Bài học lớn từ phong trào Đồng Khởi

13/01/2013 - 16:32

Cách nay hơn 30 năm, đồng chí Nguyễn Văn Linh - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ trong Đồng khởi (1959-1960) đã hồi tưởng và đánh giá cao sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm khi vận dụng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng của Tỉnh ủy và nhân dân Bến Tre trong phong trào Đồng Khởi tại địa phương “Lúc bấy giờ, Xứ ủy chúng tôi rất vui mừng mà nói, băn khoăn thì bây giờ Bến Tre đã tìm ra được cái phương thức này đây! Lập tức chúng tôi đem áp dụng cái kinh nghiệm này phổ biến chỉ đạo cho các nơi áp dụng để làm”.

Thời điểm lịch sử ngày 17-1-1960 cách nay 53 năm về trước, trên quê hương Bến Tre đã diễn ra cuộc Đồng Khởi oai hùng với sự kết hợp hiệu quả phương châm “Hai chân, ba mũi” làm kẻ thù khiếp sợ, nhụt chí. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hàng vạn đồng bào đã đoàn kết, chung lòng vùng lên tạo thành sức mạnh quật khởi phá rã chính quyền, tề ngụy tại cơ sở, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Mỹ - Diệm. Ngọn lửa của phong trào Đồng Khởi từ 3 xã Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày) bùng lên, rồi lan rộng cả huyện, cả tỉnh, cả miền Nam. Đuốc lá dừa của thời hoa lửa ấy cùng tiếng trống, tiếng mõ là hiệu lệnh tiến công. Ánh sáng Nghị quyết 15 của Đảng là niềm tin, sức mạnh động viên, hiệp lực toàn dân đồng tâm, đồng loạt nổi dậy phá thế kìm kẹp của chế độ Mỹ - ngụy, đưa cách mạng chuyển sang thế tiến công, tiến công liên tục để giành thắng lợi trọn vẹn Xuân năm 1975. Ngọn lửa phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sáng ngời chân lý: Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Có đường lối cách mạng đúng đắn, quần chúng yêu nước có thể làm nên những kỳ tích lớn lao. Sẽ còn vang vọng đến muôn đời sau ngọn lửa đuốc lá dừa, tiếng mõ, tiếng trống đánh giặc của một thời hoa lửa vinh quang ấy!

Trong mấy năm qua, đã có nhiều ý kiến của các nhà khoa học quân sự Việt Nam nêu vấn đề: lịch sử dân tộc ta trải qua nhiều năm tháng thăng trầm. Hàng ngàn năm qua, cha ông ta đánh giặc và đánh thắng những thế lực xâm lược mạnh nhất thế giới. Tất yếu cha ông phải có “Binh pháp” để chế ngự lực lượng hùng mạnh của quân thù. Là dân tộc anh hùng và “Văn võ song toàn”, song việc tổng kết lý luận về “văn” đã nhiều, còn khái quát, tổng kết về “võ” còn hạn chế. Phương châm “Lấy ít địch nhiều”, “Lấy yếu thắng mạnh” chứa đựng trong đó nhiều kỹ thuật, chiến thuật quân sự diệu kế rất cần cho ngày hôm nay, nhất là trong giai đoạn hòa bình, xây dựng hệ thống phòng thủ trong tư thế chủ động, sẵn sàng đối phó và chiến thắng trong mọi tình huống.

Sẽ rất có ý nghĩa khi ôn lại 4 sự kiện lớn có mối liên hệ biện chứng với nhau trong năm 1960. Ngày 17-1-1960, phong trào Đồng Khởi thực hiện Nghị quyết 15 nổ ra tại Bến Tre rồi phát triển cả Nam Bộ. Tháng 9-1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tổ chức tại Thủ đô Hà Nội xác định và làm rõ thêm đường lối cách mạng miền Nam. Tại Đại hội, Đảng ta đã đúc kết 8 bài học chủ yếu của cách mạng Việt Nam qua 30 năm trưởng thành (1930-1960). Một trong những bài học đó là đoàn kết nhất trí trong Đảng là điều kiện cơ bản đoàn kết toàn dân. Tổng kết kinh nghiệm là một phương pháp tốt để nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên, để khắc phục những xu hướng giáo điều chủ nghĩa và kinh nghiệm chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Tháng 12-1960, tại Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập với lá cờ Mặt trận nửa xanh, nửa đỏ, chính giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Từ cuối năm 1960 đến đầu năm 1961, tại Bến Tre, Tỉnh ủy chỉ đạo việc chọn người, sắm thuyền để “mở đường” Đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp tục công việc từ thời đánh Pháp với nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Đường mòn Hồ Chí Minh xẻ dọc dãy Trường Sơn ở phía Tây và Đường Hồ Chí Minh trên biển ở phía biển Đông mang sứ mệnh thiêng liêng tiếp vận vũ khí, nhiên liệu, con người trong kháng chiến, là mạch máu của Tổ quốc và là gọng kìm bao vây quân xâm lược.

Ông Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh) - nguyên cán bộ tuyên huấn trong Đồng Khởi, đồng thời làm Đội trưởng Đội Vũ trang Giải phóng quân xã Định Thủy được thành lập vào đêm 17-1-1960, trong những dịp gặp mặt đồng đội, đã nhiều lần nhắc đến hình ảnh lá cờ Đồng Khởi được sử dụng phổ biến khi phong trào nổ ra tại 3 xã điểm: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh 53 năm về trước. Ông Lê Huỳnh nói, hình ảnh lá cờ có nền màu đỏ và ngôi sao xanh năm cánh chính giữa được sử dụng tại Định Thủy từ chiều 16-1-1960. Đây là chi tiết quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu, bởi đây có thể là lá cờ tiền thân của cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời cuối năm 1960. 

Bài học kinh nghiệm từ phong trào Đồng Khởi năm xưa không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quân sự mà còn là bài học về công tác cán bộ, công tác tổ chức, khơi nguồn và phát huy sức mạnh, tài trí của cán bộ và nhân dân, bài học về ý Đảng, lòng dân hòa hợp, về vai trò “đứng mũi chịu sào” của người đứng đầu. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật quân sự được vận dụng hiệu quả trong phong trào Đồng Khởi tại Bến Tre và cả miền Nam trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đó là bài học tạo lực và hợp lực để tạo nên sức mạnh, linh hoạt và sáng tạo để chủ động nắm thời cơ, khai thác thời cơ có hiệu quả, thế tiến công và tiến công liên tục để tạo lực mới, thời cơ mới, biết tổ chức khởi động và kết thúc từng cuộc đấu tranh, từng trận đánh. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân hiệu quả trong phong trào Đồng Khởi đã trở thành giá trị tinh thần vô giá, là phương pháp cách mạng khi triển khai các chương trình hành động, đề án cụ thể thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và các chỉ tiêu Nghị quyết trong năm 2013.

Mùa xuân Quý Tỵ 2013 đang đến thật gần, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre thêm tự hào với tên gọi quê hương Đồng Khởi. Đồng tâm, đồng lòng để thành công trong cuộc Đồng Khởi mới đã trở thành giá trị tinh thần, nền tảng văn hóa bền vững tạo nên động lực và sức mạnh cho con người Bến Tre hôm nay vươn lên xây dựng quê hương giàu, mạnh trong thế trận mới - thế trận phát triển kinh tế gắn với thực hiện Chiến lược Biển, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN