Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hành nghề công chứng

28/09/2020 - 06:49

BDK - Toàn tỉnh hiện có 13 văn phòng công chứng (VPCC) với 23 công chứng viên (CCV) thực hiện hoạt động công chứng (HĐCC) trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Trong đó, TP. Bến Tre có 4 VPCC, không còn Phòng Công chứng (Phòng Công chứng số 1 thuộc Sở Tư pháp đã chuyển đổi thành Văn phòng Công chứng). Các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu HĐCC tại địa phương.

Thực hiện hoạt động công chứng tại Văn phòng công chứng  Nguyễn Văn Tứ.

Thực hiện hoạt động công chứng tại Văn phòng công chứng  Nguyễn Văn Tứ.

Qua 5 năm thi hành Luật Công chứng (thời gian từ 1-1-2015 đến 31-12-2019), các TCHNCC trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hơn 196,9 ngàn việc công chứng hợp đồng, giao dịch, nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bằng; thực hiện hơn 226,2 ngàn trường hợp chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao từ bản chính. Tổng số tiền thu phí công chứng được trên 44 tỷ đồng. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 9 tỷ đồng.

Theo thống kê, tổng số việc công chứng, chứng thực qua các năm đều tăng dần (năm 2015 có 51,58 ngàn việc, đến năm 2019 có 103,15 ngàn việc). Việc thực hiện các thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch được thực hiện đúng theo trình tự luật định. HĐCC trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đảm bảo phục vụ theo yêu cầu của công dân, tổ chức.

HĐCC trên địa bàn vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Trong thời gian 5 năm, cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 56 lượt tại các TCHNCC. Qua đó, đã kịp thời phát hiện sai phạm, xử phạt 4 trường hợp đối với 3 TCHNCC và 1 CCV với số tiền 12 triệu đồng.

Cùng thời gian này, đã có 16 văn bản công chứng bị khởi kiện do các bên tham gia giao dịch có tranh chấp và do người yêu cầu công chứng bị tuyên bố khó khăn trong nhận thức. Tuy nhiên, không có trường hợp nào phải bồi thường theo bản án hoặc quyết định của Tòa án. Ngoài ra, các TCHNCC đã sử dụng lực lượng cộng tác viên làm vệ tinh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh (có chi trả huê hồng) để thu hút số lượng khách hàng và tạo nên “thị trường” cạnh tranh giữa các TCHNCC; đây cũng là một trong những khó khăn trong công tác quản lý mà cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.

Trên thực tiễn áp dụng tại Điểm d, Khoản 1 Điều 30 Luật Công chứng, đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Điều luật này quy định về thu hồi giấy phép hoạt động đối với trường hợp VPCC chỉ còn một CCV hợp danh và không bổ sung được thành viên hợp danh mới trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thiếu CCV hợp danh. Trên thực tế đã phát sinh một số trường hợp các TCHNCC sau khi được cấp giấy đăng ký hoạt động được một thời gian ngắn thì thay đổi nội dung đăng ký, chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, VPCC chỉ còn 1 CCV. Khi đến thời điểm gần hết hạn 6 tháng, VPCC bổ sung CCV hợp danh nhằm hợp thức hóa theo quy định. Quy trình này tiếp tục được lặp lại nhưng không có chế tài để xử lý đối với trường hợp này.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 62 Luật Công chứng, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng (CSDLCC) của địa phương và ban hành quy chế khai thác, sử dụng CSDLCC. Nhưng thực tế, mỗi địa phương lại xây dựng CSDL riêng nên dẫn đến hệ thống thông tin dữ liệu công chứng không thống nhất. Đồng thời, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp bộ, ngành Trung ương trong việc chia sẻ thông tin liên quan đến HĐCC theo Khoản 3 Điều 62 của Luật.

CCV Nguyễn Văn Tứ - Trưởng VPCC Nguyễn Văn Tứ (TP. Bến Tre) cho hay: Hiện tại, các thông tin phần mềm công chứng chưa được các VPCC trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ. Do vậy, việc xem xét tài sản giao dịch lần 2 không xác định được. Mặt khác, giữa TCHNCC và UBND cấp xã chưa có phần mềm thông suốt để kiểm tra việc giao dịch tài sản nên giao dịch dễ bị trùng lắp (nếu khách hàng cố ý), vấn đề này đã gây nhiều khó khăn cho HĐCC.

Theo Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 31-1-2019 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng CSDLCC, các TCHNCC trên địa bàn tỉnh đều phải tham gia sử dụng CSDLCC, cập nhật các thông tin về hợp đồng, giao dịch trong CSDLCC đúng theo quy định. 

Để đảm bảo tính an toàn về pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức, mong rằng các cơ quan chức năng cần quan tâm kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các TCHNCC vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực công chứng. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác và sử dụng CSDLCC đúng theo quy định pháp luật. 

Bài, ảnh: H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN