Anh Nguyễn Tấn Vàng đam mê làm du lịch sinh thái

16/03/2021 - 13:41

BDK.VN - Tốt nghiệp Đại học Cần Thơ năm 2010, anh Nguyễn Tấn Vàng làm việc cho Dự án du lịch cộng đồng tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Thời gian công tác tại đây, anh được trải nghiệm nhiều qua thực tế. Vợ chồng anh vừa học, vừa làm và cùng tốt nghiệp cao học, nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành quản lý kinh tế năm 2016.

Cầu phao dẫn xuống các phòng nghỉ Homestay.

Cầu phao dẫn xuống các phòng nghỉ Homestay.

Năm 2018, anh Vàng cùng vợ trở về quê nhà, liên kết với bạn bè có đập nuôi tôm quảng canh mở điểm du lịch sinh thái rừng ngập mặn tại xã Thừa Đức, huyện Bình Đại. Vào những ngày cuối tuần hoặc lễ, du khách từ các cơ quan, tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ tới đây để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, được ở nhà sàn (làm bằng chất liệu đơn giản), nghe tiếng chim rừng hót, ăn những món ngon đặc sản tươi sống.

Khách hàng của anh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với mức đầu tư nhỏ lẻ hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, anh Vàng quyết định mở rộng quy mô phục vụ và tạo nhiều ấn tượng cho khách hàng hơn.

Năm 2020, được gia đình và bạn bè hỗ trợ, anh Vàng thuê 20ha đất ở ấp Phước Hòa, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại mở điểm du lịch sinh thái với tên gọi “Người Giữ Rừng”. Anh Vàng chia sẻ: “Tôi đã có thời gian trải nghiệm du lịch cộng đồng ở huyện Thạnh Phú. Sau khi rời khỏi dự án, tôi vẫn gắn bó với  rừng. Tôi thành lập doanh nghiệp dịch vụ du lịch sinh thái với mong muốn phát triển kinh tế và giữ vững môi trường của rừng; muốn cho người dân cùng đeo bám giữ rừng, khai thác những lợi ích từ rừng mang lại cho con người”.

Với diện tích đầu tư mặt nước 20ha nuôi thủy sản, anh Vàng sử dụng hơn 5ha đất để trồng cây lấy bóng mát, cây ăn trái và các điểm vui chơi giải trí (câu cá, bơi xuồng). Anh đầu tư xây các phòng nghỉ Homestay (nhà sàn bằng chất liệu gỗ với đầy đủ tiện nghi) nằm xen trong bóng cây rừng ngập mặn; xây các chòi lá thoáng mát phục vụ cho khách ăn uống với các đặc sản tươi sống quê biển như: Tôm, cá, cua, hàu, nghêu, sò huyết và các món ăn khác (gà, vịt, heo rừng, cá lóc đồng...) tùy theo khẩu vị của khách.

Với niềm đam mê làm du lịch sinh thái, anh Nguyễn Tấn Vàng đã gắn bó và cải tạo rừng ngập mặn thành điểm du lịch phục vụ khách, liên kết được nhiều người từ các nơi khác về Bình Đại. Qua đó, góp phần giới thiệu với khách về tiềm năng phát triển kinh tế, về những đặc sản hiếm có của rừng và biển quê nhà.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Phạm Hữu Toại cho hay: “Bước đầu, Khu du lịch sinh thái Người Giữ Rừng đã mang lại hiệu quả. Mô hình đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh du lịch biển của địa phương, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế về hướng Đông của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Bài, ảnh: H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN