Anh Năm Hòa - người cùng xóm của anh Đực nhận xét: Ở xóm này, cùng lứa tuổi, chưa thằng nào biết làm ăn như thằng Đực. Nó nhỏ tuổi nhưng biết làm kinh tế lắm, đặc biệt là rất ham học hỏi”.
Anh Đực chuẩn bị vèo cho vụ ếch mới.
Anh tên là Đoàn Văn Đực, 36 tuổi, ở ấp 1, xã Bình Hòa (Giồng Trôm). Lớn lên trong gia đình thuần nông, với tính cần cù, chịu khó và biết cách làm ăn, nên cuộc sống của gia đình anh (vợ và hai con) rất ổn định. Anh Đực bảo: Mình làm ruộng, hết vụ lúa thì biết làm gì? Thời buổi này phải bươn chải đủ nghề, may ra mới sống nổi”.
Hết vụ lúa, anh chạy xe lên tận Long An, Đồng Tháp, khi thì xuống Cà Mau đặt trúm bắt lươn để bán, đôi ba tháng mới về nhà một lần. Nhờ đi đây, đi đó, anh học hỏi thêm nghề nuôi ếch. “Kể ra, thằng này cũng hay, trình độ không nhiều nhưng rất sáng dạ. Nuôi ếch năm trước, năm sau nó tự ươm ếch giống thả nuôi” - anh Năm Hòa cho biết. Mỗi năm, anh Đực thả ếch nuôi hai đợt, vụ thuận từ tháng 5 đến tháng 8 âl, vụ nghịch từ tháng 9 đến tháng 2 âl, bình quân mỗi đợt anh thả từ 2 đến 4 ngàn con. Vụ vừa qua, anh thu hoạch hơn một tấn ếch, giá bán từ 30-40 ngàn đồng/kg. Anh Đực khiêm tốn bảo: Như vậy là kiếm sống được! Với 4 năm trong nghề này, khi tôi tìm đến nhà, anh Đực đang cùng mấy anh em làm vèo (khoảng đất có bờ bao, trải bạt giữ nước hoặc vuông có bao lưới ở dưới mương) để chuẩn bị cho vụ mới. Đợt này, anh đầu tư qui mô hơn, 5 vèo thả nuôi khoảng 5.000 con ếch.
Là người duy nhất trong xóm “dám” nuôi ếch, nhưng người dân ở đây vẫn quen gọi tên anh là “Đực rắn”. “Người ta thấy rắn thì bỏ chạy không kịp. Còn nó thì “chạy theo” để bắt cho bằng được. Rắn càng độc, nó càng thích” - một chị cùng xóm nhận xét về anh Đực như vậy. Anh Đực cho biết: Hiểu biết về rắn thì mới dám sống với cái nghề nguy hiểm này. Thật ra, rắn độc (như hổ đất, hổ hùm, hổ mây…) chỉ đi ăn sáng sớm hoặc chiều tối. Còn những con rắn không độc (như hổ hèo, hổ ngựa, rắn ráo, hổ hành…) thì cứ đi bất kể giờ giấc.
Ngoài ra, gia đình anh Đực còn nuôi hai con bò nái và chăm sóc mấy công đất trồng dừa. Theo anh Đực, mỗi năm có thêm một hoặc hai con bê. Dừa mỗi tháng cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Cuộc sống gia đình như vậy cũng ổn định rồi. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Đực còn tích cực hưởng ứng các phong trào do ấp, tổ phát động. Anh thật đáng được biểu dương là một nông dân cần cù lao động, không ngừng vươn lên trong cuộc sống.