Bài dân ca tha thiết bấy nhiêu tình...

24/04/2011 - 17:14
Tiết mục biểu diễn của đơn vị tỉnh Bến Tre. Ảnh: A.NG

“Liên hoan nhằm bổ sung vào kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam nhiều tác phẩm dân gian mà các nghệ nhân đã dày công sưu tầm, gìn giữ qua nhiều thế hệ, góp phần làm phong phú hơn nền tảng tinh thần, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”- Nhà báo Lâm Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM - Trưởng ban tổ chức Liên hoan cho biết về mục đích của liên hoan.

Lý ngựa ô, lý con sáo sang sông, lý chiều chiều... là những bài dân ca rất đỗi quen thuộc và đã đi vào lòng bao thế hệ. Những câu hò, điệu lý luôn gắn với đời sống lao động và những tính cách chân chất, nhân hậu, nghĩa tình, lạc quan yêu đời... của người dân Nam bộ. Liên hoan dân ca Việt Nam (gọi tắt là Liên hoan) lần thứ IV năm 2011 do Đài Truyền hình Việt Nam và UBND tỉnh Bến Tre phối hợp tổ chức tại Bến Tre (dành cho khu vực Nam bộ) từ ngày 22 đến 24-4-2011 đã có 47 tiết mục được trình diễn thật đặc sắc.

15 tỉnh, thành phố phía Nam, gồm: Bến Tre, Long An, TP.HCM, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Kiên Giang, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bình Dương, Hậu Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long đã “đãi” khán giả Bến Tre và cả nước (thông qua làn sóng truyền hình Việt Nam) bữa tiệc tinh thần thật đặc sắc với khúc hát dân ca, điệu lý, câu hò đậm tình quê hương, xứ sở: lý bánh  bò, nói thơ Bạc Liêu, T’rơi ney- T’rơi ơi (Bên này - bờ kia - dân ca Khmer), lý ngựa ô Giồng Riềng Kiên Giang, lý qui phụng, hò huê tình, liên khúc lý con cua...

Nghệ nhân Lư Hội, hội viên Hội Dân gian Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre, thành viên đoàn Bến Tre chia sẻ: “Mỗi lần liên hoan diễn ra là thêm một lần làm cho phong trào nghiên cứu và hát dân ca phát triển. Theo tôi, đây là một hoạt động vừa làm cho nghệ thuật diễn xướng dân gian tồn tại và phát triển trong đời sống xã hội, vừa làm cho các nghệ nhân dân gian cảm thấy tự hào về khả năng lưu giữ và sáng tạo loại hình này trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của mỗi địa phương, dân tộc”. Đoàn Bến Tre tham dự với 4 tiết mục: hát sắc bùa Phú Lễ, lý đươn đệm - lý ba sa kéo chỉ, lý giọng ứ và liên khúc lý ngựa ô (hai tiết mục: lý giọng ứ và liên khúc lý ngựa ô được chọn vào vòng chung kết).

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Tháp, Trưởng đoàn Nghệ thuật Đồng Tháp - Ngô Quốc Dũng bày tỏ: “Để chuẩn bị tham gia liên hoan này, chúng tôi đã lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu của phong trào, những nghệ nhân từ cơ sở để luyện tập, tham gia biểu diễn. Tôi nghĩ rằng, việc lưu giữ các loại hình dân ca là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kho tàng dân ca Việt Nam. Những năm qua, trong những cuộc hội thi, hội diễn của tỉnh, ngành văn hóa đã đưa tiêu chí hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc vào tiêu chuẩn tham gia hội thi văn nghệ quần chúng, hoặc liên hoan tiếng hát thanh niên, văn nghệ thiếu nhi”. Anh Phạm Chí Hùng, Phó trưởng đoàn nghệ thuật Hậu Giang chia sẻ: “Chúng tôi tham gia liên hoan để thi diễn và qua đó, giới thiệu đến bạn bè gần xa các làn điệu dân ca đặc trưng của quê mình. Hát dân ca không khó nhưng khi hát phải hiểu thấu đáo nội dung của bài dân ca đó, đồng thời, chú ý cách phát âm đặc trưng trong từng làn điệu. Tôi cho rằng, dù cuộc sống có nhiều loại hình thưởng thức âm nhạc, nhưng dân ca vẫn mãi là cái hồn của người Việt. Nếu có điều kiện, tôi mong rằng liên hoan sẽ được rút ngắn thời gian, được tổ chức hằng năm”.

Điểm đặc biệt của liên hoan lần này là các nhạc cụ được sử dụng, hầu hết đều là nhạc cụ dân tộc: đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị, bộ gõ... Anh Trần Minh Luân, Trưởng ban nhạc đoàn Nghệ thuật Hậu Giang cho biết: Tôi xuất thân trong gia đình tài tử (ông nội và cha là nhạc công và diễn viên), làm nhạc công, gắn bó với đàn organ và đàn nguyệt (đàn kìm) đã gần 20 năm nay. Tôi nhận thấy nhạc cụ dân tộc rất khác so với nhạc cụ Tây, đòi hỏi nhạc công phải hết sức chú ý để lắng nghe từng nhịp của từng làn điệu dân ca. Theo thời gian, nhạc cụ phục vụ cho các làn điệu dân ca ít nhiều cũng đã có sự thay đổi: ngày xưa ông bà ta dùng đàn nguyệt, đàn cò, đàn bầu... nhưng hiện nay, một số nơi cũng đã mạnh dạn đưa thêm những nhạc cụ Tây đệm thêm vào để phong phú hơn, các bạn trẻ cũng dễ tiếp nhận hơn.

Nhà nghiên cứu, sưu tầm dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ủy viên Hội đồng nghệ thuật Liên hoan - Trần Viết Bính nhận xét: Năm nay, các đoàn đều tham dự đông đủ, các tiết mục đều đạt chất lượng. Về địa phương Bến Tre - đơn vị đăng cai - đã có khâu chuẩn bị chu đáo về địa điểm cho liên hoan, sân khấu rất đẹp. Tuy là liên hoan dân ca Việt Nam, vốn chủ yếu là khai thác từ các nghệ nhân lớn tuổi, nhưng lực lượng trẻ cũng đã tham gia rất đông và hát rất hay, như thế có thể thấy rằng: vốn dân ca của ông bà ta đã được thế hệ trẻ tiếp nối. Đây là một điều rất đáng mừng. Có thể nhận thấy một điều, từ khi có liên hoan này, các địa phương đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc “đánh thức” các làn điệu dân ca, nhất là dân ca của địa phương mình; góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn các làn điệu dân ca Việt Nam. Trong thời điểm đất nước ta mở cửa hội nhập như hiện nay, việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc là một điều hết sức quan trọng, để chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan.

Dân ca không ồn ào, cũng không ủy mị, ở đó, ta bắt gặp những làn điệu thật nhẹ nhàng, trầm lắng và đong đầy tình cảm, có lẽ chính vì thế mà dân ca đã có sức sống vượt thời gian.

Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN