 |
Trồng rừng ở Thới Thuận - Bình Đại. Ảnh: H.H |
Bến Tre có 65 km bờ biển; diện tích rừng ngập mặn không nhiều nhưng có vai trò quan trọng trong thích ứng biến đổi khí hậu. Theo đánh giá, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, Bến Tre là một trong những tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do vậy, việc bảo vệ và phát triển rừng ven biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo thống kê, nhiều năm trở lại đây, tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư và phát triển diện tích rừng ven biển; đã trồng mới hàng trăm ha rừng, nâng tổng diện tích toàn tỉnh hiện nay lên 3.842ha, thông qua chính sách giao khoán và cho người dân được hưởng lợi từ các sản phẩm rừng theo Quyết định 178 của Chính phủ. Nhờ vậy, nhiều mô hình bảo vệ, sản xuất kết hợp mang lại hiệu quả: người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp nuôi tôm, sò huyết. Đồng thời, Ban quản lý rừng đã đầu tư nhiều công trình phúc lợi xã hội như cầu, đường, trường học, trạm xá, tạo điều kiện tốt hơn trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Từ đó, sự gắn bó, bảo vệ rừng ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, diện tích rừng hàng năm tăng không nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng. Ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận cư dân chưa cao nên còn xảy ra nhiều trường hợp đốn phá rừng lấn chiếm đất rừng nuôi tôm, khai thác các đặc sản rừng, như sâm đất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Năng suất, chất lượng rừng còn thấp do việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong cải tạo còn hạn chế. Tác động của ngành lâm nghiệp trong công tác xóa đói giảm nghèo chưa cao, thu nhập từ rừng còn thấp thiếu ổn định. Tăng trưởng lâm nghiệp còn chậm, đóng góp của lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh chưa nhiều. Nguyên nhân là do nhận thức về lợi ích nhiều mặt của rừng chưa thật sự đầy đủ; chưa đánh giá đúng các giá trị của rừng trong cộng đồng nên thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức. Diện tích rừng phòng hộ còn phân tán và manh mún, chỉ khoảng từ 0,3-1ha. Chính sách đầu tư trồng và quản lý bảo vệ rừng thấp, chỉ 10 triệu đồng/ha/4 năm. Lợi nhuận từ kinh doanh rừng quá ít, chu kỳ kinh doanh lại quá dài, từ 5-10 năm mới có khai thác nên chưa hấp dẫn người dân đầu tư, so với nuôi trồng thủy sản. Công tác giao đất, giao rừng chưa được triển khai triệt để nên người dân chưa thật sự yên tâm đầu tư. Diện tích qui hoạch phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, hiện còn nhiều vuông tôm nên gặp khó khăn trong tổ chức vận động người dân trồng rừng. Đối với một số diện tích giồng cát, người dân đang trồng cây màu; còn đất bãi bồi ven biển được nuôi tôm, sò huyết hiệu quả kinh tế cao so với trồng rừng nên chưa mở rộng diện tích rừng được. Vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, quản lý bảo vệ rừng của địa phương theo Quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực cán bộ lâm nghiệp cấp huyện, xã thiếu so với yêu cầu, công tác khuyến lâm chưa được chú trọng.
Để bảo vệ và phát triển tốt rừng ven biển, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng; tiếp tục tiến hành giao đất, giao rừng cho dân, để họ yên tâm đầu tư chăm sóc và bảo vệ; nghiên cứu xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho người dân vùng lâm nghiệp; đầu tư hạ tầng giao thông, các công trình phục vụ dân sinh, từng bước nâng cao đời sống người dân; tiếp tục thiết lập, quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững 7.833ha đất được qui hoạch lâm nghiệp; trong đó, rừng phòng hộ 3.803ha, rừng đặc dụng 2.584ha, rừng sản xuất 1.446ha. Mục tiêu đến năm 2020, phải bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và trồng mới 1.100ha, nâng diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh lên 4.900ha.