 |
Ông Phạm Văn Công giới thiệu mô hình xây hồ trữ nước ngọt. |
Lắp đặt đèn điện trên các trục lộ giao thông tạo ánh sáng an ninh và trang bị vật dụng trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong thời gian diễn ra hạn mặn là hai chủ trương lớn của Tỉnh ủy và Huyện ủy Châu Thành đang được Đảng bộ, nhân dân xã Tân Phú tích cực hưởng ứng.
Ánh sáng an ninh trên
các tuyến đường
Đi trên đường tỉnh 884, đoạn từ cầu Cái Cỏ đến bến phà
Tân Phú dễ dàng bắt gặp những trụ sắt loại phi 90, chân đế đổ bê-tông dựng cao
5m, phía trên lắp đặt bóng đèn led 40W. Ông Trần Hoàng Liêm - Chủ tịch UBND xã
Tân Phú cho biết, đoạn đường này có tổng chiều dài hơn 8km, từ việc chỉ có những
cây cầu mới được lắp đặt đèn chiếu sáng công cộng, xã đã vận động và được nhân
dân tích cực hưởng ứng chủ trương ánh sáng an ninh do Huyện ủy phát động. Nhân
dân đã tự nguyện đóng góp 100 triệu đồng, còn lại 64 triệu đồng xã vận động các
tổ chức và cá nhân ủng hộ để lắp đặt 120 trụ sắt và bóng đèn chiếu sáng. Trụ sắt
này còn thiết kế thêm một công dụng nữa là treo cờ Tổ quốc vào dịp kỷ niệm các
ngày lễ lớn. Dự kiến, có 6 đồng hồ điện được lắp đặt, đo điện năng thắp sáng.
Bước đầu, xã vận động được 2 doanh nghiệp đóng trên địa bàn, mỗi doanh nghiệp
nhận thanh toán tiền điện/đồng hồ/tháng.
Trước đó, xã cũng đã triển khai ánh sáng an ninh trên các
tuyến đường ấp và liên ấp. Tân Qui là ấp được chọn làm điểm để triển khai thực
hiện. Theo Trưởng ấp Nguyễn Văn Thông, tại các cuộc họp tổ nhân dân tự quản
hàng tháng, người dân được tuyên truyền và nhận thức đúng về sự cần thiết phải
lắp đặt đèn chiếu sáng trên các tuyến đường. Khi nhân dân đồng thuận, ấp phối hợp
với xã chiết tính kinh phí cụ thể cho từng tuyến đường. Nhân dân tiếp tục bàn bạc
và thống nhất số tiền phải đóng góp từ 210 - 350 ngàn đồng/hộ. Và cũng chính
các hộ dân trên tuyến đường giới thiệu cho xã quyết định thành lập tổ điện gồm
3 thành viên để thu nhận tiền đầu tư xây dựng hệ thống trụ và đèn thắp sáng,
cũng như việc hàng tháng thu tiền để thanh toán điện năng đã tiêu thụ. Đến thời
điểm này, ấp đã lắp đặt gần 200 trụ sắt và bóng đèn trên các tuyến đường, với tổng
chiều dài 6,7km, chiếm 75% tổng chiều dài các tuyến đường của ấp.
Trữ nước ngọt cho mùa
hạn mặn
Đến Tân Phú, đi ngoài đường thì bắt gặp hệ thống đèn chiếu
sáng công cộng, còn vào nhà người dân sẽ thấy đầu tư vật dụng trữ nước ngọt.
Gia đình ông Phạm Văn Công ở ấp Phú Luông chỉ có 2 nhân khẩu, trang bị 16 cái
kiệu trữ nước ngọt nhưng đợt hạn mặn vào đầu năm 2016 lại bị thiếu nước ngọt trầm
trọng. Vì vậy, ông Công đã đầu tư 80 triệu đồng xây một hồ trữ nước quy mô lớn
và kiên cố. Hồ âm xuống đất 3m và nhô cao lên mặt đất 1,5m, chứa được 60m3 nước.
Trong những cơn mưa vừa qua, ông Công lấy nước từ mái nhà, dùng lưới mùng loại
bỏ rác trước khi cho vào đầy hồ. Hồ được trang bị nắp đậy kín đáo. Ông đã mua
máy bơm để khi cần sử dụng chỉ việc bơm nước lên.
Ông Võ Văn Nở, cũng ở ấp Phú Luông, đầu tư hơn 30 triệu đồng
để xây dựng hồ chứa được khoảng 45m3. Anh Võ Thế Khương, con của ông Nở, cho biết:
“Hồ nước nằm cạnh vườn cây ăn trái nên phải làm nắp đậy kín đáo vừa không để muỗi
phát triển gây bệnh, vừa ngăn không để thuốc trừ sâu phun xịt bảo vệ cây trồng
ngấm vào”. Trước đây, ông Nở đã đầu tư xây dựng 1 hồ chứa được 7m3 nước cộng với
vài cái kiệu nhưng đợt hạn mặn vừa qua cũng bị thiếu nước ngọt. Hai người con của
ông đã ở riêng cũng xây dựng 2 hồ dung tích gần 30m3 để trữ nước mưa.
Theo ông Nở, ở ấp Phú Luông có ít nhất 5 hộ đã xây dựng hồ
trữ nước quy mô như ông và ông Công. Không những vậy, ông Nở còn nhắc nhở các
con quan tâm gia cố đê bao, không để rò rỉ nước nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái của
gia đình khi hạn mặn.
Theo ông Phạm Hoàng Khôi - Phó chủ tịch UBND xã, Tân Phú
đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động và được nhân dân tích cực hưởng ứng chủ
trương của Huyện ủy, Tỉnh ủy về việc trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt
và sản xuất. Kết thúc đợt hạn mặn của đầu năm 2016, xã đã mời gọi một doanh
nghiệp kéo đường ống dẫn nước từ xã Thành Triệu về phục vụ cho khoảng 1.000 hộ
dân Tân Phú. Doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng nhà máy nước trên địa
bàn xã, lấy nguồn nước ngọt từ sông Ba Lai. Cùng lúc triển khai nhà máy, doanh
nghiệp đã lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước từ nhà máy đến nhà hộ dân. Dự kiến
đầu năm 2017, nhà máy nước đi vào hoạt động, phục vụ nước ngọt phủ kín cho các
hộ dân trên địa bàn xã. Tuy vậy, xã không chủ quan mà vẫn tuyên truyền, vận động
hộ dân trang bị các vật dụng trữ nước. Hiện có hơn 849 hộ mua thêm bồn nhựa,
xây hồ xi-măng để trữ được hàng chục khối nước mưa, nước ngọt.
Cũng theo ông Khôi, trên địa bàn xã, có 3 tuyến đê được nạo
vét và đang khảo sát tiếp 7 tuyến đê nữa để đảm bảo thoát nước, trữ nước vào
cao điểm hạn mặn. Các cống nằm trên tuyến đê từ việc chỉ làm 1 nắp đậy phía
ngoài để tháo nước, nay làm thêm nắp đậy phía trong để trữ nước. Hầu hết nhà vườn
đều đầu tư đê bao cục bộ, gắn vào tuyến đê bao chính được huyện và tỉnh đầu tư,
nay gia cố lại để đảm bảo ngăn được nước mặn từ ngoài vào và trữ nước ngọt lại
phục vụ chăm sóc cây trồng. “Đợt hạn mặn vừa qua gây thiệt hại cho một số vườn
cây trồng là một bài học đắt giá. Hiện nhà vườn đã chủ động trong việc bảo vệ
cây trồng” - ông Khôi nhận định.
Hiện 8/8 ấp của xã đều triển
khai ánh sáng an ninh trên các tuyến đường được bê-tông hóa. Phương châm của
xã là tất cả tuyến đường bê-tông đều phải có đèn công cộng thắp sáng. Ngoài
ra, Tân Phú là xã tiên phong của huyện thực hiện ánh sáng an ninh trên đường
tỉnh. |