Cưỡng chế, kê biên tài sản phải thi hành án theo quy định mới

31/05/2020 - 21:37

BDK - Ngày 17-3-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (ngày 18-7-2015), quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS). Nghị định số 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2020. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho công tác THADS đạt nhiều hiệu quả hơn.

Đất đai là đối tượng thường xảy ra tranh chấp và cũng là đối tượng thi hành án. Ảnh: H. Đức

Đất đai là đối tượng thường xảy ra tranh chấp và cũng là đối tượng thi hành án. Ảnh: H. Đức

1. Về nguyên tắc áp dụng bảo đảm, cưỡng chế, Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định: Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án (THA); tính chất, mức độ, nghĩa vụ THA; điều kiện của người phải THA; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA thích hợp.

Chấp hành viên được áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật THADS.

Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế THA phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải THA và các chi phí THA theo quy định của pháp luật. Không áp dụng nguyên tắc kê biên tương ứng đối với trường hợp người phải THA tự nguyện giao tài sản để THA (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7a Luật THADS) và trường hợp người phải THA chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải THA mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản.

Quy định rõ ràng, cụ thể này đã góp phần tháo gỡ những tình huống khó khăn thực tế hay gặp phải trong THA. Đồng thời, ràng buộc người phải THA không trốn nghĩa vụ phải THA.

2. Nhằm giải quyết những trường hợp người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản cố tình chống đối, không hợp tác với cơ quan THA trong quá trình giải quyết việc THA. Cụ thể như cố tình đóng, khóa cửa, gây khó khăn cho công tác xác minh, kiểm tra hiện trạng, định giá, bán đấu giá tài sản THA… Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định:

“Trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên thì tùy từng trường hợp cụ thể mà chấp hành viên tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói; buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất hoặc các biện pháp cần thiết khác để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác bảo quản theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được việc giao bảo quản đối với tài sản theo quy định tại Điều 58 Luật THADS  thì thủ trưởng cơ quan THADS có văn bản đề nghị UBND cấp xã phối hợp, hỗ trợ bảo quản trong thời gian chưa xử lý được tài sản”.

3. Về biện pháp xử lý đối với trường hợp người phải THA thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản THA sau thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định:

Trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA mà phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản đó thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để THA. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.

Ngoài ra, Luật cũng quy định cụ thể về phương thức xử lý đối với trường hợp có giao dịch về tài sản mà người phải THA không sử dụng toàn bộ khoản tiền thu được từ giao dịch đó để THA và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ THA.

Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN