kỳ qua, tệ nạn xã hội trên địa bàn xã được kiềm chế; các vụ việc tệ nạn xã hội phát sinh ở địa phương đều được giải quyết kịp thời.
Theo Bí thư Trần Văn Hoàng, An Thủy đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Đồn Biên phòng 598 tổ chức thành lập Trung đội dân quân biển, xây dựng lực lượng dân quân bờ biển và nội địa nhằm liên kết và bảo vệ an ninh khu vực biên giới, vùng lãnh hải, đất liền, cũng như hỗ trợ nhau trong phòng, chống bão.
Trong thời gian tới, để góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực kinh tế thủy sản gắn với quốc phòng, an ninh giai đoạn 2011-2015, xã sẽ có nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế thủy sản toàn diện, bền vững theo hướng CNH-NĐH. Đồng thời, có chính sách và vận động ngư dân đầu tư trang thiết bị và phương tiện hiện đại để đánh bắt xa bờ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm khai thác nguồn lợi thủy sản, đi đôi với việc tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác không vi phạm vùng biển các nước trong khu vực. Xã cũng sẽ phối hợp với Huyện đội, Đồn Biên phòng 598 bổ sung và hoàn chỉnh các kế hoạch phòng thủ, tác chiến, bảo vệ trị an và đảm bảo sẵn sàng chiến đấu; xây dựng, củng cố và kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ, phát triển Đảng trong lực lượng đạt 19%, phát triển Đoàn đạt 80% so với quân số; quản lý chặt chẽ lực lượng quân dự bị để khi cần thiết thì huy động đảm bảo đạt trên 70% quân số. Đảng ủy xã An Thủy tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để làm nền tảng trong việc giữ vững ổn định an ninh chính trị tại địa phương.