Bác Hai nói chuyện với thiếu nhi

20/02/2021 - 17:28

BDK.VN - Nơi nào có bác Hai Nghĩa là nơi đó luôn có nhiều niềm vui và năng lượng sống. Trong những chuyến công tác của mình, tôi luôn ghi âm lại hết những lời của bác, không chỉ với mục đích thuật lại cho bạn đọc trong những tác phẩm mà còn làm hành trang cho đời sống của mình mai này.

Ông Trương Vĩnh Trọng (ông Hai Nghĩa) trò chuyện với học viên Học kỳ quân đội mùa hè năm 2017.

Ông Trương Vĩnh Trọng (ông Hai Nghĩa) trò chuyện với học viên Học kỳ quân đội mùa hè năm 2017

Nhân chuyến đi phản ánh thực tế Học kỳ quân đội của Tỉnh Đoàn vào mùa hè ngày 7-6-2017, tôi lần đầu tiên đến nhà bác Hai Nghĩa. Bác ăn mặc giản dị, lịch sự đón các em thiếu nhi, học sinh. Các em xếp hàng ngay ngắn và hỏi bác nhiều câu hỏi về tuổi thơ, chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của bác, niềm vui trồng vườn…

Bác Hai Nghĩa kể với thiếu nhi: “Ông Hai tham gia kháng chiến từ khi còn rất nhỏ. Nhà ông Hai hồi đó ở sân vận động huyện Giồng Trôm, hàng ngày ông Hai đi học, rồi giặc bắn giết đồng bào mình nhiều quá nên ông Hai xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Ông đi chiến đấu tính ra là đã đến hết mọi miền của đất nước, hầu như tỉnh nào ông cũng có đi đến”. Bác thuật lại quá trình đi chiến đấu từ Đồng Tháp Mười rồi ra Trung ương Cục miền Nam, sau đó ông giữ nhiều nhiệm vụ từ huyện, tỉnh đến trung ương. Nhiệm vụ của bác Hai Nghĩa trước khi về hưu là Phó thủ tướng Chính phủ phụ trách công tác nội chính, an ninh của trung ương trong phạm vi cả nước.

Tháng 8-2011, bác Hai về hưu, lúc đó đã 70 tuổi. Ngay ngày bác về hưu, bác vào đến TP. Hồ Chí Minh thì trời đã tối nên phải ngủ lại. Ngày hôm sau bác trở về nhà ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm và ở cho tới ngày hôm nay (ngày 7-6-2017). Nhà, vườn của bác ở trong mảnh đất có diện tích 5.000m2 và 2.000m2 đất ở Giồng Trôm. Tổng cộng là 7.000m2, bác đều trồng cây hết diện tích đất.

“Giờ ông vui thú điền viên, sáng 5 giờ ông thức, hôm nào trời tối thì ông rọi đèn pin coi sâu với ốc ma nó bò hay không. Tới khoảng 6 giờ, ông vô xem bản tin, 6 giờ 30 ông ăn sáng. Bữa sáng có khi ông ăn bánh, có bữa ăn cơm nguội, thường là ăn cơm nguội nhiều hơn, găm điện cơm nguội xong thì ăn với cá kho khô rồi quay ra vườn làm. Làm tới 11 giờ, ông nghỉ trưa, 13 giờ 30 ông ra vườn làm tới 17 - 18 giờ chiều mới nghỉ. Làm vườn vui lắm, ông thấy cây cối nó phấn khởi, đâm chồi, nảy lộc, đó là thú vui của người lớn tuổi. Vườn của ông bị nước mặn năm rồi nó thấm vô làm hư rễ, nếu ông không chăm sóc kỹ thì vườn không được như vầy đâu, có khi phải bỏ hết đó” - bác Hai kể tiếp.

Bác Hai nói với thiếu nhi: “Ông có 2 người con, một con trai đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh, một con gái làm bánh xèo bán ở TP. Hồ Chí Minh. Ông có mời 2 chú đến phụ ông chăm sóc cây, nhổ cỏ. Vườn hoa nhà ông sạch trơn, các cháu thấy vườn nhà ông có điểm đặc biệt nào không? Đó là ít có ni-lon, ông bận quần cụt đi vườn, hễ thấy ni-lon là ông lượm nhét vô túi mang đến chỗ đốt. Các cháu về nói với gia đình đừng để ni-lon có trong vườn, vì nó phân hủy rất lâu. Vườn thì phải luôn sạch sẽ để loại trừ sâu đất, không có ốc ma, mình đi vườn thường để biết chỗ nào đất trũng thì khai thông cho tốt. Vườn nhà ông Hai trồng dừa, xen bưởi, chuối. Tối vô ông Hai đọc sách, xem thời sự. Ông mong nhà các cháu luôn sạch, nhà phải có thùng rác, không có rác thì không có ruồi, muỗi, không dơ bẩn. Nhờ lao động, tưới cây, nhờ có niềm vui nên sức khỏe ông tới giờ này còn được” - người lãnh đạo cấp cao về hưu chuyện trò.

Bác Hai dạy bảo: “Một chuyến đi của các cháu bằng mấy lần học tập trong trường, bởi đi thì phải có tinh thần sắp xếp, kỷ luật, ngồi ngay ngắn, biết thêm chỗ này chỗ kia. Như đến Đền thờ Bà Định để hiểu bà Ba Định thế nào, hiểu về bác Đồng Văn Cống ra sao... Sau này có đi nữa thì về quê hương Đồng khởi, mảnh đất nào của Bến Tre cũng có nhiều chuyện hay. Các cháu đi và tập giờ nào việc nấy để có nếp sống đàng hoàng, cho cha mẹ phấn khởi. Chúc các cháu có một chuyến đi trải nghiệm thật là vui và có nhiều kỷ niệm vui trong lòng. Về các cháu nhớ phát huy những gì mình đã học, để năm tới có dịp thì đi nữa, mong các cháu ngoan và học giỏi”.

Nghe bác Hai nói, nhóm thiếu nhi vỗ tay, đại diện nhóm bày tỏ lời cảm ơn đến bác Hai và chúc bác có nhiều sức khỏe để tiếp tục chỉ dạy các cháu. “Tương lai của Bến Tre tin tưởng vào các cháu” - bác Hai nói xong thì lấy chùm bánh gói bằng lá chuối chia cho thiếu nhi.

Kỷ niệm về một lãnh đạo có phong cách sống giản dị từ cách ăn mặc đến lời nói in đậm trong tâm trí tôi. Ấn tượng nhất là cách mà bác Hai cảm nhận và nói về 2 người lao động tại vườn bác: “Ông có mời 2 chú đến phụ ông chăm sóc cây, nhổ cỏ”. Lời nói tuy giản dị nhưng chứa đựng sự tôn trọng, trân quý với cả những người nhỏ tuổi mà bác bỏ tiền thuê mướn công lao động. Điều tưởng chừng nhỏ nhặt này không phải ai cũng nhớ và làm được mà phải xuất phát từ một lẽ tự nhiên trong lòng!

Bài, ảnh: Phương Khê

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích