Tân Phú Tây ngày ấy - bây giờ

27/11/2009 - 13:45
Cây cam sành sau nhiều năm vắng bóng, nay đang phát triển ở xã Tân Phú Tây. Ảnh: C.T

Tân Phú Tây là một trong 13 xã của huyện Mỏ Cày Bắc, cách trung tâm huyện 3,5 km, có 6 ấp; diện tích tự nhiên 919 ha, trong đó có 212 ha dừa, 305 ha vườn cây ăn trái, 194 ha ruộng lúa ... Bộ mặt làng quê Tân Phú Tây như đẹp lên từng ngày, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trở lại vùng quê này.

NGÀY ẤY ...

Theo quyển “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tân Phú Tây” đến cuối thế kỷ thứ 18, vùng đất này đã có người dân định cư và đến năm 1892, sau khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp sắp xếp lại địa giới hành chính, làng Tân Phú Tây mới xuất hiện trên bản đồ, thuộc tổng Minh Thiện. Cuộc hành trình vào đất phương Nam, mở cõi, lập nghiệp của ông cha ta đã trải qua biết bao gian khổ được mô tả bằng những câu ca dao: “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vẫy vùng cũng phải kinh” , “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống bưng sợ đĩa, lên rừng sợ ma”, “Chiều chiều én liệng trên trời/ Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây”.

 

Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Nguyễn Văn Thẹo ở ấp Tân Thuận Trong, xã Tân Phú Tây ương thành công ba ba giống. Ảnh: C.T

 

Phong trào cách mạng chống thực dân Pháp do các sĩ phu yêu nước ở Tân Phú Tây tổ chức và lãnh đạo nổ ra rất sớm nhưng hầu hết đều bị đàn áp. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3-2-1930), với đường lối cương lĩnh đấu tranh chống thực dân, giải phóng dân tộc, đã tác động tích cực đến tinh thần nhân dân. Những người nòng cốt trong Thanh niên Cách mạng đồng chí hội trước đây đã trở thành những lực lượng cảm tình Đảng đầu tiên của xã. Sau khi Huyện ủy Mỏ Cày được thành lập, ngày 6-1-1945, chi bộ Đảng xã Tân Phú Tây chính thức ra đời, đồng chí Trần Văn Trình làm Bí thư đầu tiên. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, sáng ngày 27-8-1945, cuộc mít-tinh ra mắt UBND, UBMT Việt Minh xã Tân Phú Tây được tổ chức trước công sở xã tại cầu Ông Tạo. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Phú Tây đã lập nhiều chiến công, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975).

Đặc biệt, sau tổng công kích xuân Mậu Thân 1968, cơ quan lãnh đạo và các ngành của Đặc khu Sài Gòn- Gia Định (Y4) đã về đứng chân tại địa bàn xã Tân Phú Tây và Thành An. Đây là một vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Tân Phú Tây và Thành An phối hợp với các xã: Hòa Lộc, Tân Bình, Tân Thành Bình, Thạnh Ngãi, Phước Mỹ Trung cùng với lực lượng bạn xây dựng, hình thành thế trận phòng thủ chiến đấu bảo vệ an toàn, tạo mọi điều kiện để các cơ quan lãnh đạo và lực lượng Y4 hoàn thành nhiệm vụ. Sau giải phóng, nơi này được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Và, ngày 31-12-2000, nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân Phú Tây đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

BÂY GIỜ ...

Đảng bộ xã Tân Phú Tây có 191 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ. Nhiều năm liền Đảng bộ xã được công nhận trong sạch vững mạnh, hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ và thường xuyên được củng cố nâng chất.

Hiện xã có 367 hộ giàu (đạt tỷ lệ 20,8%); 742 hộ khá (40,6%); 234 hộ nghèo (12,8%). Bình quân thu nhập đầu người 12,5 triệu đồng/năm. Trong việc phát triển kinh tế, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng, hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân. Trên lĩnh vực văn hóa- xã hội, chất lượng giáo dục được nâng cao, đạt phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Trường lớp phát triển, xã hội hóa giáo dục được quan tâm. Xã thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia; thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương vượt chỉ tiêu; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Toàn xã có 19,64 km đường giao thông chính, đã hoàn thành chương trình bê-tông các cầu và trục đường giao thông: 77 cây cầu, 6,05 km đường nhựa, 11,59 km đường bê tông, với tổng kinh phí gần 7,8 tỷ đồng; trong đó, dân đóng góp gần 2,6 tỷ đồng và trên 3 triệu ngày công lao động. Đường bê-tông ở Tân Phú Tây được thi công có chiều rộng từ 2,5m trở lên nên xe ô-tô có thể lưu thông đến tận các ấp.

Sau hơn một năm tập trung xây dựng xã văn hóa, mới đây, ngày 17-11-2009, Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, huyện đã đến tổng kiểm tra, thẩm định các tiêu chí và bỏ phiếu đồng ý đề nghị UBND tỉnh công nhận Xã văn hóa Tân Phú Tây.

Được biết, ngày hội lớn- ngày Tân Phú Tây rước bằng công nhận Xã Văn hóa sẽ được tổ chức vào tháng 12 năm nay.

Công Tạo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN