Anh giúp quyên góp 1 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo tiếp cận vaccine ngừa COVID-19

10/01/2021 - 21:45


Chính phủ Anh ngày 10-1-2020 cho biết nước này đã giúp huy động được 1 tỷ USD để hỗ trợ "các quốc gia dễ bị tổn thương" tiếp cận vaccine phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thông qua việc giúp kết nối các nhà tài trợ toàn cầu với những nước cần hỗ trợ.

Vaccine phòng COVID-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN

Vaccine phòng COVID-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, Vương quốc Anh cam kết chi 548 triệu bảng (tương đương 740 triệu USD) cho Cam kết thị trường tiên tiến COVAX (AMC), sau khi tuyên bố cứ 4 USD viện trợ của các nhà tài trợ Anh sẽ chi 1 bảng.

Canada, Nhật Bản và Đức cũng là những nước nằm trong số các quốc gia đóng góp tương ứng, giúp AMC huy động được tổng cộng hơn 1,7 tỷ USD cho đến nay.

Theo Bộ Ngoại giao Anh, Quỹ AMC sẽ cho phép phân phối 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho 92 quốc gia đang phát triển trong năm nay.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cho biết các nước có mức thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa có nguồn cung vaccine phòng COVID-19.

Theo ông Ghebreyesus, ngay từ đầu, các nước giàu đã chiếm phần lớn nguồn cung các loại vaccine phòng COVID-19. Ông kêu gọi các nước giàu và các hãng sản xuất vaccine ngừng các thỏa thuận song phương vì sẽ ảnh hưởng tới Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX do WHO khởi xướng để phân phối vaccine cho các nước nghèo.

Ông cũng kêu gọi những nước đặt mua quá nhiều vaccine nên cung cấp và chia sẻ cho cơ chế toàn cầu này. Hiện 42 nước trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19, trong đó 36 nước là những nước có thu nhập cao và chỉ có 6 nước có thu nhập trung bình.

Cho đến nay, các quốc gia giàu như Anh, các thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Thụy Sỹ và Israel là những nước đứng đầu nhóm chờ đợi giao vaccine từ các hãng dược, trong đó có Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh).

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN