Nếu “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” ở huyện Giồng Trôm đã thành danh, thì ở Mỏ Cày Nam cũng có một loại bánh đã tạo được thương hiệu với người tiêu dùng trong và ngoài huyện. Đó là bánh phồng mì Hội An (ấp Hội An, xã Đa Phước Hội).
Ấp Hội An hiện có khoảng 20 hộ làm nghề bánh phồng, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tổ nhân dân tự quản 15 và 16. Nghề làm bánh phồng mì ra đời cách đây trên 20 năm. Phần lớn diện tích của ấp là đất giồng cát, không thích hợp trồng các loại hoa màu mà chỉ thích hợp cho cây mì (sắn) phát triển. Củ mì thường chỉ được tiểu thương mua hoặc bà con tự nấu rồi đem bán nhỏ lẻ ở các chợ nên giá trị không cao. Ban đầu, do mì chỉ được giã bằng cối theo phương pháp thủ công nên độ nhuyễn và độ sánh không cao đã làm ảnh hưởng đến chất lượng. Sau này, một số hộ sản xuất có sáng kiến dùng máy xay gạo để xay mì, nên bột mì có độ nhuyễn, độ sánh cao hơn.
Quy trình làm bánh tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo và có nhiều kinh nghiệm từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu pha trộn, cán bánh và cách bảo quản. Mì sau khi tách vỏ, rửa sạch, đem nấu chín, rút tim giữa (gân) rồi cho vào máy xay nhuyễn, sau đó cho vào các nguyên liệu như: đường, muối, bơ, sữa,… Tỷ lệ pha trộn bột mì trung bình cứ 10kg mì thì cho vào 1,5kg đường (phải chọn loại đường thùng bánh sẽ ngon hơn) rồi nhào bằng tay hoặc bằng máy. Khi đã đến độ nhuyễn và độ sánh theo yêu cầu, bột mì được vắt thành từng phần nhỏ và được cán mỏng ra bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ trong gia đình. Tùy vào giá cả mà bánh được cán với to, nhỏ và độ dày khác nhau. Bánh cán xong được xếp cả vào chiếu và đem đi phơi. Khi thấy bánh vừa cứng là lấy vào nhưng không gỡ liền vì bánh sẽ dễ bị rách, mà phải để đến chiều tối cho bánh mềm, dẻo mới gỡ bánh ra, tính số lượng và cho vào bao ni-lông đóng gói. Mỗi ngày, xóm bánh làm ra khoảng 18.000 đến 20.000 bánh, giá trung bình 10.000 đồng/chục, thì giá trị kinh tế mang lại là không hề nhỏ, khoảng 18 đến 20 triệu đồng/ngày. Xóm bánh hoạt động từ đầu tháng 10 âm lịch, kéo dài đến cuối tháng Chạp thì kết thúc, như vậy tính ra trong 3 tháng, nguồn thu từ bánh phồng mì cũng tròm trèm con số hơn tỷ đồng.
Gia đình chị Lê Thị Son, tổ nhân dân tự quản số 16, có thâm niên gần 10 năm làm bánh, phấn khởi nói: “Gia đình tôi có 2 lao động nhàn rỗi, trước kia cuộc sống rất khó khăn, từ khi làm nghề này trong dịp Tết, gia đình đã khấm khá hơn xưa. Mỗi ngày, gia đình tôi cán được khoảng 1.000 bánh, với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí, có thu nhập trên dưới 500 ngàn đồng. tính ra, thu nhập cao gấp mấy lần so với nấu mì ra chợ bán, vì có đầu ra ổn định và không phải lo cảnh dội chợ”. Xóm bánh không chỉ giải quyết việc làm và mang lại cuộc sống sung túc cho người sản xuất mà còn tạo điều kiện những hộ khác có nguồn thu nhập ổn định từ việc thu mua bánh và còn phân phối ra thị trường. Anh Lê Văn Bé, tổ nhân dân tự quản số 4, là người đã gắn bó với việc thu mua bánh từ nhiều năm nay cho chúng tôi biết: “Mỗi ngày, tôi gom hàng của các hộ trong xóm đem bỏ mối cho các điểm bán lẻ trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Với số lượng khoảng 10.000 bánh, tôi cũng có thu nhập hơn 200.000 đồng, phần nào trang trải chi tiêu cho cuộc sống gia đình vào những ngày Tết”. Ngày nay, nhu cầu ẩm thực và thị hiếu người tiêu dùng ngày càng cao, do đó trong công đoạn nhào bột bánh người sản xuất cho thêm vào sữa đặc, bơ, nước cốt dừa, cốt lá dứa,… để sản phẩm bánh ra đa dạng về màu sắc, chủng loại và chất lượng cũng thơm ngon hơn.
Anh Lương Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phước Hội cho biết: “Nghề làm bánh phồng mì ở Hội An đã có từ hơn hai thập niên qua, tuy chỉ sản xuất ở quy mô gia đình và hoạt động vào 3 tháng giáp Tết nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất thiết thực, xóm bánh vừa là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của ấp Hội An, vừa giải quyết lao động nông thôn nhàn rỗi, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Hướng tới, xã sẽ đề nghị cấp trên xem xét và công nhận xóm bánh đạt tiêu chuẩn của một làng nghề”.