Bà Út Thắng

29/11/2010 - 07:58
Bà Nguyễn Thị Khao (Út Thắng) với giây phút đời thường. Ảnh: TH.H

Tấm gương của Bác Hồ về tình yêu thương con người, giúp đỡ người nghèo khó luôn in sâu trong tâm tưởng nữ đảng viên hưu trí, lão thành cách mạng Nguyễn Thị Khao (bí danh Út Thắng). Dù tuổi đã cao (80 tuổi), sức yếu, bản thân là thương binh 1/4, nhưng bà vẫn luôn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, được mọi người nể trọng và quý mến.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Út Thắng ở khu phố 3, phường Phú Khương, TP. Bến Tre một cách dễ dàng. Trước đó, Phó Bí thư Đảng ủy phường Trần Thành Long cho biết: “Ở đây, ai mà không biết cô Út Thắng”. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bên chậu phong lan tím, bà Út ngược dòng thời gian về quá khứ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Bình Hòa, Giồng Trôm anh hùng. 15 tuổi, tôi tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với vai trò là cán sự phụ nữ ấp, thư ký Ban Chấp hành Phụ nữ xã. 19 tuổi, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong phong trào Đồng Khởi, tôi đã trực tiếp lãnh đạo lực lượng chiếm đồn Cầu Đất, Ngãi Đăng, An Định (Mỏ Cày, nay là Mỏ Cày Nam). Sau Đồng Khởi, tôi được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lần lượt giữ các nhiệm vụ: Bí thư Tỉnh Đoàn, Trưởng Ban Đấu tranh chính trị của Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân y (Giám đốc Sở Y tế ngày nay), Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ngày nay). Năm 1968, do bệnh nặng, tôi được ra miền Bắc để điều trị. Sau năm 1975, tôi tiếp tục làm việc một thời gian rồi nghỉ hưu”.

Luôn khắc ghi lời dạy của Bác mà bà được nghe khi mới vào Đảng với đại ý là: vào Đảng không phải để cho oai mà để làm người đầy tớ trung thành của nhân dân. Cho nên dù đã hưu trí, là thương binh lại hay đau yếu, nhưng với sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, bà vẫn tham gia hoạt động xã hội ở nhiều vai trò như: cố vấn cho Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tổ trưởng Tổ Phụ nữ khu phố 3… Đặc biệt, bà chính là người sáng lập Câu lạc bộ Cán bộ hưu trí nữ tỉnh vào năm 1995. Nguyên tắc hoạt động của câu lạc bộ là: quan tâm, chia sẻ, hướng tới các hoạt động cộng đồng. Từ đó đến nay, câu lạc bộ luôn được xem là mái nhà chung của cán bộ nữ hưu trí. Có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, bà Út biết rằng còn rất nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh xung quanh mình. Nỗi trăn trở làm sao có tiền giúp đỡ họ làm cho bà bao đêm không ngủ. “Cái khó ló cái khôn”, bà đã nảy ra sáng kiến hình thành hội tương trợ không lời, heo đất tiết kiệm ở chi hội, tổ hội phụ nữ nơi bà sinh hoạt. Hai mô hình này đã được nhân rộng ra toàn tỉnh. Nói là heo đất nhưng thật ra đây là hộp sữa rỗng, được khoét lỗ để bỏ tiền vào. Cứ 6 tháng, tổ hội khui tiền ra giúp đỡ hội viên khó khăn, đau ốm hoặc cho hội viên vay vốn làm ăn. Ngoài ra, bằng tiền tiết kiệm của bản thân, gia đình và vận động mạnh thường quân đóng góp, bà đã thực hiện chương trình phụng dưỡng suốt đời gần 100 bà mẹ liệt sĩ (chưa phải là mẹ Việt Nam anh hùng). Hiện còn 59 mẹ liệt sĩ được hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng từ chương trình này.

Với nguyên tắc sống “tiết kiệm với bản thân, hào phóng với mọi người”, hai vợ chồng bà Út đã dành những đồng lương hưu, tiền trợ cấp thương binh, tiền con cháu cho để làm từ thiện. Ngay cả tiền hỗ trợ sửa chữa nhà do ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 vào cuối năm 2006, từ các khoản thưởng kèm theo giấy khen, bằng khen… bà đều tặng lại cho người nghèo. Từ năm 2003 đến nay, bà đã đóng góp và vận động nhiều nhà tài trợ khắp nơi hỗ trợ xây tặng 13 căn nhà tình nghĩa, 18 căn nhà tình thương; trao tặng hàng trăm suất học bổng, xe đạp, hàng ngàn quyển tập, cây viết… cho học sinh nghèo hiếu học của tỉnh. Tổng giá trị quy thành tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng, trong đó, bản thân bà và gia đình đóng góp trên 300 triệu đồng. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lê Thị Thanh Vân chia sẻ: “Tôi biết chị Út Thắng hoạt động từ thiện từ lâu lắm rồi. Ngay thời ở miền Bắc trị bệnh, chị luôn hết lòng quan tâm, giúp đỡ những học sinh miền Nam ra Bắc học. Chị là một trong những người có công đóng góp cho quỹ của Hội”. Không những vậy, bà còn đích thân đi tận nơi để trao tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn đang cần giúp đỡ. Ít ai biết rằng, bà đã trải qua 8 lần phẫu thuật, đang bị bệnh nặng. Nhưng không phải vì vậy mà bà chịu khuất phục, ngược lại, luôn bằng suy nghĩ lạc quan, hành động tích cực, bà đã vượt lên trên bệnh tật. Nói về người tiền bối của mình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: “Cô Út Thắng luôn là tấm gương sáng cho chị em trong Hội noi theo. Cô là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chị em chúng tôi”.

Để kết thúc bài viết này, xin mượn câu nói của bà: “Tôi làm từ thiện không phải để được phước cho con cháu, chỉ mong tạo được niềm vui cho bản thân, gia đình và xã hội, để thấy mình còn có ích cho đời. Tôi luôn “treo” hình Bác trong đầu và trong tim mình”.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN