Ảnh minh họa. (Nguồn: genengnews.com)
Theo thông tin cập nhật ngày 27-2-2020, Vương quốc Anh đã ghi nhận thêm 2 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh (England), nâng tổng số ca nhiễm ở toàn vương quốc này lên 15 người.
Theo thông báo, hai bệnh nhân nhiễm mới đã từng đến Italy và đảo Tenerife của Tây Ban Nha.
Cùng ngày, Thụy Sĩ cũng thông báo ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 4 người.
Các ca nhiễm mới ở Geneva và Grisons.
Văn phòng Y tế công cộng liên bang cho biết tất cả các bệnh nhân đã được cách ly và đang trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Italy trở thành nước bị tác động COVID-19 mạnh nhất ở châu Âu
Tại Italy, ông Attilio Fontana, thống đốc vùng Lombardy, địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất ở nước này với hơn 300 trường hợp, trong đó 10 ca tử vong, đã quyết định tự cách ly sau khi một nhân viên của ông nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thông báo trên Facebook, ông Fontana cho biết: "Hiện tôi không có bất kỳ triệu chứng nhiễm bệnh nào, vì vậy vẫn tiếp tục làm việc... song trong hai tuần tới tôi sẽ tự cách ly."
Ông Fontana là người đã tổ chức nhiều cuộc họp báo trong tuần qua về công tác ứng phó dịch ở vùng Lombardy.
Trong khi đó, vùng Veneto, vùng có nhiều ca nhiễm thứ hai ở Italy, đã quyết định xét nghiệm cho hàng trăm người tại vùng này dù không có các triệu chứng bệnh.
Kết quả cho thấy một số người dương dính với virus SARS-CoV-2 dù không bị ốm.
Trên toàn Italy hiện ghi nhận hơn 400 ca nhiễm và 12 ca tử vong, trở thành quốc gia châu Âu bị tác động mạnh nhất trong đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong một diễn biến liên quan, một số chuyên gia y tế Italy cũng cho rằng không nên quá lo lắng về dịch COVID-19 và nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.
Ông Giovanni Maga, chuyên gia của Viện Di truyền phân tử, thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia IGM-CNR của Italy, cho biết: "Tại các khu vực nhiễm bệnh, mọi người chỉ cần làm theo các chỉ dẫn của nhân viên y tế, chăm sóc người bệnh và hạn chế đi lại để ngăn virus lây lan."
Về phần mình, ông Giorgio Palu, giáo sư vi sinh vật học và virus học thuộc Trung tâm Y tế phân tử, cho biết thông tin sai lệch đang làm gia tăng sự sợ hãi trong dư luận.
Ông nhận xét: "Có quá nhiều người đưa ra ý kiến của mình về virus trên truyền hình và ở nơi công cộng mà không thực sự hiểu về nó."
Nhà nghiên cứu Fabrizio Pregliasco cũng kêu gọi mọi người nên thận trọng và nên làm theo các hướng dẫn phổ biến như rửa tay thường xuyên và không đến nơi đông người cũng như những khu vực có người nhiễm.
Gruzia: Chính phủ đang làm mọi cách để tránh dịch bùng phát
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Gruzia Ekaterine Tikaradze kêu gọi người dân không nên lo lắng sau khi nước này xác nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên đêm 26-2.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tbilisi, bà Tikaradze nhấn mạnh: "Không có lý do gì để lo lắng, vì chính phủ đang làm mọi cách có thể để tránh bùng phát dịch tại Gruzia."
Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi một công dân Gruzia gần đây tới Iran đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Tikaradze cho biết bệnh nhân trở về từ Iran qua Azerbaijan bằng ôtô và lập tức được đưa vào Bệnh viện Các bệnh truyền nhiễm ở Tbilisi, và không có tiếp xúc với bất kỳ công dân nào ngoài lực lượng biên phòng.
Các binh sỹ biên phòng đã tiếp xúc với bệnh nhân trên sẽ được cách ly dù họ đã sử dụng đồ bảo hộ.
Iran xác nhận 26 ca tử vong, 141 ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Trong khi đó, tại Iran số người tử vong tiếp tục tăng trong bối cảnh nhà chức trách Iran đã thông báo các hạn chế đi lại trong nước đối với những người nghi nhiễm hoặc xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hãng thông tấn Iran (IRNA) ngày 27-2 cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 26 người.
Phun thuốc khử trùng một tàu điện ngầm ở Tehran, Iran ngày 26-2-2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hiện, nước này có tổng cộng 141 ca nhiễm.
Số người tử vong tiếp tục tăng trong bối cảnh nhà chức trách Iran đã thông báo các hạn chế đi lại trong nước đối với những người nghi nhiễm hoặc xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, quyết định đóng cửa các trường phổ thông cũng được kéo dài thêm 3 ngày, trong khi các trường đại học kéo dài kỳ nghỉ thêm một tuần từ ngày 29-2 tới.
Ngoài ra, các lễ cầu nguyện hằng tuần vào thứ Sáu cũng sẽ tạm hoãn.
Nhiều sự kiện phải hoãn, hủy ở nhiều nước do dịch COVID-19.
Tại Thụy Sĩ, Ban tổ chức triển lãm quốc tế đồng hồ hạng sang ở Geneva đã thông báo hủy sự kiện dự kiến diễn vào tháng Tư tới.
Cùng ngày, Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) thông báo hủy Giải vô địch Bóng chuyền bãi biển thế giới, dự kiến diễn ra từ ngày 29-4 – 3-5-2020 tại Hạ Môn (Đông Nam Trung Quốc).
Theo thông báo, ban tổ chức đã tìm cách hoãn sự kiện này, song các ngày đề xuất khác trong năm 2020 sau Thế vận hội Olympic Tokyo đã không được chấp nhận.
FIVB nhấn mạnh việc hủy sự kiện trên nhằm bảo vệ sức khỏe của các vận động viên, cổ động viên và các quan chức.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+