Mùa dịch, hãy lên mạng đúng cách!

17/08/2020 - 06:54

BDK - Dịch Covid-19 trở lại với nhiều yếu tố phức tạp hơn trước: bệnh lây lan trong cộng đồng, loại virus có khả năng biến thể, số lượng người nghi nhiễm lớn, di chuyển qua nhiều địa phương… Nhiều người trong chúng ta mang tâm lý lo lắng, liên tục cập nhật tin tức, đồng thời liên tục chia sẻ thông tin, với mong muốn kịp thời thông báo cho bạn bè, người thân nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống dịch bệnh. Nhưng có ngờ đâu, đôi lúc lại khiến tình hình trở nên phức tạp, thậm chí vướng vào các hành vi sai phạm trên không gian mạng. Vậy, làm sao để lên mạng đúng cách?

Đeo khẩu trang nơi công cộng để bảo vệ cho chính mình và góp phần phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: PV

Đeo khẩu trang nơi công cộng để bảo vệ cho chính mình và góp phần phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: PV

1. Hãy luôn đảm bảo rằng những thông tin chúng ta tiếp nhận là những thông tin chính thống, đủ độ tin cậy, đến từ những địa chỉ phát tin uy tín. Hiện nay, các cơ quan hữu quan như Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế từng địa phương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành… đều luôn cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh cùng các nội dung thông tin khác có liên quan. Các đơn vị truyền thông, thông tấn, báo đài từ Trung ương đến địa phương cũng kịp thời theo sát các thông tin dịch bệnh. Khi thấy những trang tin có các đường dẫn (đường link) lạ, bạn đọc chúng ta cần hết sức cảnh giác. Không chỉ tiềm ẩn các nguồn tin không chuẩn xác, mà các đường dẫn này còn mang đến nguy cơ nhiễm virus tin học cho máy tính, điện thoại của người dùng. Đối với các nguồn tin đến từ các tài khoản mạng của người nổi tiếng (KOL), chúng ta cần có thao tác kiểm chứng thông tin, kiểm chéo thông tin, tránh vội vàng kết luận.

2. Hãy luôn suy nghĩ thật kỹ trước khi có ý định chia sẻ một điều gì trên mạng xã hội. Lợi dụng tâm lý quan tâm dịch bệnh của dư luận, không chỉ nhiều trang tin giả mạo mà còn có nhiều tài khoản mạng cố ý đăng tải các thông tin sai lệch, giật gân, nhằm thu hút người đọc. Để ngụy trang, thuyết phục sự tin tưởng của người đọc, các thông tin này đã xuất hiện với những dạng thức tinh vi hơn so với trước đây. Có thể là một đoạn văn bản sai trái nhưng có lồng ghép một vài câu nói của các chính trị gia, hay người nổi tiếng. Có thể là những lời khuyên về các biện pháp phòng tránh dịch bệnh nhưng lại có những yếu tố phản khoa học, thiếu logic. Hoặc có thể tự tạo ra những phát biểu thông tin rồi gán cho các nhân vật có chức danh liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh. Thậm chí, đó có thể là những bản tin video ngắn tự chế, nhưng có gắn các logo của các đơn vị truyền thông chính thống. Chia sẻ những thông tin này là chúng ta tiếp tay cho những kẻ xấu trục lợi trên nỗi đau bệnh tật của cộng đồng.

3. Hãy cẩn trọng với việc diễn đạt. Đây là những lỗi thường gặp khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ. Đặc biệt, trong trạng thái lo lắng vì dịch bệnh, lại thêm tâm lý nôn nóng muốn chia sẻ thông tin mới nhất, chúng ta có thể diễn đạt những câu chữ không đúng với bản chất của sự việc, làm méo mó tính chất của câu chuyện, làm sai lệch vấn đề, gây hoang mang, bất an không đáng có trong dư luận. Hoặc một cách vô ý, chúng ta có thể đưa thông tin không đủ dữ kiện. Rõ ràng, hai cách cung cấp thông tin: “Bệnh nhân tử vong vì Covid-19” và “Bệnh nhân tử vong do Covid-19 và có bệnh lý nền nặng” sẽ mang đến hai cách hiểu khác nhau. Và kéo theo đó là hai hướng suy luận, hai tâm lý tiếp nhận khác nhau. Việc thông tin không đầy đủ các dữ kiện của sự việc bệnh nhân tử vong do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do mắc Covid-19 sẽ khiến bản chất của sự việc bị kéo theo hướng tiêu cực hơn, khiến người đọc không có đủ thông tin để nhìn nhận vấn đề.

Chúng ta hãy lên mạng một cách tỉnh táo, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại. Nếu ở nhà nhiều nhất có thể là biện pháp chung tay phòng chống dịch thì lên mạng cũng hãy đúng cách để không làm phức tạp thêm tình hình. 

* Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể lây nhiễm qua 2 con đường cơ bản: lây truyền trực tiếp qua việc tiếp xúc với giọt tiết mũi họng từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp hoặc là lây nhiễm gián tiếp qua bề mặt trung gian đã nhiễm virus.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia và Bộ Y tế đã có khuyến cáo đề nghị mỗi người dân cần chủ động, tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong đó có khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra đường, ở nơi công cộng. 

Theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, nghiêm cấm hành vi “Không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Đối với người không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của cơ quan y tế (không đeo khẩu trang), sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng (theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ).

Đối với người có hành vi vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt (khẩu trang) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng; nếu vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị, sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng (theo quy định tại các Điểm c, d Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ).

Xuân Tiến - Chí Thiện

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN