Ấn tượng Biển Hồ

08/11/2010 - 08:16
Đoàn bác sĩ tại địa bàn khám bệnh. Ảnh: Thu Hà

Ánh nắng chiều dịu xuống, 4 bác sĩ chúng tôi gồm: Tân, Hà, Duệ, Tâm (Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre) lên đường đi TP.HCM, chuẩn bị cho 5 giờ sáng 29-10 cùng tham gia với đoàn Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Việt kiều Campuchia yêu nước quận 8, TP.HCM đến Biển Hồ (Campuchia) khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho bà con Việt kiều nghèo. Mọi người đều háo hức, hồi hộp chờ đợi.

Xe chở chúng tôi theo đi theo hướng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Đoàn của chúng tôi gồm 50 người, trong đó có 10 bác sĩ, 5 y sĩ và dược sĩ, còn lại là cán bộ cách mạng lão thành, những chiến sĩ bộ đội năm xưa từng lăn lộn với chiến trường Campuchia thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là cô Tám Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối Việt kiều Campuchia TP.HCM; chú Trung Tuyến là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ; anh Minh Thanh là bác sĩ quân y, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Việt kiều Campuchia quận 8; các chị: Yến, Nga, Dung, Thu Hà… Các thành viên đều đã bước qua tuổi 60; đặc biệt, cô Tám Hồng đã 84 tuổi, nhưng bước chân vẫn dẻo dai suốt chặng đường dài. Cô Tám Hồng nói: “Tôi sống và hoạt động ở Campuchia là nhờ những con cá, ngụm nước và hạt gạo nơi đây; nay, thấy bà con Việt kiều ở Biển Hồ còn nghèo, nên lòng tôi day dứt lắm”. Cô chia sẻ với tôi: “Càng làm việc thiện tôi càng thấy khỏe ra. Lần này, có bác sĩ Bến Tre cùng đi, tôi vui lắm”. Nhắc đến Bến Tre cô cho biết thêm, thỉnh thoảng cô về viếng thăm đền thờ chị Ba Định - người bạn từng hoạt động kháng chiến cùng với cô.

Đoàn bác sĩ tham gia khám bệnh tại “Biển Hồ” Campuchia. Ảnh: Thu Hà

Để có được chuyến đi này, với tổng kinh phí khoảng 80 triệu đồng, các thành viên của câu lạc bộ đã vận động tiền, thuốc men từ những nhà hảo tâm. Chú Trung Tuyến, bác sĩ Minh Thanh chịu trách nhiệm đi tiền trạm, vận động nhà hảo tâm trong suốt hai tháng trời.

Sáng 30-10, đoàn đến Biển Hồ. Xe dừng bánh, trước mắt chúng tôi là mênh mông nước; những ngôi nhà sàn đơn sơ, nghèo nàn. Ba chiếc thuyền máy chở chúng tôi cùng thuốc men và quà lướt êm trên mặt Biền Hồ. Khoảng 20 phút, đoàn đến điểm khám bệnh. Đây là một ngôi trường tiểu học (xây dựng trên sàn) được sự hỗ trợ của Việt Nam. Bà con nơi đây đến từ sáng sớm, ùa ra đón đoàn khi thuyền vừa cập bến.

Từng người một đến bàn khám bệnh. Bà con ở đây nghèo lắm, suốt ngày bán lưng cho trời, soi mặt với biển mong tìm được con tôm, con cá để đắp đổi cuộc sống, không còn thời gian để nghĩ tới việc đi khám bệnh hay chữa bệnh. Trong tiết trời se lạnh, những đứa trẻ mặc quần áo mỏng manh, chạy nhảy nô đùa từ thuyền này sang thuyền khác; các cụ già nét mặt khác khổ ngồi co cụm trên sàn nhà bè. Chúng tôi cố nhanh tay hơn để khám được nhiều người. Gần 12 giờ trưa, chúng tôi nghỉ giải lao, ăn cơm vội vàng để tiếp tục làm việc. Phụ nữ ở đây hầu hết bị mắc bệnh phụ khoa do nguồn nước bị ô nhiễm; trẻ con bị suy dinh dưỡng; người già mắc bệnh mãn tính không được chữa trị kịp thời nên gầy gò và xanh xao.

Suốt tám tiếng rưỡi đồng hồ, đoàn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 600 người bệnh (trong đó có khoảng 450 Việt kiều, số còn lại là người dân Campuchia), tặng 200 phần quà gồm: tập sách, bút cho học sinh và tặng 15 triệu đồng (tương đương 3 triệu ria Campuchia) cho 300 bà con nghèo nơi đây. Trời gần tối, chúng tôi kết thúc công việc, trở về đất liền dưới làm mưa. Ai nấy đều thấm mệt nhưng rất vui. Trước khi trở về Việt Nam, chúng tôi ghé qua thủ đô Phnom Penh viếng đài Liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả… Chuyến đi đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm đẹp khó quên.

Lê Thị Thu Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN