Bãi rác lộ thiên bên cạnh QL 57, ấp 5, xã An Thuận (Thạnh Phú).
Vấn đề nhức nhối là chất thải từ chăn nuôi heo. Bốn huyện thuộc cù lao Minh (Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách) có tổng đàn heo trên 310.000 con, mỗi ngày thải ra khoảng 300 tấn phân heo...
Kể cả mùa mưa hay mùa nắng, người dân nhiều nơi thuộc khu vực cù lao Minh luôn ngán ngẩm bởi không khí hôi thối, nguồn nước bị ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường ở cù lao Minh có những nguyên nhân: Chất thải từ chăn nuôi, rác thải ở các chợ, cầu tiêu trên ao cá, dư lượng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, chất thải trong hoạt động nuôi thủy sản, chất thải từ các lò giết mổ, nước thải từ bệnh viện…
Có thể nói, Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc là 2 huyện có nhiều hộ nuôi heo. Mỏ Cày Bắc có 3.000 hộ nuôi heo với hơn 70.000 con. Mỏ Cày Nam có 10.000 hộ nuôi heo với khoảng 200.000 con. Hầu hết, người nuôi heo đều áp dụng mô hình biogas, việc này đã giảm được mùi hôi thối. Huyện Mỏ Cày Nam có các xã đang bị ô nhiễm nặng do nuôi heo, như: Thành Thới A, Thành Thới B, Cẩm Sơn, Tân Trung, An Thới, An Định, Hương Mỹ, Minh Đức, Đa Phước Hội và Thị trấn. Ở huyện Mỏ Cày Bắc, người nuôi heo cũng e ngại về ô nhiễm môi trường. Bà Võ Thị Chính ở ấp Đông Thuận (Thành An), đang nuôi hơn 50 con heo, cho biết: “Tôi đang đầu tư xây hầm biogas quy mô kiên cố gần 10 triệu đồng để giảm ô nhiễm môi trường, nhưng nó chỉ hạn chế mùi hôi, còn nước hầm biogas được đưa ra ngoài thì không cách nào khắc phục. Nếu không nuôi heo thì thu nhập của gia đình hàng tháng khó ổn định”.
Ở huyện Thạnh Phú hiện nay, môi trường cũng đang bị ô nhiễm do nuôi heo và rác thải. Không ít hộ xây hầm biogas nhưng thể tích không phù hợp vì số lượng heo quá nhiều, nên khâu xử lý không đạt. Còn lại, nhiều hộ nuôi heo dưới 50 con thì đổ phân heo làm mồi cho cá; từ đây nước ao cá lại đi vào nguồn nước sinh hoạt. Bà Nguyễn Thị Nỉ ở ấp Thạnh Hòa A (thị trấn Thạnh Phú), vừa nói, vừa chỉ tay vào đoạn rạch nhỏ dài gần 200m: “Cách nay khoảng 1 tuần, nước đen thùi, phía bên kia sát con rạch có hộ ông Nguyễn Văn Yên, nuôi khoảng 50 con heo, kế bên là hộ ông Ba Phùng nuôi 5-6 con bò. Hộ ông Yên nuôi heo có hầm biogas nhưng nước trong hầm chảy đi đâu, trong khi chuồng heo của ông nằm bên cạnh con rạch nhỏ dẫn nước vào nhà máy nước thị trấn Thạnh Phú. Xung quanh đây có khoảng 10 hộ, 6-7 năm nay luôn bị mùi hôi thối từ chuồng heo của ông Yên”.
Ngày 22-6-2010, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an Bến Tre) đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Cù Lao Minh, kết quả cho thấy mỗi ngày bệnh viện sử dụng khoảng 300m3nước, nhưng hệ thống xử lý nước thải không hoạt động và nước thải trực tiếp chảy ra môi trường.
Chợ Lách - nơi nổi tiếng sản xuất hoa kiểng, cây ăn trái. Nhiều người cứ nghĩ rằng nơi đây ít bị ô nhiễm môi trường, nhưng thực tế có một số cơ sở nuôi thủy sản chưa thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường. Các cơ sở nuôi cá da trơn, sau khi bơm bùn trong ao ra bên ngoài để vệ sinh đáy ao đã gây ô nhiễm nguồn nước, tại các xã: Vĩnh Bình, Tân Thiềng, Hòa Nghĩa và Long Thới. Huyện Mỏ Cày Bắc mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 4 tấn rác từ các chợ. Hầu hết, rác chỉ được xử lý bằng cách đổ vào bãi đất trống, mương vườn, dần dần rác tự phân hủy. Trong quá trình rác phân hủy, ruồi bu vào rác, sau đó bay đến các nhà dân, các quán ăn, quán giải khát. Chợ nào cũng có nước thải, nhưng chưa hề được xử lý. Nước thải ở chợ Ba Vát (Phước Mỹ Trung) “tự do” chảy xuống sông Ba Vát.
Quyền Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Thanh Sơn bức xúc: “Tình trạng ô nhiễm môi trường do các chuồng heo, các cầu tiêu ao cá, nước rỉ từ các bãi rác ngày càng gia tăng. Ngành chức năng chỉ tuyên truyền vận động, nhắc nhở chứ chưa phạt hộ nào”.
Cũng là chuyện ô nhiễm từ rác thải, rác từ các chợ trong toàn huyện Mỏ Cày Nam thải ra khoảng 20 tấn/ngày, từ các bãi rác này rỉ ra nước (chưa được xử lý) mỗi ngày chảy đều đều xuống mương, rạch, kênh, ra sông Mỏ Cày. Còn các nhà vườn sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, trong sản xuất hoa kiểng cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm. Ông Trương Xuân Truyền, ấp Vĩnh Hưng I (Vĩnh Thành), bức xúc rằng: “Sử dụng thuốc trừ sâu kiểu này đối với hoa kiểng, thì coi chừng làng nghề truyền thống hoa kiểng Cái Mơn trở thành làng “ô nhiễm” từ chất độc”. Về vấn đề sử dụngthuốc trừ sâu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành – Đinh Thị Huệ, rất lo âu: “Đối với mai vàng, nghệ nhân trồng hoa kiểng, phải sử dụng thuốc khá độc mới diệt nổi sâu ăn lá, sâu đục thân. Xã đã có ít nhất 2 người mắc bệnh vì nhiễm thuốc trừ sâu”.
Còn một nguyên nhân gây ô nhiễm đáng lo ngại là nước thải từ các ao cá cầu và bệnh viện. Ở cù lao Minh hiện nay, còn nhiều hộ dân vùng nông thôn sử dụng cầu tiêu trên ao cá. Nước từ cầu tiêu trên ao cá cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh mỗi ngày đổ trực tiếp ra sông Mỏ Cày khoảng 300m3nước thải chưa qua xử lý, đang ảnh hưởng không tốt đến các cơ sở sản xuất nước đá và nhà máy nước thị trấn Mỏ Cày Nam.
Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Cù Lao Minh bác sĩ Lê Quang Trung, cho biết: “Từ năm 2004 đến nay, khu xử lý nước thải hư hỏng nặng, xuống cấp trầm trọng không còn xử lý được. Bệnh viện đã nhiều lần lập tờ trình xin Sở Y tế xem xét, khảo sát xây dựng mới khu xử lý nước thải, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng”.